Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ ba, ngày 16/04/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Lịch sử đảng bộ xã Xích Thổ (1947- 2016)

Thứ sáu, 26/11/2021

 

ĐẢNG BỘ XÃ XÍCH THỔ

 

 

 

 

 

LỊCH SỬ

ĐẢNG BỘ XÃ XÍCH THỔ

1947 - 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

 

Chỉ đạo thực hiện

Bùi Đắc Dương, Bí thư BCH Đảng bộ

 

Chỉ đạo nội dung

Ban thường vụ Đảng ủy

 

Ban biên soạn

Nguyễn Thái Hà, Trưởng ban

Bùi Tuấn Vương, Phó trưởng ban

Đinh Quang Khảo

Trần Trung Hậu

Đỗ Văn Quyết

Phạm Đức Thiệu

Nguyễn Hoán

Nguyễn Đức Tựa

Bùi Xuân Được

Chịu trách nhiệm bản thảo

Nguyễn Hoán

Ảnh

Nhiều tác giả

 

                                             

 

 

 

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng

 

                                                                                            HỒ CHÍ MINH

                                                                                                    (Trích bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm 

                                                                                                             ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1960)

 

LỜI NÓI ĐẦU

Thực hiện Chỉ thị số 15 CT/TW, ngày 28 tháng 8 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương  Đảng về Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Nho Quan về việc sưu tầm nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương. Năm 2003, Đảng bộ xã Xích Thổ, tổ chức sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ giai đoạn 1945 - 2000, cuốn sách đã được phát hành vào dịp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2004).

Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ (1945 - 2000), đã giới thiệu khái quát đặc điểm địa lý tự nhiên của xã; tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; ghi lại quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân cùng với sự hình thành và phát triển của Đảng bộ xã từ năm 1945 đến năm 2000. Nội dung thể hiện những sự kiện lịch sử một cách trung thực, chính xác, được người đọc đánh giá cao qua những ý kiến phản hồi mang tính tích cực.

Từ đó đến nay, trải qua chặng đường 15 năm. Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ đã và đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 491 QĐ/TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009.

Để đánh giá và ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 70 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xích Thổ quyết định xuất bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ (1947-2016), trên cơ sở chỉnh lý và bổ sung tư liệu, sự kiện lịch sử giai đoạn 1945 - 2000 và viết tiếp lịch sử của Đảng bộ, giai đoạn 2001 - 2016.

Việc chỉnh lý và bổ sung tư liệu giai đoạn 1945 - 2000 là việc làm cần thiết. Sau 15 năm phát hành cuốn sách, Đảng bộ luôn nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của độc giả, đặc biệt là những ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã. Những ý kiến đóng góp đó đã được Ban thường vụ Đảng ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ XXXIII và Ban sưu tầm - biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1947 - 2016 xem xét cẩn trọng, khách quan và trân trọng tiếp thu. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, trong lần tái bản này, Ban Thường vụ Đảng ủy xã quyết định lấy mốc đầu tiên là năm 1947, tính từ thời điểm Chi bộ xã Xích Thổ được thành lập.

Tái bản có bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ (1947 - 2016), nhằm động viên cán bộ và nhân dân trong xã phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, khí phách anh hùng của xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ tiền bối; đồng thời chuẩn bị hành trang cho thế hệ kế tiếp, bước sang giai đoạn cách mạng mới, xây dựng quê hương Xích Thổ văn minh, giàu đẹp.

Đây là công trình khoa học của Đảng bộ và nhân dân toàn xã, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ xã Xích Thổ (01/3/1947 - 01/3/2017); kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2017).

Ban Thường vụ Đảng ủy, trân trọng cảm ơn Ban chỉ đạo, Ban biên soạn cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ giai đoạn 1945 - 2000; cảm ơn các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền, UBMTTQ Việt Nam xã Xích Thổ qua các thời kỳ đã nhiệt tình cung cấp tư liệu lịch sử và tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Cảm ơn Ban Tuyên giáo huyện ủy Nho Quan, Nhà Xuất bản Công an nhân dân đã tận tình giúp đỡ để cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ (1947 - 2016) được xuất bản và phát hành theo đúng kế hoạch của Đảng bộ đề ra.

Cuốn sách là tài liệu quý, có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân; là niềm tự hào của mỗi người dân Xích Thổ hôm nay và mai sau.

Trong quá trình chỉnh lý, biên soạn mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của quý vị độc giả, nhất là ý kiến xây dựng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cuốn sách tái bản lần sau được hoàn thiện hơn.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả cuốn sách cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ (1947 - 2016)".

 

Xích Thổ, ngày 15 tháng 01 năm 2017

TM. Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xích Thổ

Bí thư

Bùi Đắc Dương

 

CHƯƠNG I
KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN XÃ XÍCH THỔ

 

 

Xích Thổ là xã miền núi nằm ở phía Bắc huyện Nho Quan, cách trung tâm huyện lỵ 13km. Phía Tây Bắc, phía Bắc, Đông Bắc giáp 3 xã An Bình, Yên Bồng, Đồng Tâm thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, phía Đông Nam giáp xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, phía Nam giáp xã Gia Sơn, phía Tây Nam giáp xã Gia Lâm, huyện Nho Quan. Theo chiều dài của xã từ Bắc xuống Nam có dòng sông Bôi bắt nguồn từ Hưng Thi (tỉnh Hòa Bình) chảy về. Quốc lộ 59B (nay là tỉnh lộ 479) nằm ở giữa xã, nối liền huyện Nho Quan với huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có 99 quả đồi đất đỏ trùng điệp nằm giữa 2 dãy núi đá vôi ở phía Đông và phía Tây (theo Từ điển Hán - Việt: Xích là đỏ, Thổ là đất) do đó địa danh này có tên gọi là Xích Thổ.

Trải qua quá trình lịch sử phát triển của đất nước, xã Xích Thổ đã từng trực thuộc 5 huyện, 4 tỉnh: Trước năm 1820, xã Xích Thổ thuộc tổng Xích Thổ, huyện Yên Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Ngày 27 tháng 8 năm 1921, theo quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ, tổng Xích Thổ sáp nhập và chuyển giao nguyên trạng về huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình[1]. Năm 1939, xã Xích Thổ thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam. Từ ngày 01 tháng 5 năm 1953, theo Quyết định của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, xã Xích Thổ chuyển về thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 25/HĐCP, hợp nhất hai huyện Nho Quan và Gia Viễn thành lập huyện Hoàng Long. Xã Xích Thổ thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Nam Ninh.

Ngày 9 tháng 4 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 121/HĐCP, tách 20 xã phía Đông Bắc huyện Hoàng Long tái lập hai huyện Gia Viễn và Nho Quan, xã Xích Thổ cùng các xã Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (thuộc huyện Gia Viễn cũ) chuyển về huyện Nho Quan, tỉnh Hà Nam Ninh.

Tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập (tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh), xã Xích Thổ thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, với diện tích tự nhiên 2.117,46 ha (theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2014). Trong đó:

- Diện tích đất thổ cư là 64,47 ha;

- Diện tích đất nông nghiệp là 788,17 ha;

- Đất lâm nghiệp là 257,46 ha;

- Đất đồi, núi chưa sử dụng là 203,17 ha;

- Mặt nước sông, hồ, núi đá 598,37 ha;

- Đất công nghiệp 18,37 ha;

- Đất trang trại chăn nuôi là 9,5 ha;

- Đất khác là 177,95 ha.

