Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ hai, ngày 06/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

TRUYỀN THỐNG 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HLHPNVN (20/10/1930 – 20/10/2022)

Thứ năm, 20/10/2022

Thưa các bà, các mẹ, các chị, các em

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do đó là Bà Trưng, bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch. Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục, đông du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế.... Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, anh hùng liệt sỹ bác sĩ Đặng Thùy Trâm....Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý, mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu không bao giờ trở về. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói “Non sống gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa người viết “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cấn nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Phụ nữ đã là một phần không thể thiếu góp phần vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã cõ những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ, các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc....Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện....Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy; có thể nói đây không chỉ là niềm tự hào của riêng phụ nữ Việt Nam mà còn một thứ tài sản quý báu của cả dân tộc.

Năm 1927 nhóm Nguyễn Thị L­ưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thuỷ là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia thanh niên cách mạng đồng chí hội, các chị tuyên truyền xây dựng tổ học nghề đăng ten vừa học nghề vừa học chữ.

Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lư­ơng, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở tr­ường nữ học đồng khánh.

Năm 1928 nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân , chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ giải phóng ở Vinh.

Năm 1930 thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An có 6.066 chị tham gia phụ nữ giải phóng, ở Hà Tĩnh có 6.880 chị cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô viết ở trên 200 xã (Nghệ An) và 172 xã (Hà Tĩnh). 400 công nhân nhà máy diêm Bến Thuỷ bãi công đòi tăng lương giảm giờ làm, bỏ sư­u, giảm thuế (nhà máy có 90% là nữ).

Ngày 01/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của trên 400 công nhân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dư­ơng đư­ợc thành lập. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy mà vào ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ chính thức đ­ược thành lập. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Qua các thời kỳ cách mạng có các tổ chức phụ nữ. Hội Phụ Nữ giải phóng (1930 – 1931), Hội Phụ Nữ dân chủ (1938 – 1939), Hội Phụ Nữ phản đế (1939 – 1941), đoàn Phụ Nữ cứu quốc (16/6/1941), Hội LHPN Việt Nam (20/10/1946), Hội LHPN Việt Nam (6/1976 khi nư­ớc nhà thống nhất). Dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nh­ưng trước sau vẫn là tổ chức trung kiên của Hội LHPN Việt Nam.

Truyền thống của Hội phụ nữ xã Xích Thổ gắn liền với truyền thống của Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN huyện Nho Quan. Phát huy truyền thống vẻ vang từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ xã Xích Thổ nói riêng luôn nêu cao tinh thần ý chí cách mạng của quê hương anh hùng, đã đóng góp những thành tích đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mở đầu là cuộc đấu tranh của nhân dân xã Xích thổ và một số dân ở Đầm Bíp, Sốc Bai, Yên Bồng kéo đến nhà Lê Vi đấu tranh đòi chủ đồn điền Lê Vi cho nhân dân vay thóc Trước sức mạnh của nhân dân, Lê Vi đã phải chấp nhận cho mỗi người vay 10 – 20 đấu thóc. Cuộc đấu tranh bước đầu đã giành được thắng lợi càng củng cố tinh thần nhân dân hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh. Đến mờ sáng ngày 23/8/1945 nhân dân xã Xích Thổ phối hợp với nhân dân huyện Lạc Thuỷ tỉnh Hòa Bình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền chiếm được châu lỵ Lạc Thuỷ thành lập chính quyền huyện đến ngày 24/8/1945 chính quyền lâm thời xã Xích Thổ được thành lập và điều hành các công việc của xã. Đó là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, là mốc son lịch sử của phong trào cách mạng xã Xích Thổ.

 Ở đâu có chính quyền cách mạng thì ở đó có tổ chức hội Phụ Nữ. Tháng 3/1946 Hội PN xã Xích Thổ được thành lập. Trải qua những năm phát triển Hội PN xã Xích Thổ không ngừng đổi mới và trưởng thành được Đảng, chính quyền địa phương đánh giá là tổ chức chính trị xã hội hoạt động có hiệu quả.

