Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ tư, ngày 17/04/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Bài phát thanh trợ giúp pháp lý tháng 5/2023

Thứ tư, 10/05/2023

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương, nhiều vụ việc chưa được xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đó có thể thấy, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tác động xấu cho xã hội. Đây là tội phạm nguy hiểm gây ảnh hưởng tâm sinh lý rất lớn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật nói chung cho bà con nhân dân, đài phát thanh xã Xích Thổ xin gửi tới bà con nhân dân một số nội dung cơ bản của Luật trẻ em 2016, Bộ luật hình sự 2015, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định và điều chỉnh về hành vi xâm hại tình dục trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này.

Kính thưa bà con!

Luật Trẻ em 2016 gồm 7 chương với 106 điều (tăng 2 Chương và 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004), theo đó Luật quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, Luật cũng quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Một số các điều luật cụ thể:

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

…..

Điều 10. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nhóm sau đây:

i) Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;

k) Trẻ em bị bóc lột;

l) Trẻ em bị xâm hại tình dục;

m) Trẻ em bị mua bán;

Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

Điều 30. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật hình sự năm 2015 có những quy định sau:

1. Quy định về các tội xâm phạm tình dục trẻ em

Các tội phạm xâm hại tình dục được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 tại Chương XIV, gồm 07 điều luật từ Điều 141 đến Điều 147, trong đó có 05 điều quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể như sau: 

1.1. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)

Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, khái niệm “hiếp dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.

 Khung hình phạt cho hai hành vi này từ 07 đến 15 năm tù. Nếu bị xác định có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai, phạm tội hai lần trở lên, có tổ chức, nhiều người hiếp một người, phạm tội với người dưới 10 tuổi, làm nạn nhân chết hoặc tự sát…, người phạm tội sẽ bị phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

 1.2. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144)

Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015 đã mô tả cụ thể hơn khái niệm “cưỡng dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.

Khung hình phạt cho tội phạm này từ 05 đến 10 năm tù. Mức hình phạt sẽ tăng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng nghiêm trọng như: làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

 1.3. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ thể phạm tội của tội này là người đủ 18 tuổi trở lên, có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Người phạm tội sẽ bị phạt tù thấp nhất một năm, cao nhất 5 năm.

Nếu có thêm các hành vi nguy hiểm như: phạm tội hai lần trở lên, phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… sẽ bị áp dụng khung hình phạt 3-15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

1.4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146)

Tội phạm này được mô tả cụ thể là “hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”.

 Khung hình phạt cho tội phạm này từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này đến 12 năm, kèm theo hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm.

 1.5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)

Điều 147 xác định hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thể hiện ở các dấu hiệu: lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Trong xã hội hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều hình thức khiêu dâm thiếu lành mạnh, đặc biệt xuất hiện cả hiện tượng sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm này, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý lành mạnh cho trẻ sau này, đây là một hành vi nguy hiểm, gây hậu quả xấu cho cả nạn nhân, gia đình và xã hội. 

Khung hình phạt cho tội phạm này mức án từ 06 tháng đến 03 năm. Tương tự như các tội trên, người phạm tội cũng sẽ phải chịu khung hình phạt mở rộng đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Kính thưa bà con!

Trẻ em là chủ nhân tương lai của gia đình, đất nước cũng như toàn nhân loại. Do vậy, chăm sóc và bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Trong nhiều năm qua, cũng như nhiều quốc gia khác, Nhà nước cũng như toàn xã hội Việt Nam đã ngày càng nỗ lực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Chính sách trợ giúp pháp lý ra đời với chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có trẻ em (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017). Với tất cả nỗ lực của hệ thống chính trị, một phần không nhỏ nhu cầu TGPL của trẻ em đã được đáp ứng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các em trong đời sống thường ngày. Thực tế hiện nay tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em ngày một diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến tâm sinh lý cũng như sự phát triển của trẻ em. Nhà nước với chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí đã giúp tư vấn, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em bị xâm hại. Việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cũng như công tác phòng ngừa, công tác giáo dục giới tính cho trẻ em đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, giúp cho thế hệ tương lai của đất nước được sống trong môi trường trong sạch, văn minh để có thể phát triển một cách toàn diện.

                                                                                                                            Nguồn: TTTGPL tỉnh Ninh Bình

Thông tin truy cập

Truy cập: 221804

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 153