Dân số trước năm 1945, có gần 500 hộ và khoảng 2.000 khẩu. Đến năm 2016, có 2.249 hộ và 8.307 khẩu (3.778 nữ), trong đó có 147 hộ với 615 khẩu người dân tộc Mường, 923 khẩu là người Công giáo, sinh sống ở 10 thôn: Đức Thành, Minh Hồng, Liên Minh, Minh Long, Lạc Long, Quyết Thắng, Trung Chính, Hùng Sơn, Hồng Quang, Đại Hòa.

Xưa kia, Xích Thổ là miền đồi núi hoang vu, đồng ruộng canh tác còn hoang sơ, có kết cấu bậc thang, manh mún, thường được để gieo cấy lúa mùa và trồng các loại cây hoa màu khác như đậu, lạc, vừng..., vùng trũng thấp gieo cấy cây lúa chiêm xuân cùng đất bãi trồng màu ở ven 2 bờ sông Bôi. Từ khi có đê Hoàng Long ngăn lũ từ xã Hưng Thi, Lạc Thủy, Hòa Bình đổ về, Xích Thổ thuộc vùng phân lũ, chậm lũ, việc khắc phục thiên tai, lụt lũ, quay vòng đất đối với vụ chiêm, mở rộng diện tích hè thu hàng năm gặp nhiều khó khăn. Ngoài cấy lúa, trồng màu..., Xích Thổ còn nhiều tài nguyên, đó là 99 quả đồi đất đỏ, đủ điều kiện phát triển kinh tế đa dạng trồng màu, trồng cây công nghiệp và trồng rừng... góp phần tăng trưởng kinh tế của xã và tăng thu nhập cho các hộ có diện tích trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái lâu dài; có nguồn đá nung vôi, làm vật liệu xây dựng kiến thiết các công trình lấy từ 2 dãy núi phía Đông và phía Tây. Dưới lòng sông Bôi có trữ lượng lớn cát vàng đáp ứng yêu cầu xây dựng và làm hàng hóa cung ứng cho các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh; nhiều vùng có mỏ đất chịu nhiệt để làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói. Cạnh bờ sông Bôi gần trung tâm của xã có chợ Lạc được duy trì hoạt động, buôn bán trao đổi hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của nhân dân địa phương với bên ngoài.

Nghề sống chính của nhân dân từ xưa là làm nông nghiệp, nông sản chủ yếu là lúa, ngô, khoai, sắn. Kết hợp cấy lúa, trồng màu, trồng cây công nghiệp, cây thuốc Nam. Một số hộ nông dân còn làm nghề đan lát, thợ mộc, thợ nề, đốt vôi, nung gạch, khai thác sản xuất cát, đá để làm vật liệu xây dựng. Những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, dịch vụ, thương mại phát triển, nhiều gia đình vay vốn ngân hàng kết hợp với vốn tự có để mở mang cửa hàng, dịch vụ, thương mại. Một số hộ nông dân có kinh nghiệm đã đào ao, nhận thầu khoán đầm hồ, ao đầu sốc để thả cá, chăn nuôi cá lồng, một số hộ phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nuôi dê và gia cầm, gia súc... Kết hợp với nhận khoán trồng rừng, bảo vệ cây xanh trên núi đá để tăng thêm nguồn thu nhập gia đình và phát triển kinh tế trong cộng đồng dân cư.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), Xích Thổ là nơi có địa thế hiểm yếu, núi đồi bao bọc chở che, là vùng tự do hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng, là cầu nối quan trọng huyết mạch giữa Liên khu 4 với Khu 3, với chiến khu Việt Bắc. Nhân dân Xích Thổ có truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ an toàn tính mạng cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động của một số cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, quân đội và công an đóng tại địa phương, là nơi cất giấu quân, lương, nơi tập kết của nhiều đơn vị quân đội để huấn luyện, là điểm xuất phát tiến công quân thù, giải phóng dân tộc. Trong số những người đã từng hoạt động trên địa bàn xã Xích Thổ, là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội như các đồng chí Đỗ Mười, Trần Hoàn, Đỗ Phượng, Hoàng Sâm...

 

CHƯƠNG II
ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Xã hội Việt Nam trước kia là xã hội phong kiến, bộ máy Nhà nước do địa chủ nắm giữ. Ngày 01 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, mở màn cho cuộc xâm lược vũ trang và sau đó chúng lần lượt đánh chiếm toàn bộ đất nước Việt Nam. Quyền lực Nhà nước chuyển sang tay thực dân Pháp, từ Toàn quyền đến Thống sứ, Khâm sứ..., chúng trực tiếp nắm bộ máy hành chính Nhà nước, quân sự và tư pháp, viên chức người Việt Nam chỉ là người ăn bám.

Cùng với sự xâm lược, quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghĩa cũng xâm nhập và từng bước làm biến đổi xã hội Việt Nam. Nước ta từ một nước phong kiến trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Thực dân Pháp đã tạo nên một chế độ xã hội ở Việt Nam làm chỗ dựa cho hệ thống cai trị của họ, bao gồm giai cấp địa chủ phong kiến và tầng lớp tư sản mại bản; đã biến bộ máy này thành hệ thống tay sai để dễ bề đàn áp bóc lột nhân dân. ở Xích Thổ cũng không ngoại lệ, cùng chịu chung ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm.

Dưới chế độ thực dân phong kiến, bộ máy cai trị ở làng xã gồm có: Lý trưởng, Phó lý, Chánh phó hội. Hội đồng tộc biểu (năm 1921) do làng cử ra đại biểu cho dân làng. Năm 1927, Thống sứ Bắc Kỳ ký Nghị định sửa đổi quy chế làng xã, thành lập Hội đồng Kỳ mục. Hội đồng Kỳ mục kéo dài 15 năm, đến năm 1941 vua Bảo Đại ra Đạo dụ thành lập Hội đồng Kỳ hào. Hội đồng Kỳ hào do Tiên chỉ phụ trách, dưới Tiên chỉ có Phó tiên chỉ và các Trương tuần, Tuần tráng. Thực chất các Hội đồng trên là tổ chức tự quản của làng xã, chế độ thực dân đã trăng trói người nông dân, biến các Hội đồng này thành tổ chức phục vụ cho mục đích cai trị của chúng.

Năm 1939, chủ đồn điền Lê Vi[2] chiếm hầu hết khu đất Khả Luật, đồng ới, toàn bộ thung Súa, sau đó chiếm đoạt cánh đồng Tráng, đồng Chăn và mở rộng đến quèn Vọ, đồi Ma để thả trâu bò và trồng cà phê. Do đó đa số người dân không có ruộng đất để sản xuất, số diện tích đất còn lại nhân dân trồng lúa, trồng ngô chúng bắt nhổ đi để trồng đay, trồng gai phục vụ mưu đồ bóc lột của chủ đồn điền Lê Vi. Nạn đói năm 1945, làm cho nhiều gia đình điêu đứng, phải vào rừng đào củ tra, củ báng, củ mài và hái rau rừng ăn thay cơm, dẫn đến cảnh nhiều người phải rời nhà cửa, làng quê đi tha hương cầu thực, phải mang con ra chợ cho người khác làm con nuôi.

Chế độ thực dân phong kiến, đã thực hiện chính sách ngu dân, bần cùng hóa cả dân tộc làm nô lệ, chúng khuyến khích văn hóa đồi trụy, mê tín dị đoan, chè chén, cờ bạc xóc đĩa. Các hủ tục rườm rà trong ma chay, cưới xin lễ lạy, thách thủ tiền tài tưởng chừng như đơn giản nhưng rất khó khăn với các hộ dân nghèo khi gia đình có việc hiếu, xong công việc sau đó phải đi làm thuê, làm mướn để lo tiền trả nợ.