          Từ ngày đầu mới được thành lập hội đã tích cực vận động phụ nữ một lòng đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh Hội đã vận động Phụ Nữ nấu nước chè xanh ghánh ra đường phục vụ bộ đội hành quân qua đường có nước uống, phong trào giúp người tản cư, phong trào đổi gạo khô cho trung đoàn 12 lấy gạo ướt để ăn, phong trào “Hũ gạo kháng chiến” kết quả đã tiết kiệm được 1.600kg gạo ủng hộ quỹ kháng chiến, hội còn vận động phụ nữ chặt hàng chục ghánh lá rừng cho bộ đội E3667 làm lá ngụy trang, nhận xay giã gần 7 tấn thóc cho bộ đội đóng quân tại xã, hội mẹ chiến sỹ do bà Vũ Thị Bình phụ trách huy động hàng 100 chị em nhận trông nom chăm sóc các chiến sỹ đau yếu, giặt giũ khâu vá hàng trăm bộ quần áo cho chiến sỹ, huy động 23 tấn thóc công lương điền thổ, đóng 33 chiếc giường ủng hộ thương binh, huy động 15 lượt thuyền vận chuyển thương binh từ bồng lạng lên hang cáy vào viện. Hưởng ứng phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt”. Hội đã tâp trung vận động phụ nữ ban ngày tích cực tham gia sản xuất, khai phá đất hoang, mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày phòng đói giáp hạt, buổi tối tham gia các lớp học bình dân học vụ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phụ nữ xã Xích Thổ đã động viên chồng con lên đường tòng quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp có 20 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sỹ, đã có các đồng chí thương binh nặng và nhiều thương binh các hạng. Những cống hiến to lớn, những mất mát đau thương của phụ nữ xã nhà đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của nhân dân trong toàn xã, những thành tích đó đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những huân, huy chương kháng chiến và các anh hùng liệt sỹ đã được tặng bảng vàng danh dự, gia đình vẻ vang.

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, miền bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến hành cách mạng XHCN, miền nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và tay sai thống trị, cùng với phụ nữ miền bắc phụ nữ xã Xích Thổ vừa sản xuất xây dựng hậu phương vừa chi viện sức người sức của cho miền nam.

          Tháng 3/1961 Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào 5 tốt, nội dung của phong trào phù hợp với chức năng người vợ, người mẹ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bước đầu xây dựng CNXH ở miền bắc nên đã được đông đảo chị em tham gia. Tổng kết phong trào, Hội Phụ nữ xã Xích Thổ đã được Hội PN tỉnh Ninh Bình công nhận là đơn vị có nhiều chị em đạt tiêu chuẩn 5 tốt, hàng năm được tỉnh và huyện tặng bằng khen và giấy khen. Hội còn vận động phụ nữ hưởng ứng phong trào 3 đảm đang, vừa lao động xây dựng quê hương vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Giỏi việc nước đảm việc nhà để chồng con đi chiến đấu bảo vệ quê hương.

Trong sự nghiệp vẻ vang này, phụ nữ xã nhà đã tiễn đưa những người là chồng, là con lên đường ra tiền tuyến. Trong đó có mẹ tiễn đưa đến người con thứ 4, thứ 5. Có những mẹ tiễn đưa người con trai duy nhất ra trận đã anh dũng hy sinh, một mẹ có 4 người con là liệt sỹ. Hàng chục thanh niên xung phong, hàng trăm cán bộ tiếp tục lên đường vào Nam làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng.

Tại quê hương, để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản XHCN đảm bảo an toàn và an ninh tại chỗ, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể của xã luôn được tăng cường, củng cố, hai đại đội dân quân 865 người ngày đêm trực chiến trong đó 1 đại đội là nữ gồm 463 chị em, có nhiều bà mẹ trong Hội mẹ chiến sỹ và các tổ chức thanh thiếu niên yêu nước khác. Tất cả tạo thành một thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân vững chắc. Có lẽ, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của nhân dân xã Xích Thổ được huy động lớn như thời kỳ này, 18.766 ngày công làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn, đào hầm  hào, vận chuyển hàng hoá quân sự, đưa bộ đội vào Nam ra Bắc.

