Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 30/04/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Một số quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Thứ tư, 11/10/2023

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 số 101/2015/QH13 được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015. BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại chương XII gồm 5 nhóm quy định cụ thể gồm:

1. Các quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

2. Các biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

4. Hình phạt.

5. Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích.

Quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã kế thừa các quy định tương ứng của BLHS năm 1999 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của Việt Nam. Có thể khái quát chung về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội qua các nội dung chính sau đây:

Trước hết, tư tưởng chỉ đạo hoạt động xử lý đối với mọi trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. So với quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trước kia, BLHS năm 2015 đã nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế về bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi như một nguyên tắc của hoạt động xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với với người dưới 18 tuổi phạm tội vì nó đặt nền móng để cho các quy định khác của BLHS về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trên cơ sở đó, BLHS quy định các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội gồm:

 

Một là, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Hai là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Ba là, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Bốn là, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Năm là, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Sáu là, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đồng thời, khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Bảy là, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tám là, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Bên cạnh quy định về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội nêu trên, BLHS quy định các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội qua ba nhóm quy định lớn:

1. Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự gồm biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

3. Hình phạt.

Các quy định về cả ba nhóm biện pháp xử lý trên đều có quy định cụ thể về điều kiện và nội dung áp dụng. Nhóm quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn chung kế thừa các quy định tương ứng từ BLHS năm 1999 với bốn loại hình phạt gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Trừ hình phạt cảnh cáo, ba hình phạt còn lại khi được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đều với mức thấp hơn so với mức áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng.

Ngoài ra, BLHS cũng quy định về quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt và xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Những quy định này cũng thể hiện tinh thần kế thừa giá trị từ các quy định của BLHS năm 1999 và phù hợp với quy định từ các nguyên tắc chung trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Riêng quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là quy định mới được BLHS năm 2015 bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng của người dưới 18 tuổi phạm tội.

So với quy định của tương ứng của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm bảo đảm sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được ghi nhận tại Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Những quy định này về cơ bản là phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước đặc biệt là chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với pháp luật quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

Thông tin truy cập

Truy cập: 244354

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 184