Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ hai, ngày 06/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Lịch sử truyền thống 93 năm ngày thành lập hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2023)

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Trước quân thù họ là những người lính kiên trung, bất khuất, chẳng hề thua kém nam nhi. Những nữ trung hào kiệt để lại những trang sử chói ngời trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do của dân tộc ta như: Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch, ... Trong lao động họ là những người cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo. Trong cuộc sống những người phụ nữ ấy là người giữ ngọn lửa ấm cho gia đình, gìn giữ giống nòi, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc và sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Trên mọi mặt trận, người phụ nữ đều thể hiện được vai trò và vị trí của mình, những tên tuổi nổi lên trong lịch sử mà chúng ta phải học tập như những hoàng hậu, công chúa vì nghĩa nước quên mình như: Thái Hậu Dương Vân Nga, Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Công chúa Lê Ngọc Hân; Bà Điềm Bích đời nhà Trần, Bà Nguyễn Thị Lộ đời nhà Lê đã từng được nhà vua phong là Lễ nghi học sỹ; Nữ sĩ tài hoa xứ kinh Bắc Đoàn Thị Điểm, Chinh Phụ Ngâm, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thi sĩ Xuân Quỳnh đã để lại cho đời những tác phẩm bất tử;

Dưới chế độ phong kiến phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai.

Trước sự đàn áp của Thực dân, phong kiến. Năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và xác định: "Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ". "Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng". Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Ngày 16/6/1941, ra đời Đoàn Phụ nữ cứu quốc. Tiếp đến là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946) với Đoàn Phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt. Tháng 4/1950, hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 8/3/1961, thành lập Hội Phụ nữ giải phóng ở miền Nam và tháng 6/1976 thì hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Dù tên gọi thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng những cống hiến xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tầng lớp phụ nữ mãi xứng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và các huân chương, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước và Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 382-TB/TW nêu rõ: Công nhận ngày Phụ nữ Việt Nam là ngày 20/10.

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô hạn. Đó chính là chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hay như nữ dân quân mưu trí, dũng cảm Ngô Thị Tuyển vác một lúc 2 hòm đạn nặng 98kg, gấp 2 lần trọng lượng cơ thể mình, kịp thời tiếp đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch... Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, mộc mạc tảo tần; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu không bao giờ trở về.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng phụ nữ Việt Nam mà còn là một thứ tài sản qúy báu của cả dân tộc.

Truyền thống của Hội phụ nữ Xích Thổ gắn liền với truyền thống của Hội LHPN Việt Nam; Hội LHPN huyện Nho Quan. Phát huy truyền thổng vẻ vang từ thời Bà Trưng, bà Triệu, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ xã Xích Thổ nói riêng luôn nêu cao tinh thần ý chí cách mạng của quê hương anh hùng, đã đóng góp những thành tích đánh kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mở đầu là cuộc đấu tranh của nhân dân xã Xích Thổ và một số dân ở Đầm Bíp, Sốc Bai, Yên Bồng kéo đến nhà Lê Vi đấu tranh đòi chủ đồn điền Lê Vi cho nhân dân vay thóc, trước sức mạnh của nhân dân Lê Vi đã phải chấp nhận cho mỗi người vay 10 đến 20 đấu thóc. Cuộc đấu tranh bước đầu đã giành thắng lợi càng củng cố tinh thần nhân dân hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh, đến mờ sáng ngày 23/8/1945 nhân dân xã Xích Thổ phối hợp với nhân dân huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền chiếm được châu lỵ Lạc Thủy thành lập chính quyền huyện, đến ngày 24/8/1945 chính quyền lâm thời xã Xích Thổ được thành lập và điều hành các công việc của xã. Ở đâu có chính quyền cách mạnh thì ở đó có tổ chức Hội phụ nữ, tháng 3/1946 Hội phụ nữ xã Xích Thổ được thành lập. Trải qua những năm phát triển Hội PN xã Xích Thổ không ngừng đổi mới và trưởng thành được Đảng, chính quyền địa phương đánh giá là tổ chức chính trị xã hội hoạt động có hiệu quả.