Đến năm 1935, cả tổng có một trường hương học ở Cái Lái, có khoảng 20 học sinh theo học, do thày giáo úc, thày giáo Uẩn dạy, sau trường chuyển về Đền Đức Ông và Chùa Ven, do thày giáo Vũ Văn Trưng, rồi đến thày giáo Hà Hữu Kỷ, thày Tiệp tiếp tục dạy, số học sinh đều là con nhà khá giả. Cả xã lúc đó chỉ có hơn 10 người có bằng sơ học yếu lược[3] (tương đương bằng tốt nghiệp tiểu học hiện nay), còn lại trên 99% số dân trong xã bị mù chữ. Về Phật giáo: Phật giáo ảnh hưởng từ Phật giáo ấn Độ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Xích Thổ có 4 ngôi đền: Đền nhà Bà, đền Đức Ông, đền Vọ, đền Đức Thánh Nguyễn; có 3 đình: đình Liêm Thượng, đình Liêm Trung, đình Trại ảnh và 3 ngôi chùa: Chùa Ven, chùa Liêm Thượng, chùa Liêm Trung cùng 9 miếu thờ: miếu Khả Luật, miếu Quèn Súa, miếu Đồng Cọc, miếu Cây Sui, miếu Quan Lang, miếu Bến Sụ, miếu Thổ Thần, miếu Cây Cọ, miếu thờ Tảo Hoa Công Chúa.

Giáo xứ xã Xích Thổ được thành lập năm 1933, do Đức cha Nguyễn Bá Tòng khởi nhiệm. Lúc đầu, nhà thờ được xây dựng ở Bến Đầm - Đồng Nhan. Năm 1936, chuyển về xây dựng ở Cái Lái (nơi nhà thờ tọa lạc hiện nay). Từ năm 1933 đến tháng 6 năm 1943, do cha Hiến và cha Cung quản xứ, tiếp sau đó Linh mục Nguyễn Chu Trình được giáo hội phân công làm mục vụ đến năm 2000, từ năm 2001 đến nay (2016) do 3 linh mục Đinh Công Hanh; Đinh Tuấn Anh; Nguyễn Văn Vinh kế nhiệm.

Đồng bào Kinh, đồng bào Mường và đồng bào đi đạo Thiên chúa hòa đồng chung sống, đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn quê hương đất nước, có tinh thần tương thân tương ái, chung tay, chung sức chống chọi lại thiên tai, địch họa.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hộ nghèo đói chiếm tới 97 - 98% tổng số dân trong xã. Những gia đình hữu sản, nhà giàu có đời sống kinh tế đầy đủ, sung sướng, con cháu được học hành, họ bóc lột dân nghèo bằng cho vay nặng lãi gấp rưỡi, gấp đôi, thuê người làm thì trả công rẻ mạt. Số gia đình nghèo không có tư liệu sản xuất, phải đi cày thuê, cấy mướn, vay công nối nợ, con em họ phải đi ở đợ, chăn trâu, cơm không đủ no, áo quần không đủ ấm, không có để thay đổi nên rận rệp nhiều vô kể, giường chiếu không đủ nằm, ốm đau dịch bệnh không có thuốc chữa, nhiều người chữa bệnh bằng tàn nhang, bằng “nước thánh” từ cúng bái theo mê tín dị đoan nên đã phải chết oan, nhiều trẻ sơ sinh bị chết yểu.

Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Trước tình cảnh đó, tháng 3 năm 1943 đến tháng 11 năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Lạc Thủy, các ông Đồ Nga, Vũ Văn Trưng, Vũ Văn Xứng đứng lên tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân trong xã và một số người dân ở Đầm Víp, Sốc Bai, Yên Đội kéo đến nhà Lê Vi đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột và yêu cầu phải cho nhân dân vay thóc, gạo để giải quyết nạn đói. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, Chủ đồn điền Lê Vi phải chấp nhận cho mỗi người vay từ 10 đến 20 đấu thóc. Từ đó phong trào quần chúng ở xã Xích Thổ ngày càng phát triển, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quần chúng nhân dân trong xã vùng lên đấu tranh, tập duyệt khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi.

 

CHƯƠNG III
THAM GIA KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN,
XÂY DỰNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ NHÂN DÂN, CHI BỘ ĐẢNG THÀNH LẬP LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(1945 - 1954)

I. THAM GIA KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN - XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ NHÂN DÂN (1945 - 1946)

Ngày 09 tháng 3 năm 1945, Phát xít Nhật đảo chính Pháp, ở Việt Nam cũng như toàn cõi Đông Dương rơi vào tay Nhật. Từ tháng 4 năm 1945, cao trào kháng Nhật diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội Quốc dân. Tháng 8 năm 1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, đến 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Chính phủ Lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, nhân dân cả nước đứng lên, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở khắp vùng nông thôn thuộc đồng bằng Bắc Bộ, ở miền Trung và một phần miền Nam. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Tại Xích Thổ, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Lạc Thủy, đêm ngày 22 tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của ông Trần Ngọc Hải (tức Thành Trung), tổ nông dân cứu quốc ở đồn điền Lê Vi cắm cờ đỏ sao vàng lên ngọn cây si trước cửa nhà Lê Vi (nay thuộc thôn Quyết Thắng). ở khu vực Chợ Lạc và Trại Thượng, tổ chức Nông dân cứu quốc họp tại nhà ông Đỗ Văn Tráng và cử người[4] sang đồn điền Lê Vi nắm bắt tình hình, liên lạc với cơ sở của ta thống nhất chuẩn bị lực lượng và định ngày tiến chiếm châu Chi Nê. Từ mờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, lực lượng khởi nghĩa gồm hàng trăm quần chúng do ông Đinh Khắc Tiếu, Trần Ngọc Hải phụ trách giương cao cờ đỏ sao vàng từ Khả Luật, Vạn Thắng tiến theo đường sông lên Chợ Lạc, cùng với lực lượng khu Chợ Lạc và Trại Thượng đã tập trung dọc theo đường 59 B để tiến vào Chi Nê. Đoàn người đi mỗi lúc một đông qua các xã Yên Đội, Khoan Dụ cùng hòa nhập với lực lượng của Xích Thổ phối hợp với lực lượng tại chỗ ở châu lỵ Chi Nê để khởi nghĩa giành chính quyền. Tới bến đò Chi Nê, bọn phản động thân Nhật đã rút phà, gây khó khăn nhằm ngăn cản lực lượng khởi nghĩa vượt sông. Đại đội lính Nhật đóng ở gần châu lỵ tuy tư tưởng hoang mang nhưng chúng vẫn ngoan cố tìm cách chống đoàn người khởi nghĩa. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy khởi nghĩa dựa vào sức mạnh quần chúng đấu tranh phản đối bọn phản động, đồng thời cử đại diện đến gặp chỉ huy Nhật để thương thuyết. Trước sự cương quyết, khôn khéo trong phương pháp đấu tranh của lực lượng cách mạng, bọn chỉ huy Nhật phải nhượng bộ, lực lượng quần chúng có phà qua sông. Chỉ trong thời gian ngắn, đoàn người tiến vào châu lị. Chính quyền bù nhìn tay sai hoảng sợ, vội vàng dâng triện, bạ, sổ sách cho Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay phấp phới khắp châu lỵ. Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố: Xóa bỏ chính quyền tay sai từng tồn tại hơn 80 năm, thành lập ủy ban Cách mạng lâm thời huyện gồm 5 ủy viên do ông Đinh Khắc Tiếu làm Chủ tịch.

