Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 07/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Bài truyền thống Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2023)

Thứ tư, 11/10/2023

Kính thưa toàn thể nhân dân

  Dưới sự lãnh đạo Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Gia Định…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

   Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân “Đảng phải đoàn kết được đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn địa chủ và phong kiến” đồng thời Đảng nhấn mạnh “Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng”. Vì vậy phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập, tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

   Hội nghị TW Đảng, tháng 10/1930 thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (Tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 Điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm “Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”. Nghị quyết đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

   Trong năm 1941- 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu… Từ năm 1943, với khẩu hiệu “Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật- Pháp”. Nông hội đã đưa nông dân tham gia vào các phong trào sôi nổi với những hình thức như biểu tình chống Nhật. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), phong trào “Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói” đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Qua phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công.

   Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn. Nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương.

   Với nhiệm vụ vận động nông dân: Tăng gia sản xuất, tự túc, tự cấp, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và xóa bỏ nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương trên Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất  họp từ ngày 28/11 đến ngày 07/12 năm 1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ đại diện cho tổ chức Hội Nông dân ba miền Bắc, Trung, Nam. Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng và tiến tới đại hội đại biểu nông dân toàn quốc.

   Ngày 27/9/1979, Ban bí thư ra Chỉ thị số 78 về việc tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên Hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước. Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN ở miền Bắc và cải tạo XHCN đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên CNXH. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái vào con đường làm ăn tập thể XHCN, theo nguyên tắc tự nguyện.

   Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc) nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

   Ngày 01/3/1988, Ban bí thư Trung ương Đảng quyết định số 42/QĐ-TW về việc đổi tên Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

   Tại phiên họp ngày 17/1/1991 Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm ngày Kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (theo Tờ trình của Đảng, Đoàn, Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam).

   Ngày 20/5/1991 Ban bí thư đã ra Chỉ thị số 69 - CT/ TW về việc kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh Kỷ niệm trọng thể 61 năm ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, tổ chức Hội với những tên gọi khác nhau, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi giai cấp nông dân - một lực lượng đông đảo và hùng hậu trong khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức đi theo con đường của cách mạng Việt Nam và Bác Hồ đã lựa chọn; xứng đáng là người đại diện cho lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, cầu nối vững chắc giữa giai cấp nông dân với Đảng, chỗ dựa tin cậy của chính quyền nhân dân ở nông thôn; góp phần to lớn vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Từ khi thành lập đến nay Hội Nông dân Việt Nam đã qua 7 kỳ Đại hội chuẩn bị cho đại hội lần thứ 8 diễn ra trong năm 2024

   * Đối với tỉnh Ninh Bình từ khi thành lập đến nay hội nông dân tỉnh đã trải qua 7 kỳ đại hội. đại hội lần thứ 7 vừa diễn ra vào ngày 13,14/8/2023 tại Hội trường tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Đinh Hồng Thái tái cử chức vụ Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Minh Lộc và Hoàng Ngọc Chinh tái cử chức vụ Phó chủ tịch.

   * Đối với huyện Nho Quan Đại hội XI nhiệm kỳ 2023- 2028 Diễn ra trong 2 ngày là ngày 20,21 tháng 4 năm 2023: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Hoa – Huyện ủy viên được bầu tái cử chức vụ chủ tịch Hội, Đồng chí Nguyễn Thị Hảo được tái cử bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội. 

   * Đại hội lần thứ XI nhiệm kỳ 2023 đến 2028 của Hội ND xã Xích Thổ Diễn ra trong 2 buổi là chiều ngày 27 tháng 2 năm 2023 và sáng ngày 28/02/2023: đồng chí Đinh Văn Khuê bầu giữ chức Chủ tịch Hội nông dân và đồng chí Quách Thị Hồng Dịu được bầu là PCT hội nông dân xã.

       Đại hội lần thứ 11 bầu 13 đồng chí trong BCH có 03 đồng chí trong BTV hội nông dân xã. 

  Ôn lại truyền thống của Hội Nông dân Việt Nam 93 năm qua giai cấp nông dân và tổ chức Hội càng ghi nhớ biết ơn công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ kính yêu và phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống 93 năm qua, trong thời gian tới Hội Nông dân xã Xích Thổ tiếp tục phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua của Hội, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh xứng đáng với vai trò là Trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách  Hồ Chí Minh”. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu hội nông dân xã lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và đại hội Đảng bộ xã Xích Thổ lần thứ 35, nhiệm kỳ 2020- 2025; Góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để cùng nhau xây dựng quê hương Xích Thổ ngày càng giàu đẹp và phát triển.

  Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2023) từ ngày 13/10/2023 đến ngày 15/10/2023 các chi hội nông dân trên toàn xã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2023) và tổng kết năm 2023./.

Nguồn: Hội nông dân xã

Thông tin truy cập

Truy cập: 255535

Trực tuyến: 10

Hôm nay: 337