Từ ngày đầu mới được thành lập Hội đã tích cực vận động phụ nữ một lòng đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hội đã vận động phụ nữ nấu nước chè xanh gánh ra đường phục vụ bộ đội hành quân quan đường có nước uống, phong trào giúp người tản cư, phong trào đổi gạo khô cho trung đoàn 12 lấy gạo ướt để ăn, phong trào “Hũ gạo kháng chiến” kết quả đã tiết kiệm được 1.600kg gạo ủng hộ quỹ kháng chiến, hội còn vận động phụ nữ chặt hàng chục gánh lá rừng cho bộ đội E3667 làm lá ngụy trang, nhận xay giã gần 7 tấn thóc cho bộ đội đóng quân tại xã, hội mẹ chiến sỹ do bà Vũ Thị Bình phụ trách huy động hàng 100 chị em nhận trông nom, chăm sóc các chiến sỹ đau yếu, giặt giũ khâu vá hàng trăm bộ quần áo cho chiến sỹ, huy động 23 tấn thóc công lương điền thổ, đóng 33 chiếc giường ủng hộ thương binh, huy động 15 lượt thuyền vận chuyển thương binh từ bồng lạng lên hang cáy vào viện. Hưởng ứng phong trào “Giệt giặc đói, giặc dốt”, hội đã tập trung vận động phụ nữ ban ngày tích cực tham gia sản xuất, khai phá đất hoang, mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày phòng đói giáp hạt, buổi tối tham gia các lớp học bình dân học vụ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phụ nữ xã Xích Thổ đã động viên chồng, con lên đường tòng quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến dịch Hòa Bình, tây Bắc, Điện Biên. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có nhiều người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, đã có những đồng chí thương binh nặng và nhiều đồng chí là thương binh các hạng. Những cống hiến to lớn, những mất mát đau thương của phụ nữ xã nhà đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của nhân dân trong toàn xã, những thành tích đó đã Đảng và Nhà nước tặng thưởng những huân, huy chương kháng chiến và các anh hùng liệt sỹ đã được tặng bảng danh dự, gia đình vẻ vang.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước Hội LHPN xã đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát động phụ nữ hưởng ứng các cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học", phong trào PN tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng mô hình tổ; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", trọng tâm là 3 sạch sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp; tương trợ PN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn các chi hội đã quyên góp ủng hộ gia đình hội viên khó khăn với số tiền trên 10 triệu đồng. Phát động phong trào thi đua yêu nước " Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua các phong trào, các cuộc vận động hoạt động của các chi hội đã có những đổi mới và phát triển, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia và có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu qua từng thời kỳ.

77 năm phát triển và trưởng thành Hội Phụ nữ xã nhà đã có nhiều hoạt động phong phú nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ như giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, toạ đàm, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao; kiến thức về sức khoẻ sinh sản, kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về chăm sóc nuôi dạy trẻ, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đã có nhiều gương điển hình do phụ nữ làm chủ trong lao động, phát triển kinh tế gia đình điển hình như mô hình may túi, mô hình đan bèo bồng, cơ sở sản xuất điện tử và còn rất nhiều mô hình điển hình do phụ nữ đứng chủ. Thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ chung sức xây dựng Nông thôn mới nâng cao, hội đã tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ thực hiện các tiêu chí của phong trào thi đua như: đóng góp, ủng hộ kinh phí, hiến đất xây dựng các công trình giao thông, giao thông nội đồng, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, đường đẹp” ở các chi hội; trong năm 2023 hội tiếp tục phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tiếp tục triển khai đến hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng các tiêu chí kiểu mẫu tại thôn Đại Hòa. Qua hoạt động của các mô hình đã thu hút tập hợp được nhiều hội viên, phụ nữ tham gia và đã trang bị được nhiều kiến thức bổ ích cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Với những thành tựu vẻ vang trong những năm qua chúng ta đời đời biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, người luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Quan điểm và tư tưởng của người là định hướng quan trọng cho phong trào phụ nữ và công tác Hội. Sự quan tâm của người đối với phụ nữ mãi mãi là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ tinh thần to lớn cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

 Xin cảm ơn sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, sự ủng hộ nhiệt tình của các ngành đoàn thể trong xã đã tăng thêm sức mạnh truyền thống của phụ nữ xã nhà. Đời đời nhớ ơn công lao đóng góp của các thế hệ phụ nữ trong xã, những người con của quê hương đã viết nên những trang sử chói ngời, bằng tất cả sức lực, trí tuệ lao động, sáng tạo và cả một phần xương máu của mình cho lịch sử giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó lực lượng nòng cốt là cán bộ nữ, cán bộ hội đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Phát huy truyền thống 93 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, 77 năm thành lập Hội LHPN xã Xích Thổ. Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã nhà hãy ra sức thực hiện tốt phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; thực hiện hai cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang""Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội viên PN trong toàn xã, hãy khắc phục khó khăn do nền kinh tế thị trường  đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cán bộ hội viên phụ nữ, chị em chúng ta vừa sản xuất phát triển kinh tế; các chi hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các nhiệm vụ công tác trọng tâm của hội. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua do hội cấp trên và địa phương phát động; Tiếp tục thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí kiểu mẫu. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị Quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ xã nhà lần thứ 33 đã đề ra. Thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Nguồn: Hội LHPN xã

Thông tin truy cập

Truy cập: 254699

Trực tuyến: 13

Hôm nay: 1476