Ngay chiều hôm đó, quần chúng cách mạng Xích Thổ trở về xã rút kinh nghiệm, đồng thời truyền tin chiến thắng, Việt Minh đã giành được chính quyền châu Lạc Thủy và thông báo lệnh của ủy ban Cách mạng lâm thời huyện: Ngày mai, tập trung quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở xã.

Sáng ngày 24 tháng 8 năm 1945, trống của các làng vang lên, nhân dân trong xã tập trung rất đông ở chùa Ven (nay là thôn Lạc Long). Ông Vũ Văn Trưng, cán bộ Việt Minh thông báo: Việt Minh đã chiếm được châu lỵ Lạc Thủy, thành lập chính quyền cách mạng huyện. Hôm nay, nhân dân trong xã làm cuộc khởi nghĩa, tịch thu triện đồng, giấy tờ, sổ sách, bãi bỏ tổng lý, kỳ hào chế độ cũ, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời điều hành công việc của xã. Ngay sau đó, có người đưa triện đồng và các loại sổ sách đã tịch thu được, giao lại cho Việt Minh trước sự vui mừng phấn khởi của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tiếu được cử làm Chủ tịch, ông Bùi Đình Đôn làm Phó Chủ tịch ủy ban Cách mạng lâm thời, sau đó nhân dân cử ông Bùi Đình Đôn làm Chủ tịch, ông Hoàng Kim Lộc làm Phó Chủ tịch.

Được sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Sơn cán bộ Việt Minh huyện Lạc Thủy, chính quyền xã tổ chức đoàn[5] cán bộ xuống các làng thôn làm công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng. Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945, ủy ban Cách mạng lâm thời tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Trại ảnh, có hàng trăm người tham dự. Ông Bùi Đình Đôn Chủ tịch ủy ban Cách mạng lâm thời kêu gọi nhân dân thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đó là:

1. Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất

2. Phát động phong trào xóa nạn mù chữ.

3. Tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

4. Bài trừ các hủ tục lạc hậu

5. Xóa bỏ thuế thân

6. Công bố tự do tín ngưỡng.

Song song với các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng vừa giành được từ tay phát xít Nhật là nhiệm vụ hàng đầu, bởi âm mưu của đế quốc Pháp và bọn tay sai thân tín của chúng vẫn chưa từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta, chúng khuyến khích bọn Đại Việt duy tân do tên Bùi Quang Sáu cầm đầu cùng một số tên ở nơi khác đến lợi dụng thôn Nga My (xã Gia Sơn), nơi có địa hình phức tạp để xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng hòng chống phá chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Chúng tích cực phát triển lực lượng sang các làng xung quanh, ở xã Xích Thổ có 8 người theo chúng. Từng bước chúng xúc tiến âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở huyện Lạc Thủy (Hà Nam). Xác định đây là một tổ chức phản động nguy hiểm ở gần xã Xích Thổ, nên ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Lạc Thủy giao cho chính quyền xã Xích Thổ phối hợp với xã Gia Sơn và lực lượng vũ trang bằng mọi cách tiêu diệt tổ chức Đại việt duy tân này. Ông Đinh Khắc Tiếu, Chủ tịch ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Lạc Thủy trực tiếp hai lần chỉ đạo, nhưng không giành thắng lợi, chúng bắn bị thương ông Đinh Khắc Tiếu.

Sau đó lực lượng của xã Xích Thổ cùng với lực lượng tại chỗ của xã Gia Sơn, được sự hỗ trợ của 20 chiến sỹ đơn vị bộ đội giải phóng ở chiến khu Quỳnh Lưu về phối hợp đánh tan tổ chức phản động này, bắt sống 20 tên, thu 1 khẩu súng lục, 1 máy đánh chữ và một số đồ dùng khác nộp lên huyện.

Tháng 10 năm 1945, đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, thanh niên cả nước xung phong gia nhập các chi đội giải phóng quân, nô nức lên đường vào Nam đánh giặc cứu nước. Xã Xích Thổ có 11 thanh niên xung phong hòa nhập đoàn quân Nam tiến[6].

Nhiệm vụ chống giặc đói, được toàn dân hưởng ứng tham gia, các thôn, làng tổ chức phát động chiến dịch tăng gia sản xuất. Xã Xích Thổ có hơn 100 ha ruộng chiêm, mầu của đồn điền Lê Vi trước đây và hơn 100 mẫu công điền, Chính quyền cách mạng xã tạm cấp cho nông dân để phát triển sản xuất. Riêng số dân ở đồn điền Khả Luật không có sức kéo, chính quyền xã lấy 31 con trâu bò của đồn điền Lê Vi chia cho nông dân. Nông dân rất phấn khởi hăng say lao động sản xuất.

Tháng 11 năm 1945, Ban bình dân học vụ xã Xích Thổ thành lập do ông Nguyễn Văn Hướng làm Trưởng ban, xây dựng chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ diệt giặc dốt của Đảng đề ra.

Phong trào xóa nạn mù chữ được phát động, các thôn, làng đều cử người tổ chức các lớp bình dân học chữ quốc ngữ, được đông đảo nhân dân tham gia, nhất là lớp trẻ, với khẩu hiệu “đi học là yêu nước”, chống giặc dốt cũng như chống giặc ngoại xâm. Thực hiện phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” do vậy thu hút được nhiều người tham gia dạy và học. Toàn xã tổ chức được 12 lớp, mỗi lớp từ 30 - 40 người học. Các lớp hầu hết được tổ chức ở nhà dân, đình, chùa. Ngày dạy 2 buổi, buổi trưa dành cho những người cao tuổi, buổi tối phần đông là nam nữ thanh niên.

Ngày 06 tháng 1 năm 1946, từ mờ sáng hầu hết các thôn làng đều treo cờ Tổ quốc, căng biểu ngữ vui mừng, phấn khởi, hân hoan trong ngày hội Tổng tuyển cử bầu đại biểu quốc hội. Với niềm tin, lần đầu tiên trong đời được thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cử tri với ý thức trách nhiệm cao, do đó, cả 3 ứng cử viên do mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao đó là ông Lê Tư Lành (Duy Tiên), Đặng Quốc Kiên (Kim Bảng), Bồ Xuân Luật (do Trung ương giới thiệu về). Tháng 4 năm 1946, cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã (khóa I) thắng lợi. Hội đồng nhân dân xã gồm 15 đại biểu[7].

Hội đồng nhân dân xã bầu ông Bùi Đình Khể làm Chủ tịch, ông Đỗ Văn Rưỡng làm Phó Chủ tịch ủy ban hành chính xã.

Qua các cuộc bầu cử, cử tri phấn khởi, hào hứng trách nhiệm. Song là những người vừa mới thoát khỏi áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến nên trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Trước tình hình một bên là nhân dân lao động chủ yếu là bần cố nông dưới sự lãnh đạo của Đảng với một bên là địa chủ phong kiến muốn giữ vị trí trong xã hội, hòng bảo vệ quyền lợi giai cấp, quyền lợi cá nhân. Đây là một cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn diễn ra phức tạp, mới mẻ, nhưng cử tri đi bầu đạt tỷ lệ trên 95% và đã bầu được những người đại diện cho quyền lợi của dân nghèo.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã là một cuộc vận động chính trị sâu rộng trong quần chúng nhân dân, bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cơ quan quyền lực ở địa phương, gồm những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chính quyền dân chủ nhân dân là chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường, nhân dân một lòng một dạ đi theo Đảng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ, củng cố chính quyền vững mạnh.

