Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 07/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Phòng chống rét đậm, rét hại và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 21/02/2022

       Ngày 19/02/2022 Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan ban hành công văn số 191/UBND- NN về việc phòng chống rét đậm, rét hại và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nội dung công văn cụ thể như sau:

       Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, thời tiết tháng 2 nền nhiệt độ thấp hơn TBNN, các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện liên tục, thời gian không kéo dài. Cụ thể, từ đêm 14 đến ngày 15/02, có mưa vài nơi, trời rét, vùng núi có rét đậm. Từ đêm 15 đến ngày 18/02, đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trời rét. Từ ngày 19 đến ngày 24/02, có mưa, mưa nhỏ rải rác, trời rét, từ ngày 20/02 trời rét đậm, vùng núi trời rét hại.

Thực hiện Văn bản số 280/SNN-NVTH ngày 15/02/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Ninh Bình về việc phòng chống rét đậm, rét hại và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

  1. Về trồng trọt
  • Đối với cây lúa:

+ Trà xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh, cần duy trì đủ nước trên ruộng, khi thời tiết ấm (nhiệt độ trung bình >150C) tiến hành bón thúc kết hợp với dặm tỉa đảm bảo mật độ, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi để thu hoạch trước ngày 20/5/2022.

+ Trà xuân muộn đang giai đoạn hồi xanh, cần duy trì mực nước từ 3-5cm trên ruộng để bón phân thúc sớm, kết hợp tỉa dặm đảm bảo mật độ; đối với diện tích lúa gieo thẳng đã gieo, cần kiểm tra lại mật độ, khả năng sinh trưởng; đảm bảo đủ nước trên ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành tỉa dặm, bón phân thúc sớm khi cây lúa đạt từ 3,5-4 lá để lúa đẻ nhánh tập trung.

  • Đối với các cây màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành gieo trồng các cây màu vụ Đông xuân 2021-2022 như: Lạc, ngô, sắn, rau các loại,... đảm bảo diện tích kế hoạch. Với những diện tích cây màu đã gieo trồng, cần xới xáo phá váng kết hợp làm cỏ, bón thúc, phòng trừ các đối tượng sinh vật hại để các cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi.

        -Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 04/12/2021 của UBND huyện về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và cây màu, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lúa, bệnh lở cổ rễ trên cây lạc, sâu keo mùa thu hại ngô... để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

  • Triển khai thực hiện tốt Văn bản số 36/UBND-VP3 ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 653/CT-BNN- BVTV ngày 25/01/2022 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.
  • Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vật tư nông nghiệp (nhất là phân bón) trên địa bàn huyện. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
  1. Về Chăn nuôi
  • Hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng bạt, rèm che chắn đảm bảo chuồng trại kín, ấm, nền chuồng phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, cần rải thêm trấu, rơm để giữ ấm và tăng nhiệt độ ở chuồng nuôi khi thời tiết rét đậm, rét hại; khi nhiệt độ xuống dưới 120C tuyệt đối không chăn thả, nhốt vật nuôi tại chuồng và sử dụng bóng đèn điện sợi đốt, hồng ngoại, các loại vật liệu như củi, trấu,... (tránh ngộ độc khói và hoả hoạn) để đốt sưởi ấm cho vật nuôi; nên mặc ấm cho đàn trâu bò bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn, áo cũ,...; tăng từ 5 - 10% khẩu phần ăn so với những ngày bình thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin và cho uống nước ấm pha 5g muối/100kg trọng lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng.
  • Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi tránh dịch bệnh.
  1. Về Thuỷ sản

Kiểm tra thu hoạch thủy sản nếu con nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm trước khi rét đậm, rét hại xảy ra để tránh thiệt hại. Những đối tượng chưa đạt biểu thu hoạch hoặc con giống phục vụ sản xuất cho năm sau cần nhanh chóng đưa vào các hệ thống nuôi lưu giữ như bể hoặc các ao nhỏ. Bờ ao chắc chắn, tránh rò rỉ, chủ động nâng cao mực nước, đảm bảo độ sâu trên 1,5 m để hạn chế biến động nhiệt độ nước trong ao nuôi. Đảm bảo mật độ nuôi vừa phải, phù hợp với điều kiện chăm sóc. Thường xuyên theo dõi thời tiết, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp; những ngày thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp cần giảm lượng cho ăn để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi, tuyệt đối không kiểm tra, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù. Ngừng cho ăn khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 140 C. Tranh thủ những ngày nhiệt độ trên 160C cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho thủy sản để tăng khả năng chống chịu với thời tiết lạnh kéo dài.

  1. Về Lâm nghiệp

Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn giống cây lâm nghiệp, nhất là cây lấy gỗ tại các vườn ươm giống. Hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc trong ươm tạo giống, các biện pháp che phủ nilon chống rét cho cây giống.

5. Giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tăng cường phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, bà con nông dân biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật, phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, địa phương.

  6.Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống rét cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại ro rét đậm, rét hại gây ra. Trong đó, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biễn thời tiết, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi để người dân nắm được, chủ động thực hiện; thực hiện quản lý, điều tiết hợp lý, tiết kiệm các nguồn nước phục vụ sản xuất; đồng thời tiếp tục duy trì, chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo theo quy định, chủ động tham mưu, đề xuất UBND huyện các giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

  7. Các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và các điều kiện phục vụ tốt nhất cho sản xuất.

Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.

Thông tin truy cập

Truy cập: 256234

Trực tuyến: 7

Hôm nay: 1036