Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 07/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Thông báo về bệnh đạo ôn hại lúa vụ Đông xuân năm 2022

Thứ sáu, 15/04/2022

Để phòng chống bệnh đạo ôn lá trên trà lúa xuân muộn, bệnh đạo ôn cổ bông  Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành thông báo số  07/TB-TTBVTV về bệnh đạo ôn hại lúa vụ Đông xuân năm 2022  nội dung cụ thể của công văn  như sau:

Vụ Đông xuân 2022, toàn tỉnh gieo cấy được 39.894,4 ha lúa. Hiện tại, trà lúa xuân sớm đang ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông; Trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hoá đòng. Đợt rét đậm rét hại kéo dài trong tháng 2 đã ảnh hưởng tới một số diện tích lúa xuân muộn sinh trưởng, phát triển chậm; các đối tượng dịch hại phát sinh muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện, gây hại cục bộ trên những ruộng xanh tốt, giống nhiễm như: J02, Đài Thơm 8, TBR 225, LT2, Bắc thơm số 7, Nếp,... Tỷ lệ bệnh nơi cao: 5-7%; cá biệt: 20-50% số lá C1-3 (xã văn Phú, huyện Nho Quan; xã Yên Hoà, Yên Nhân, Yên Lâm, huyện Yên Mô; xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh,...). Đến nay, tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá trên toàn tỉnh là 2,3 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 0,1 ha (xã Văn Phú, huyện Nho Quan), diện tích phòng trừ 0,6 ha. Quy mô, mức độ hại thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới nếu thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục lây lan và gây hại trên trà lúa xuân muộn, giống nhiễm diện xanh tốt, bón thừa đạm.

Trên trà lúa xuân sớm, bệnh đã xuất hiện trên lá đòng, cổ lá đòng. Nếu lúa trỗ bông trong điều kiện thời tiết nắng, mưa xen kẽ bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh và gây hại trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh, giống nhiễm như: TBR 225, Đài Thơm 8, Thiên ưu 8, Nếp, Thái Xuyên 111,... Nếu không chủ động phun phòng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Ngoài ra, chuột tiếp tục hại tăng trên các trà lúa, lúa cỏ hại cục bộ, sâu cuốn lá, rầy các loại,. hại rải rác.

Trước tình hình bệnh đạo ôn lá trên trà lúa xuân muộn, bệnh đạo ôn cổ bông có nguy cơ phát sinh gây hại trên các trà lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị:

  1. Đảm bảo đủ nước cho lúa làm đòng - trỗ bông. Đối với trà lúa xuân muộn bón thúc hết lượng kali còn lại vào giai đoạn lúa phân hóa đòng.
  2. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng chống kịp thời khi tới ngưỡng (không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường). Cụ thể:
  • Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn lá
  • Dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không được phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 2-3 cm.
  • Tiến hành phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh > 3% số lá bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bump 650WP, Kasoto 200SC, FuJione 40WP, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP,...
  • Những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép hai lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 -7 ngày, trước khi phun thuốc cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng đem tiêu huỷ rồi mới tiến hành phun thuốc (Chú ý: Đảm bảo lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
  • Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn cổ bông: Phun phòng theo tốc độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh, giống nhiễm khi lúa thấp tho trỗ từ 3-5%. Những ruộng bị đạo ôn lá nặng, cần phun kép hai lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Kasoto 200SC, Bump 650WP, Katana 20SC, Kabrm 30WP, Filia® 525SE, Beam 75WP, Bamy 75WP,...
  • Đối với chuột: Tiếp tục diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như: Đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy, đây là biện pháp có hiệu quả cao để hạn chế sự gây hại của chuột trên đồng ruộng.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời nhổ bỏ cây lúa cỏ đã xuất hiện trên đồng ruộng. Theo dõi và phòng chống sâu keo mùa thu trên cây ngô, bệnh sương mai, bọ xít trên cây nhãn vải.

  1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
  2. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tham mưu kịp thời cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các xã, HTX và bà con nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra./.
Thông tin truy cập

Truy cập: 256996

Trực tuyến: 8

Hôm nay: 1798