Giữa năm 1946, Hội Liên Việt (Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam) được thành lập do ông Nguyễn Văn Cự phụ trách nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân lương, giáo, kỳ hào, hương lý có tinh thần yêu nước, đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược, tăng cường sức mạnh phục vụ kháng chiến, kiến quốc ở địa phương.

Sau khi giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, của Huyện ủy Lạc Thủy thông qua Mặt trận Việt Minh, cán bộ và nhân dân xã Xích Thổ vượt qua nhiều khó khăn thử thách giành được kết quả quan trọng, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Tham gia các tổ chức cứu quốc; Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần ổn định sản xuất, đời sống. Chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

II. CHI BỘ ĐẢNG THÀNH LẬP LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 02 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á, dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền. Nhưng với ý đồ xâm lược trở lại Đông Dương, ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp gây hấn đánh chiếm Nam Bộ. Vào thời điểm này, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang đứng trước muôn vàn khó khăn, không thể tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô cả nước với thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương hoà hoãn nhân nhượng, giải quyết cuộc xung đột Pháp - Việt bằng con đường hoà bình, hoặc tìm cách trì hoãn cuộc chiến tranh chậm nổ ra để chúng ta có thời gian chuẩn bị lực lượng. Các cuộc hoà đàm với Pháp được diễn ra: Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (15/9/1946) được ký kết. Chiến tranh được đẩy lùi xa một bước. Với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, ngày 18/12/1946, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ, giành quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội. Khả năng hoà hoãn không còn. Ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, với ý chí “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Thực hiện chủ trương toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân dân Xích Thổ hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang.

Tháng 12 năm 1946, Ban quân sự xã được thành lập, ông Nguyễn Viết Điện được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban, xúc tiến xây dựng một trung đội tập trung do ông Vũ Văn Sưu làm Trung đội trưởng, gồm 2 tiểu đội, tiểu đội nam có 40 đội viên, tiểu đội nữ 15 đội viên, mỗi thôn làng đều thành lập một tiểu đội, quân số từ 10 đến 15 người cả nam và nữ.

Cuối năm 1946, nhà máy B5 (B xanh) sản xuất vũ khí của quân đội về đóng quân trên địa bàn Xích Thổ. Một phân xưởng ở nhà ông Nguyễn Văn Hướng; một phân xưởng ở rừng lim đồi chùa Liêm Thượng (thuộc thôn Đại Hòa hiện nay), một phân xưởng ở làng Mỹ Đức Nội (nay là thôn Đức Thành). Tháng 3 năm 1947, địch càn vào Xích Thổ. Nhà máy chuyển vào hang ỷ Na (xã Gia Lâm). Sau khi dời chuyển máy móc và phương tiện, ta đã chủ động đốt hai ngôi nhà của ông Đinh Quang Lịnh và ông Nguyễn Văn Xuyển để tiêu thổ kháng chiến, xóa hết dấu vết.

Ngày 01 tháng 3 năm 1947, Huyện ủy Lạc Thủy quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Xích Thổ gồm 3 đồng chí: Phạm Phượng[8] (tức Nguyễn Văn Thành), Vũ Văn Xứng, Nguyễn Văn Hấp. Đồng chí Phạm Phượng, Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm Bí thư Chi bộ. Địa điểm họp chi bộ tại nhà đồng chí Vũ Văn Xứng làng Thượng (nay là thôn Minh Long). Đây là chi bộ xã đầu tiên của Đảng bộ huyện Lạc Thủy. Chi bộ Đảng thành lập đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng quần chúng xã Xích Thổ. Từ đây mọi hoạt động của các tổ chức cách mạng trong xã dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Tháng 7 năm 1947, chi bộ kết nạp hai quần chúng ưu tú: Hoàng Hữu Thân và Nguyễn Viết Điện vào Đảng. Đến tháng 12 năm 1947, chi bộ kết nạp thêm 2 quần chúng nữa là: Hoàng Kim Inh và Hoàng Hữu Chuân. Chi bộ lúc này có 7 đảng viên.

Cuối năm 1947 đầu năm 1948, chiến tranh ngày càng lan rộng ra các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, một số người dân ở tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... tản cư đến địa phương, nhân dân Xích Thổ đón nhận gần 1.000 đồng bào, hầu hết các thôn làng đều có người tản cư đến ở.

ủy ban kháng chiến hành chính xã tạm cấp cho đồng bào tản cư hơn 10 mẫu ruộng chiêm, mùa, hơn 10 mẫu đất đồi để đồng bào khai phá, làm nhà tạm và trồng rau mầu sinh sống. Nhân dân Xích Thổ ủng hộ đồng bào tản cư 350 cây tre luồng, 70 cây gỗ và nhiều tranh, rạ, hỗ trợ nhiều ngày công giúp đỡ đồng bào. Hàng trăm gia đình trong xã nhà cửa còn chặt chội, đồ dùng sinh hoạt còn thiếu thốn, đã tự nguyện thu xếp nơi ăn chốn ở để giúp đỡ đồng bào.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhường nhà, sẻ bữa”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi Người về Nho Quan đã căn dặn: “Người có ăn, có mặc phải giúp đỡ đồng bào tản cư... phải giúp đỡ đồng bào có cơm ăn, việc làm vì ta phải trường kỳ kháng chiến”.

Dân số mỗi ngày một tăng, do tăng cơ học từ những đồng bào tản cư. Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã kết hợp với Đồn công an Hà Nam tiến hành thành lập và quản lý hành chính theo khu phố và phân công hai ông Nguyễn Văn Xuyển, ủy viên ủy ban làm trưởng ban và ông Bùi Đắc (người Hà Nội tản cư về) làm phó ban. Ngoài số thôn, xã còn chia thành 6 khu phố: Đồi Thông, Đống Đa, Cống Tôm, cây số 8, Bơ Cao và Cây số 7.

Từ cuối năm 1947, ở Xích Thổ có các cơ quan, đơn vị quân đội, công an về đóng tại xã:

- Khu ủy Liên khu 3, đóng trụ sở làm việc tại nhà ông Quách Trọng Nghị,

- Nơi ở và làm việc của ông Đỗ Mười (phụ trách công thương) là căn hầm ở đồi Số (sau nhà cụ Nguyễn Văn Thiệp) thôn Hồng Quang, về sau ông Đỗ Mười chuyển lên đồi Nhà (khu vực vườn ông Nguyễn Văn Rạm), để lại cơ sở này cho cơ quan báo chí TW.

- Cơ quan huyện Lý Nhân, đóng trụ sở làm việc tại khu vực Chợ Lạc.

- Tỉnh ủy Hà Nam đóng ở nhà các ông: Nguyễn Văn Rạm, Nguyễn Văn Tục, Nguyễn Văn Gia... khu đồi Nhà thôn Minh Hồng). Huyện ủy và ủy ban huyện Lạc Thủy cũng có thời gian ở Xích Thổ[9].

- Ty Công an Hà Nam đóng tại khu vực đồi Mài (nhà cụ Nguyễn Văn Mỡn, Nguyễn Văn Thoại) và Đồi Sông. Nhà ông tổng Bạo được công an mượn làm trại giam.

- Cơ quan “Đặc biệt” ở nhà ông Nguyễn Đình Rường, ông Nguyễn Đình Tường thôn Đức Thành. Mặt trận Hà Nội ở thôn Hồng Quang.

- Trung đoàn 52 và Trung đoàn 66 đóng quân từ Làng Thượng đến làng Liêm Trung. Thiếu tướng Hoàng Sâm ở nhà ông Bùi Đắc Huyễn, thôn Minh Hồng.

