Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Phục dựng đám cưới mường ở xã Quảng Lạc

Thứ năm, 07/12/2023

Phục dựng đám cưới của đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc

 

Huyện Nho Quan có gần 20% dân số là đồng bào dân tộc Mường với nhiều nét văn hóa riêng có, cần được quan tâm bảo tồn. Trong đó, đám cưới của người Mường xã Quảng Lạc vừa được huyện chọn phục dựng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Phục dựng đám cưới của đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc

Nhà trai mang lễ vật đi dạm ngõ.

Đầu tháng 12/2023, một đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Mường được phục dựng đã diễn ra tại nhà sàn văn hóa cộng đồng thôn Đồng Trung và nhà sàn truyền thống của hộ gia đình trong khu vực hồ Đập Trời với gần 100 người tham gia, gồm đại diện Phòng Văn hóa  và Thông tin huyện; lãnh đạo, nhân dân xã Quảng Lạc; hội viên Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã. 

Ông Bùi Thanh Mạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao thôn Đồng Bài - đại diện Ban tổ chức lễ cưới phục dựng xã Quảng Lạc cho biết: Đám cưới của người Mường từ xa xưa gồm các bước: Bước 1 là dạm ngõ, thăm hỏi (mở miệng), bắn tiếng (lỏng xiếng). Bước 2 là dạm hỏi/đặt vấn đề (kháo tiếng), hai bên bàn bạc ngày ăn hỏi. Bước 3 là vấn danh/ăn hỏi (ti nòm), đại diện hai bên gia đình bàn bạc với nhau, đại diện nhà gái thách cưới gồm lợn 50 cân, gạo tẻ 30 cân, gạo nếp 30 cân, 10 cái bánh chưng, 10 cái bánh dày, 6 tấm trầu (mỗi tấm gồm 6 lá) cuộn trong lá chuối tươi, 1 buồng cau (trầu cau xếp trong thúng); đại diện gia đình nhà trai nói lý lẽ để xin bớt đồ thách cưới và thống nhất các đồ lễ thách cưới với nhà gái. Bước 4 là lễ nạp tài, nhà trai chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái (lợn trong giọ, gà trong lồng, rượu trong vò - vại, gạo nếp, gạo tẻ trong thúng, bánh bày trên mâm, trầu cau đặt trong thúng). Bước 5 là lễ cưới (ti cháu), lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm 1 chai rượu, 1 cơi trầu (em gái chú rể mang lễ xin dâu). Bước 6: Lại mặt.

Sôi nổi nhất là các hoạt động tại lễ cưới bởi có chiêng đánh, hát giao duyên (hát tình), đi đầu đoàn đón dâu là người cầm chiêng, đoàn vừa đi vừa trò chuyện, hát giao duyên với nhau, cô dâu phải cầm theo con dao sừng nai (dao sừng nai gài cạp váy); lễ trải chiếu hoa cho đôi vợ chồng trẻ; đoàn đón dâu về đến cổng nhà, mẹ chồng chạy ra giữa nhà, chạy vòng quanh cây cột cái 3 vòng sau đó vào phòng, hoặc đi ra ngoài trốn con dâu; cô dâu và đoàn đón dâu múc nước rửa chân trước khi lên cầu thang, cô dâu được mẹ già và phù dâu đưa vào ngồi trong phòng cưới; lễ cúng tổ tiên do đại diện gia đình thực hiện, cô dâu được gọi từ buồng cưới ra, cô dâu, chú rể đứng trước bàn thờ tổ tiên, thắp hương, bái lạy 3 lạy; lễ nhận anh em họ hàng của cô dâu…

Phục dựng đám cưới của đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc

Nhà trai, nhà gái thân thiết trong đám cưới.

 

Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà trai, nhà gái bố trí đầy đủ: bàn thờ, bếp và gác bếp truyền thống, chiếu hoa trải sàn, phòng cưới, cổng chào đám cưới bằng lá dừa, tre nứa; lễ vật như lợn, gà, gạo, rượu, cơi trầu, bánh sừng bò, bánh chưng… 

Mỗi lễ cưới đều có sự tham gia giúp sức và chung vui của anh em họ hàng, nhân dân trong thôn, bản cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt.

Nghệ thuật trình diễn trong đám cưới của người Mường khá độc đáo bởi xuyên suốt lễ cưới là tiếng hát giao duyên lúc đi đón dâu, đưa dâu (hát ở ngoài trời); hát chúc mừng đám cưới (hát chào khách, hát chúc ông bà, bố mẹ, hát chúc đôi vợ chồng trẻ, hát mời trầu,  hát mời rượu, hát mời cơm, hát tiễn khách) và hát giao duyên giữa "trai xa gái lạ" khi nhà trai tổ chức lễ cưới. Tiếng hát vang vọng núi rừng, tạo không khí vui tươi, phấn chấn, thể hiện đây thực sự là ngày vui, ngày hạnh phúc lứa đôi, gia đình hai bên có thêm dâu, rể mới.

Lần đầu tiên được dự đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc mình, em Nguyễn Thị Thu Thùy, 13 tuổi, thôn An Ngải, xã Quảng Lạc phấn khởi cho biết: Em thấy đám cưới thú vị bởi cô dâu, chú rể, khách dự lễ cưới đều mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường, đặc biệt cô dâu chiết khăn trắng trên đầu, áo pắn (áo ngắn) dài chấm eo lưng, áo yếm, váy, đồ trang sức và chú rể mặc áo nâu; các giao tiếp tại đám cưới hoàn toàn bằng tiếng Mường. 

 

Phục dựng đám cưới đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc

Chuẩn bị trang phục tham gia đám cưới truyền thống.

 

Hiện nay, thực hiện nếp sống văn hóa mới, nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường được rút gọn gồm dạm ngõ, ăn hỏi, cưới và thực hiện theo nếp sống văn minh như không thách quá nhiều tiền, lễ vật cưới, không hút thuốc lá trong đám cưới… 

Phục dựng đám cưới đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc

Cỗ cưới tại nhà trai.

Song hành cùng sự phát triển của xã hội hiện đại, việc phục dựng đám cưới của người Mường là giải pháp thiết thực nhằm phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc này.

Đồng chí Bùi Như Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Xã Quảng Lạc có 7.300 nhân khẩu, sinh sống tại 8 thôn, trong đó có 73% đồng bào dân tộc Mường. Thực hiện Dự án 6 - Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn huyện Nho Quan, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với xã Quảng Lạc tổ chức phục dựng đám cưới của người Mường. Đám cưới truyền thống của người Mường là một trong các hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường. 

Cùng với đó, xã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động của 5 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thôn và phấn đấu 8/8 thôn thành lập được câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao để huy động sự vào cuộc của các nghệ nhân trong CLB góp công sức tổ chức biên soạn, sưu tầm tài liệu, truyền dạy các thành viên trong CLB về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở các tập tục truyền thống, ẩm thực, trang phục, thể thao dân tộc… 

Nguồn: Báo Ninh Bình

Thông tin truy cập

Truy cập: 252817

Trực tuyến: 111

Hôm nay: 1473