Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 07/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Hướng dẫn Các biện pháp chống rét bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi

Thứ hai, 25/12/2023

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, thời tiết chuyển rét đậm, rét hại sẽ ảnh hướng đến tiến độ sản xuất và khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng và vật nuôi; Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông nhân một số biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi như sau:

  1. Trồng trọt & Bảo vệ thực vật
  1. Đối cây trồng vụ Đông:

+ Biện pháp phòng tránh: Chủ động chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, gieo trồng đúng lịch thời vụ, tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống có khả năng chịu rét và chịu sâu bệnh hại.

  • Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tái sử dụng rơm rạ để phủ luống, tủ gốc, làm vòm che, nhà màng, nhà lưới cho sản xuất rau vụ Đông.
  • Tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối giúp cây phát triển, tăng khả năng chống rét, tỉa thưa cành nhánh (nhất là đối với cây cà chua, đỗ) làm bộ rễ thông thoáng hại chế sâu bệnh hại, tiến hành thụ phấn nhân tạo cho các loại cây ăn quả như: cây cà chua, dưa chuột, bí đỏ...).

+ Biện pháp khắc phục với diện tích bị ảnh hưởng khi xảy ra rét đậm, rét hại:

  • Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, khẩn trương thu hoạch ngay để đảm bảo chất lượng, sản phẩm.
  • Đối với diện tích chưa tới kỳ thu hoạch, khi xuất hiện sương muối, giá buốt cần dùng các biện pháp tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá, táp lá, mầm bệnh. Bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ hoai mục (giảm lượng đạm); phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như; Trichoderma, KH, PenacP.. ..giúp cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét, sâu bệnh.
  • Đối với những diện tích thiệt hại nhẹ có thể khắc phục được cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón bổ sung phân hữu cơ, phân NPK để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết.
  • Đối với diện tích thiệt hại hoàn toàn cần khẩn trương thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất, bố trí gieo trồng vụ mới trong khung thời vụ tốt nhất.
  1. Đối với cây trồng vụ Đông Xuân:
  • Tuyệt đối không gieo mạ và cấy lúa trong những ngày rét đậm, nhiệt độ dưới 150C khuyến khích làm vòm che phủ mạ bằng nilong trắng; rắc tro bếp phủ lên mặt luống để giữ ấm; đưa nước vào ngập 1/3-1/2 chân mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn. Khi mạ được 1 lá thật, trời nắng ấm, tiến hành mở dần nilon 2 đầu luống mạ.
  • Không bón đạm, NPK cho mạ, sử dụng một số chế phẩm sinh học phun hoặc tưới cho mạ giúp mạ sinh trưởng phát triển tốt, trước cấy 2-3 ngày mở hết nilon để mạ tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên.
  • Với những diện tích lúa mới cấy: đưa nước vào ruộng ngập sâu 3-5cm giữ ẩm chân cây lúa, không bón đạm trong những ngày dưới 180C; những ngày thời tiết nắng ấm, nhiệt độ trên 20 0 C tranh thủ bón thúc phân đạm và kali kết hợp với làm cỏ, sục bùn.
  • Chuẩn bị đủ lượng giống dự phòng cần thiết, giống có năng suất cao, chất lượng tốt, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thời gian sinh trưởng ngắn để gieo cấy bổ sung khi cần thiết.
  1. Các biện pháp phòng trừ chuột, sâu bệnh hại đối với cây trồng

* Biện pháp diệt chuột: Vệ sinh môi trường, phát, dọn quang bụi cỏ, đống rơm rạ, cỏ khô, làm sạch cỏ ven bờ ruộng, nhất là các khu gò cao, để loại bỏ nơi cư trú, sinh sản của chuột.

  • Sử dụng nhiều biện pháp đánh bắt: có thể dùng bẫy, bả, thuốc để diệt.
  • Thời điểm diệt chuột: Khi đổ ải làm đất trên đồng ruộng chưa gieo cấy hoặc ít cây trồng (triển khai đánh bắt cộng đồng) để đạt hiệu quả cao.
  • Tập trung đánh bắt chuột ở những diện tích cây trồng gần khu dân cư, bìa rừng, gò đống, bãi hoang, bụi rậm, những diện tích mạ, lúa mới cấy, chuột phá hoại mạnh nhất khi cây trồng đến giai đoạn ra củ, quả chín, cây lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng - chín. Diệt chuột thường xuyên, liên tục theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Lưu ý: Không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng và các công trình thủy lợi: Tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột.

  • Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại

- Bà con tăng cường thăm đồng thường xuyên để phát hiện các đối tượng sâu bệnh ở giai đoạn mới phát sinh kịp thời phòng trừ.

Áp dụng nguyên tắc: “phòng là chính xử lý khi bệnh mới xuất hiện, sâu tuổi còn nhỏ; sử dụng các loại thuốc BVTV có độ độc thấp (nhóm 4), các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học hoặc thảo mộc; đối với các đối tượng có tính dẫn dụ như ruồi đục quả... sử dụng bẫy bả Pheromol, bẫy dính vàng; khi phát hiện các ổ dịch cần tập trung phun thuốc dập dịch đồng thời thu gom tàn dư cây bệnh tiêu hủy để tránh lây lan ra diện rộng; sử dụng luân phiên các loại thuốc, không sử dụng 1 loại thuốc liên tục nhiều lần/vụ.

Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách) theo khuyến cáo của nhà sản xuất. không phun kèm phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng với thuốc trừ bệnh.

II. Chăn nuôi thú y

1. Đối với trâu, bò

  • Chuồng trại: Chủ động gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại, chuẩn bị bạt, phên để che chắn, giữ ấm và khô nền chuồng, đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi trong những ngày mưa, rét. Chuẩn bị đèn sưởi hoặc dự trữ chất đốt: củi, trấu, mùn cưa để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

*Thức ăn: Tận dụng triệt để các phụ phẩm nông nghiệp có thể làm thức ăn cho gia súc; thường xuyên kiểm tra việc bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; thực hiện chế biến thức ăn để tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn như: ủ chua, rơm ủ urê... Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin để bổ sung dinh dưỡng cho gia súc trong những ngày giá rét.

  • Chăm sóc nuôi dưỡng: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, nhất là bê, nghé, gia súc già yếu cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường sức đề kháng phòng chống đói, rét và dịch bệnh.

+ Đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho trâu, bò (cỏ xanh, thân, lá ngô, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê); có thể bổ sung thêm thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...) từ 0,5-1kg/con/ngày (tùy theo trọng lượng gia súc); đồng thời cung cấp đủ nước uống sạch.

+ Bổ sung muối ăn với lượng 15g/ngày (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống.

+ Những ngày rét đậm rét hại tăng từ 5 - 10% khẩu phần ăn so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét.

+ Không chăn thả gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn, nhiệt độ dưới 150C, chỉ chăn thả khi thời tiết nắng ấm. Thời gian chăn thả tốt nhất: buổi sáng 8h, khi trời đã tan sương; buổi chiều: về trước 16h.

+ Tăng cường sưởi ấm cho vật nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi, bếp than để sưởi. Nên mặc áo ấm cho trâu bò bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn, áo cũ,.. .để chống rét.

Chú ý: Khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dân khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

  • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục,.
  1. Đối với lợn
  • Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để tồn đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống dưới 120C .
  • Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.
  • Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Han - Iodine, Virkon, Benkocid, Vetvaco Iodine. hoặc rắc vôi bột.
  • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh như: Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng, Đóng dấu lợn, Tai xanh, Lở mồm long móng,.
  1. Đối với gia cầm
  • Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
  • Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gia cầm; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường gluco, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống rét, dịch bệnh.
  • Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng, đảm bảo chuồng nuôi không bị ẩm ướt. Định kỳ phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi sung quanh truồng trại bằng hóa chất, vôi bột.
  • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh như: Tụ huyết trùng, Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Đậu, Dịch tả vịt, Viêm gan do vi rút,...

* Hàng ngày theo dõi tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện và báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.

Trên đây là hướng dẫn phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan, đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân áp dụng để chủ động

chăm sóc và phòng trừ kịp thời./.

Nguồn: Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan

Thông tin truy cập

Truy cập: 256277

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 1079