- Ban liên lạc Quân khu tả ngạn đóng ở nhà bà Năm (Cai Chểnh) thôn Đại Hòa ngày nay.

- Một bộ phận cơ quan Trung ương Đảng đóng ở làng Thượng và thôn Hồng Quang.

- Cơ quan Bưu điện Trung ương có các ông: Đan, Xích, Văn đi cùng với đồng chí Lê Quốc Thân, Thứ trưởng Bộ Công an về đóng tại làng Mỹ Đức Nội (nay là thôn Đức Thành), làm nhà riêng ở sau nhà ông Bùi Văn Thức. Năm 1954, cơ quan bưu điện, cơ quan Bộ Công an và ông Lê Quốc Thân chuyển đi nơi khác, căn nhà đó cơ quan cho gia đình bà mẹ ông Quách Văn Điệt ở.

- Trường quân chính Nguyễn Huệ đóng tại làng Liêm Trung, làng Liêm Thượng, xóm Khánh Thiện và khu vực Chợ Lạc. Nay nhà trường dựng bia kỷ niệm tại Đồi Sông (cạnh nhà bia ghi tên liệt sỹ của xã). Trên bia có ghi “Trường lục quân sơ cấp Nguyễn Huệ Liên khu 3”, (nay là trường quân sự Quân khu 3), đã mở liên tiếp 3 khóa huấn luyện quân sự chuẩn bị cho tổng phản công, đào tạo trên 1.000 cán bộ chỉ huy sơ cấp đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của các đơn vị bộ đội Liên khu 3 và các đơn vị bạn.

Số cán bộ trên đã chiến đấu, công tác lập được nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Không ít đồng chí đã hy sinh anh dũng, nhiều đồng chí trưởng thành, là cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Một số đồng chí là chiến sỹ thi đua, dũng sỹ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Năm 1954, Thường trực đặc khu Hà Nội có ông Nguyễn Tài (Thứ trưởng Bộ công an) về đóng tại xã Xích Thổ[10].

Tháng 11 năm 1947, khi có quyết định của Chính phủ hợp nhất ủy ban Hành chính và ủy ban Kháng chiến thành ủy ban Kháng chiến Hành chính, ông Bùi Đình Xúc được bầu làm Chủ tịch. Tháng 12 năm 1947, xã đội dân quân được thành lập, đồng chí Nguyễn Viết Điện làm xã đội trưởng và hai xã đội phó. Dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trị an trong thôn xóm, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến. Du kích làm nhiệm vụ chiến đấu đánh địch càn quét, sẵn sàng đi chiến đấu theo yêu cầu điều động của cấp trên. Xã đội dân quân tổ chức một số điếm canh gác ở khu vực trọng điểm, ở nơi đông người.

Điếm Gò Diềm, 2 tiểu đội dân quân Liêm Trung - Thượng Hòa đảm nhiệm canh gác.

Điếm Đồi Thông, 1 tiểu đội dân quân Liêm Thượng đảm nhiệm canh gác.

Điếm Đồi Sui, 1 tiểu đội dân quân Vạn Thắng đảm nhiệm canh gác.

Điếm Cống Tôm, lực lượng dân quân xã đảm nhiệm canh gác.

Điếm Gò Cách, do tiểu đội dân quân Liêm Trung đảm nhiệm canh gác.

Lực lượng du kích tuần tra cơ động cả ngày đêm. Các đơn vị dân quân du kích từ xã đến thôn xóm đảm bảo về số lượng, chất lượng theo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức một trung đội du kích tập trung có 3 tiểu đội, 2 tiểu đội nam là 40 chiến sỹ, 1 tiểu đội nữ là 15 chiến sỹ. Một đại đội dân quân gồm 168 chiến sỹ biên chế thành 4 trung đội gồm 13 tiểu đội.

Ngày 9 tháng 12 năm 1948, địch dùng 5 tàu chiến và 7 ca nô gồm 2 tiểu đoàn quân từ Nam Định theo sông Đáy đánh vào Gián Khẩu chia làm 2 cánh quân, một cánh lên Nho Quan đánh vào Hang Na (xã Gia Lâm) bị tiểu đoàn Nguyễn Huệ chặn đánh, chúng quay lại chia làm 3 mũi tiến vào Xích Thổ.

- Mũi 1, từ Gia Hưng lên Vạn Thắng.

- Mũi 2, theo đường thủy từ Bến Đế (xã Gia Tường) lên Chợ Lạc.

- Mũi 3, theo đường 59B vào xã Gia Sơn qua cống Viết lên xã Xích Thổ. Được lệnh của trên, lực lượng du kích và bộ đội chủ lực (E Ký con) đã sẵn sàng đánh địch. Du kích gài 2 bãi mìn: một bãi ở trước cổng nhà ông Quách Bá Kham, để đánh địch từ bến đò Lê Vi sang, một bãi trước cửa nhà ông Vũ Văn Xứng, đón lõng địch từ ca nô lên. Đến Vạn Thắng, quân địch dừng lại đốt phá, bắt lợn gà, trâu bò giết thịt. Chúng đã chiếm đóng tại Xích Thổ 7 ngày, ngày nào cũng đi lùng sục phá phách, vơ vét tài sản của nhân dân, chúng còn cho máy bay hạ cánh xuống Đồng Tráng để tiếp tế lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược. Chúng bắt 4 người dân, 3 người chúng đưa đi mất tích[11], còn ông Hội Lộc chúng trói ở gốc đa trước cửa nhà ông Xứng. Với tinh thần dũng cảm, quyết tâm giữ đất, giành dân với kẻ thù, quân và dân xã Xích Thổ đã tổ chức đánh 3 trận, đến đêm thứ 4 chúng rút sang Trại ảnh bên kia sông Bôi, ban ngày lại sang càn quét chúng đều gặp phải sự đánh trả quyết liệt của ta buộc chúng đến ngày thứ 7 phải rút quân ra khỏi Xích Thổ. Khi rút quân chúng cướp đi một số tài sản, đốt gần hết nhà cửa của nhân dân ở 3 thôn Chợ Lạc, Vạn Thắng, làng Thượng chỉ còn sót lại nhà thờ Thiên chúa giáo và nhà ông Nha. Sau khi chúng rút quân cánh đồng Tráng được lực lượng dân quân du kích tổ chức cắm chông (tre nứa vót nhọn) chống địch nhảy dù.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, chi ủy chỉ đạo tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích, trồng rau mầu ngắn ngày phòng đói giáp hạt. Đảm bảo sản xuất đủ lương thực để quân dân địa phương ăn no đánh thắng, đồng thời tích cực đóng góp chi viện cho chiến trường. Khai phá 40 mẫu rừng trúc ở Cái Bái để trồng sắn, 200 mẫu ở khu vực đồn điền Lê Vi trồng ngô, khoai, sắn. Nhờ đó vụ giáp hạt tháng 3 năm 1948 nhân dân không phải lo chạy ăn.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, chi ủy chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể, ban ngành phân công cán bộ xuống từng thôn tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng các tổ vần công, đổi công. Từ 5 đến 7 hộ một tổ sao cho phù hợp với điều hành công việc sản xuất được nhanh chóng, kịp thời vụ. Giúp đỡ nhau về giống vốn, sức kéo. Giúp các gia đình có người đi bộ đội, đi dân công, người già cả neo đơn. Chủ trương của chi bộ đề ra hợp lòng dân, nên chỉ trong một tháng toàn xã xây dựng được 35 tổ vần công, đổi công. Riêng khu vực chợ Lạc, Làng Thượng, Đồi Đại, Liêm Trung mỗi thôn xây dựng được từ 3 đến 4 tổ, đi vào hoạt động có hiệu quả. Khai hoang mở rộng diện tích 52 mẫu ở Thung Súa và ở Vạn Thắng để trồng sắn, 72 mẫu ruộng cấy chiêm và trồng mầu. Người dân so sánh làm ăn theo tổ đổi công so với làm ăn cá thể vừa vui, vừa nhanh, nên mọi người rất phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 5 năm 1948, Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy (lần thứ nhất) họp tại làng Thượng[12] (nay là thôn Minh Long), với sự tham gia của các đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm sau hơn một năm Đảng bộ và nhân dân Lạc Thủy thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ:

- Tiếp tục củng cố xây dựng chi bộ thành chi bộ tự động công tác, phát động “thi đua phát triển Đảng”.