Những thành tích của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Xích Thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cứ nối tiếp nhau phát triển. Trong đó có sự đóng góp của phụ nữ, ghi nhận những thành tích đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Đảng bộ và nhân dân xã Xích Thổ huân chương kháng chiến, huân chương lao động, và huân chương các loại cho các cá nhân, và nhiều gia đình được tặng thưởng huân chương kháng chiến, 96 gia đình được nhận “Bảng vàng danh dự”, bảng “Gia đình vẻ vang”, và nhiều gia đình được nhận bằng khen của chính phủ, các gia đình liệt sỹ thương binh là gia đình tiên tiến chống Mỹ cứu nước, các bà mẹ được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhưng vinh dự hơn cả, do thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân xã Xích Thổ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau khi nư­ớc nhà thống nhất cả nư­ớc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các tầng lớp phụ nữ xã nhà tiếp tục phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam sánh vai cùng nam giới trong mọi lĩnh vực học tập, công tác. Đặc biệt là từ khi thực hiện đ­ường lối đổi mới của Đảng, hội phụ nữ đã phát huy vai trò chức năng nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tổ chức hội đã đổi mới nội dung ph­ương thức hoạt động bằng những chư­ơng trình công tác của hội, các cuộc vận động và các phong trào thi đua nh­ư phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình cần kiệm xây dựng đất nư­ớc”. Phong trào “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dưng gia đình hạnh phúc”. Hội đã quan tâm giáo dục bồi d­ưỡng nâng cao kiến thức về mọi mặt cho phụ nữ, truyên truyền đường lối, nghị quyết của Đảng chính sách Pháp luật của Nhà nước. Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức bình đẳng giới chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội. phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh được quan tâm hàng năm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 100% cán bộ, hội viên phụ nữ.

Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Phụ Nữ tích cực học tâp, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã thu hút đông đảo hội viên tham gia thực hiện. Trong năm 2022 Hội đã có những hoạt động hết sức thiết thực như Hội phụ nữ xã đã phối hợp cùng với Hội CCB xã tổ chức trực khu lưu trú cách ly trường Mầm Non cũ; Hội đã cùng với các ban ngành đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID19 trên địa bàn xã. Công tác xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu Hội đã chỉ đạo chi hội phụ nữ thôn Liên Minh xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường bích họa và xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp, đường đẹp. Chỉ đạo các chi hội đã về đích khu dân cư NTM kiểu mẫu tiếp tục nhân rộng mô hình nhà sạch vườn đẹp, tuyến đường cây xanh, tuyến đường bích họa hướng đến xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Kế thừa và phát huy truyền thống 92 năm vinh quang của Hội LHPN Việt Nam nói chung, phụ nữ xã Xích Thổ nói riêng, hội phụ nữ xã tiếp tục phấn đấu làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết tập hợp, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, hội tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đề xuất với Đảng; Nhà nước những chủ trương chính sách, pháp luất về phụ nữ, tăng cường công tác truyên truyền giáo dục phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tiếp tục xây dựng xã Xích Thổ đạt chuẩn NTM nâng cao và duy trì phong trào TDTT ở các chi hội, 100% gia đình hội viên phụ nữ thực hiện đề án thu gom rác thải, chỉ đạo các chi hội quan tâm đến việc chăm sóc và nhân diện mô hình đường hoa, duy trì các mô hình phát triển kinh tế.... Tổ chức hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ phụ nữ vào tham gia sinh hoạt hội.

Sự nghiệp CNH- HĐH đất nước đang đòi hỏi cao về sự nỗ lực của mọi thành viên trong cộng đồng, trong đó có phụ nữ chúng ta với trên 50% dân số là lực lượng lao động. Phát huy những thành tích đã đạt được chị em phụ nữ xã Xích Thổ hãy tích cực phấn đấu hơn nữa trong việc học tập, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực về mọi mặt, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội và phong trào “Phụ Nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” xây dựng người phụ nữ Ninh Bình nói chung, phụ nữ Xích Thổ nói riêng có tri thức, có sức khoẻ, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu quan tâm đến lợi ích của xã hội và cộng đồng góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng và phát triển của phụ nữ.

Chúng ta tin tưởng rằng với những chủ trương, chính sách đúng đắn của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đời sống, việc làm, sức khoẻ, dân trí, vai trò vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng lên sẽ tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước phát triển mới, các mô hình, điển hình tiên tiến sẽ ngày càng được nhân rộng, đồng thời xuất hiện thêm nhiều mô hình, nhiều công trình do phụ nữ làm chủ, có những điển hình tiên tiến mới đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương Xích Thổ anh hùng ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                                                      Nguồn: BTV hội LHPN xã

 

Thông tin truy cập

Truy cập: 255133

Trực tuyến: 5

Hôm nay: 1910