- Tích cực thực hiện việc đưa cán bộ, đảng viên xuống cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động thi đua yêu nước trong quần chúng nhân dân.

- Xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, phát triển mạnh lực lượng dân quân du kích.

- Động viên nhân dân giúp đỡ cán bộ các cơ quan sơ tán về địa phương, tích cực tham gia phục vụ kháng chiến.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa I) gồm 13 ủy viên, đồng chí Tạ Hồng Thanh làm Bí thư Huyện ủy.

Sau Đại hội, các chi bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tập trung chỉ đạo phát triển đảng viên ở những khu vực chưa có hoặc còn ít đảng viên. Chi ủy phân công đảng viên phụ trách từng thôn, xây dựng củng cố các đoàn thể quần chúng. Kiện toàn, hoàn thiện các tổ vần công, đổi công đã có phát triển các tổ đội mới, vận động nhân dân đi theo học các lớp bình dân học vụ và cử người ra dạy học, mở rộng thêm lớp.

Các đoàn thể trong những năm qua có nhiều tiến bộ, nhất là phong trào phụ nữ. Hội phụ nữ xã vận động nấu nước chè xanh gánh ra đường phục vụ bộ đội hành quân qua có nước uống, chặt hàng chục gánh lá rừng cho bộ đội E 367 làm ngụy trang. Hội phát động chị em mỗi nhà có một hũ gạo kháng chiến. Kết quả tiết kiệm được 1.600 kg gạo (trong 2 năm 1947 - 1948) ủng hộ quỹ kháng chiến. Trung đoàn 12, đóng quân tại xã, một lần đi chuyển gạo về đến Đá Cay, thuyền va vào đá bị đắm, gạo ướt hết. Hội phụ nữ xuống từng thôn xóm vận động chị em đem gạo khô đổi cho bộ đội, lấy gạo ướt về ăn.

Trong thời gian này, địch tăng cường cho máy bay rải truyền đơn tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng đồng thời dùng bọn phản động phá hoại đường dây thông tin liên lạc của ta, chúng cắt dây điện thoại theo trục đường 59 B; bắn phá ác liệt vào các làng ven đường, dọc sông Bôi tạo sức ép gây hoang mang giao động trong quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó, chi ủy kịp thời chỉ đạo ban thông tin làm công tác tuyên truyền, củng cố lòng tin, xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt, xây dựng lực lượng dân quân du kích, tiến hành bổ sung đủ số đội viên đã tăng cường cho các đơn vị. Trung đội du kích tập trung của xã có 55 đội viên, 10 tiểu đội khác ở các khu vực gồm 170 đội viên. Chi ủy quyết định số đảng viên, đoàn viên mới kết nạp đều nằm trong lực lượng du kích xã, thôn. Trang bị 3 khẩu súng trường, 20 quả mìn và lựu đạn còn lại là vũ khí tự tạo.

Xã đội tổ chức cho 2 tiểu đội trực tiếp tham gia chiến đấu, một tiểu đội do đồng chí Nguyễn Xuân Kỳ và Bùi Văn Tu ra Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, một tiểu đội do ông Vũ Văn Sưu chỉ huy, đi Cầu Đài (xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm nhiệm vụ chống địch càn từ bốt Hoàng Đan lấn sang. Đại đội dân quân xã do ông Bùi Đắc Triệu chỉ huy tổ chức đào hầm hào phòng tránh máy bay ở hai bên đường 59B và khu chợ, khu ủy ban, những nơi tập trung đông người, đã đào được 773 hố cá nhân, 3 ụ súng và 200m giao thông hào trên đường 59B để phòng tránh địch tấn công. Tổ chức 1 trạm gác phòng không trên đỉnh Đồi Sông để báo cho nhân dân kịp thời sơ tán xuống hầm khi có máy bay địch tới. Cuối năm 1948, có 33 thanh niên và đội viên du kích bổ sung cho bộ đội địa phương tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực.

Trên địa bàn xã có đông người tản cư đến, nhiều cơ quan sơ tán về làm việc, chi ủy chỉ đạo ban công an xã, do đồng chí Đinh Quang Liêm trưởng ban kết hợp với Đồn Công an Hà Nam đóng trên địa bàn xã, cùng xã đội dân quân tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát các điếm canh. Mỗi xóm có 1 công an viên kết hợp với Mặt trận Liên Việt thường xuyên liên hệ với linh mục Nguyễn Chu Trình vận động giáo dân tham gia các đoàn thể cứu quốc, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng và các quy định của địa phương.

Tháng 1 năm 1949, thực hiện quyết định của trên, Xích Thổ tổ chức bầu cử đại biểu HĐND xã (nhiệm kỳ 2). Chi bộ chỉ đạo Mặt trận lựa chọn đưa người ra ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử có 97% số cử tri đi bỏ phiếu, bầu 23 người làm đại biểu HĐND xã[13]. Hội đồng nhân dân, bầu ra 5 thành viên ủy ban kháng chiến hành chính, ông Bùi Đình Xúc được bầu làm Chủ tịch. Ngày 20 tháng 8 năm 1949, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi bán thóc khao quân nhân dịp Quốc khánh 02 tháng 9. Đây là chủ trương về lương thực để mở những chiến dịch quy mô lớn trong giai đoạn mới. Hồ Chủ tịch kêu gọi[14] “Tôi lấy danh nghĩa cá nhân mà nhờ đồng bào giúp tôi, mỗi gia đình bán cho tôi 10kg thóc, để khao Quân đội nhân dịp Quốc khánh”, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Xích Thổ bán cho Chính phủ 1.913kg gạo.

Phong trào bình dân học vụ phát triển mạnh mẽ, tổ chức thêm lớp, thêm buổi học, cử người ra dạy thêm, giúp người nghèo giấy, bút, mực, phấn đi học. Khu vực nào cũng có từ 2 đến 3 lớp, nhiều người đi làm cũng mang theo sách để lúc giải lao đem sách ra học. Ngày 28 tháng 7 năm 1949, Xích Thổ được công nhận thanh toán nạn mù chữ sớm nhất huyện Lạc Thủy ở độ tuổi từ 12 đến 50, đạt 90% kế hoạch, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng 3. ông Nguyễn Văn Hướng, trưởng ban được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua và được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen.

Ngày 03 tháng 12 năm 1949, Đại hội chi bộ (nhiệm kỳ 3) được tổ chức tại thôn Mỹ Đức (nay là thôn Đức Thành)[15] có 109 đảng viên tham dự. Đại hội bầu ban chi ủy gồm 5 đồng chí, đồng chí Vũ Văn Xứng được bầu lại làm bí thư chi bộ.

Đại hội đánh giá công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới và chấn chỉnh, củng cố tổ chức đảng, nên trong 3 tháng đầu năm 1949, chi bộ đã đưa 40 quần chúng đi học lớp cảm tình Đảng, 30 đảng viên được cử đi học các lớp bồi dưỡng lý luận, 13 lượt đồng chí cấp ủy đi đào tạo. Năm 1949, chi bộ kết nạp được 83 đảng viên, trong 3 năm chi bộ đã kết nạp 120 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trên địa bàn xã (kể cả các cơ quan đóng trên địa bàn) 230 đảng viên sinh hoạt ở 11 tổ đảng trong 11 thôn hoặc liên thôn. Đại đa số các đảng viên đã nêu cao tính tiền phong gương mẫu, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng. Song cũng còn một số ít đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, vi phạm phẩm chất đạo đức, có tư tưởng cầu an, hưởng thụ, trây lười công tác, sinh hoạt chểnh mảng. Do đó, chi bộ đã đưa ra khỏi đảng 17 đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn.

Thông qua phong trào cách mạng, chi ủy giáo dục, động viên nhân dân làm tốt nhiệm vụ của hậu phương đối với công cuộc kháng chiến. Để chuẩn bị mọi mặt phục vụ sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch liều lĩnh tấn công vào hậu phương, trung đội du kích tập trung của xã được lệnh của huyện đội phối hợp với một trung đội bộ đội địa phương thuộc Đại đội 511 đóng quân tại xã. Tổ chức lập các phương án phòng thủ, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn khu căn cứ trong địa bàn xã.

ủy ban Kháng chiến Hành chính phân công đồng chí phó chủ tịch cùng với đồng chí xã đội trưởng chuẩn bị lực lượng dân công, lên kế hoạch dự kiến giao chỉ tiêu cho các khu vực. Ngày 16 tháng 9 năm 1950, chiến dịch biên giới mở màn. Theo yêu cầu, Xích Thổ tổ chức 3 đoàn dân công, mỗi đoàn hơn 80 người làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch. Công tác phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ tư lệnh Liên khu 3 đóng quân tại địa phương, của cán bộ, đảng viên và nhân dân là hết sức nặng nề nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của chi bộ Đảng và nhân dân xã Xích Thổ.

Đầu tháng 5 năm 1950, giặc Pháp cho 3 ca nô chở một trung đội bộ binh từ Ninh Bình tiến theo sông Bôi với ý định chiếm đóng Chi Nê và khu vực chợ Đập. Phát hiện lực lượng địch, bộ đội địa phương phối hợp với đơn vị bộ đội thuộc Trung đoàn 52 chặn đánh quyết liệt ở khu vực núi Đít Ngựa (xã Gia Lâm). Bị phục kích bất ngờ, quân giặc hốt hoảng vội quay đầu tháo chạy về Ninh Bình.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân Xích Thổ anh dũng chống phá nhiều cuộc hành quân thọc sâu của giặc, phòng tránh quân Pháp ném bom, bắn phá, có hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cán bộ và nhân dân. Tăng cường công tác chống gián điệp biệt kích bảo vệ địa bàn, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị, đi dân công phục vụ, giúp đỡ đồng bào tản cư, cơ quan sơ tán về địa phương đã giành thắng lợi.

III. ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, ĐÓNG GÓP SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA ĐẢM BẢO KHÁNG CHIẾN THẮNG LỢI (1951 - 1954)

Sau khi giặc Pháp rút khỏi tỉnh Hòa Bình, khu căn cứ được mở rộng. Yêu cầu đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân nhiệm vụ mới: Vừa phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và đóng góp cho Nhà nước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ quan trọng phục vụ các chiến dịch lớn.

Ngay từ đầu năm 1951, Tỉnh đội Hà Nam giao cho Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Thủy một bản mật lệnh gồm 4 nhiệm vụ[16]:

- Chuẩn bị mọi phương tiện để làm cầu qua sông theo kế hoạch đã định.

- Sửa chữa đường sá, các cầu trên đường 59B, đường 21.

- Chuẩn bị nơi trú quân cho các đơn vị bộ đội chủ lực.

- Huy động toàn dân đi phục vụ các chiến trường.

Những nhiệm vụ trên đòi hỏi được triển khai khẩn trương, đồng thời phải đảm bảo bí mật, đề cao cảnh giác, phòng gian, bảo đảm tuyệt đối an toàn công tác chuẩn bị cho chiến dịch.

Tháng 1 năm 1951, Thường vụ Huyện ủy họp mở rộng đến bí thư chi bộ xã thảo luận một số nhiệm vụ cấp bách. Ngoài việc huy động nhân dân làm nhiệm vụ sản xuất vụ chiêm xuân, hội nghị còn tập trung hai vấn đề: tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện (lần thứ 2) và đại hội các chi bộ xã. Tập trung lực lượng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Tháng 3 năm 1951, chi bộ Đảng chính thức ra hoạt động công khai, sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của Đảng đồng thời khẳng định Đảng đã đủ sức, đủ uy tín lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Quán triệt nghị quyết của Thường vụ Huyện ủy, Chi bộ đảng xã Xích Thổ họp (mở rộng) bàn biện pháp triển khai, thực hiện phân công cấp ủy phụ trách từng lĩnh vực công tác. Ban chỉ huy xã đội điều động lực lượng dân quân du kích, san lấp các đoạn đường quốc lộ 59B trước đây đã đắp ụ, đào hào để chặn đường tiến công của địch, bảo đảm cho người và phương tiện cơ giới đi lại được an toàn. Vận động nhân dân ủng hộ bương, tre, nứa, gỗ, gianh rạ giúp đồng bào tản cư làm nhà ở và ủng hộ các đơn vị bộ đội, các cơ quan Trung ương làm nơi ở và cơ sở làm việc. Mặt trận, các đoàn thể cứu quốc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động mua công trái quốc gia. Mặc dù, trong điều kiện đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, bên cạnh với thời tiết không thuận lợi cùng với sự đánh phá liên tục của máy bay giặc Pháp, cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Kết quả 3 tháng đầu năm 1951, toàn xã thực hiện được:

- Huy động hơn 2.000 ngày công phục vụ giao thông, vận chuyển.

- Phát hành mua 335 công trái quốc gia.

- Lập 296 “hũ gạo kháng chiến” với số gạo là 1.872 kg.

- Huy động 30 cây gỗ, 245 cây tre, bương, 210 chiếc gianh.

- San lấp 3.000 mét hầm hào trên đường, sửa cầu, kiện toàn bổ sung đủ quân số cho các đơn vị du kích tập trung ở xã, ở thôn, đưa tổng số đội viên lên 300 người, trang bị thêm 5 súng trường, 35 lựu đạn, mìn, số còn lại là vũ khí thô sơ.

Tháng 10 năm 1951, trên địa bàn Xích Thổ có một số đơn vị bộ đội chủ lực về tập kết chuẩn bị mở chiến dịch xuống đồng bằng. Một tiểu đội du kích của xã do đồng chí Nguyễn Xuân Kỳ chỉ huy ra Kim Bảng chống càn, xây dựng phòng tuyến. Khi đợt một chiến dịch Hòa Bình mở màn, ngày 10 tháng 12 năm 1951, chính quyền xã huy động 297 dân công, các cụ bô lão làm 293 cái võng tre dùng để cáng thương binh, huy động 100 cối xay lúa và 200 nhân công sang Đồn Dương - Yên Trị xay lúa giã gạo phục vụ chiến dịch. Hội phụ nữ vận động chị em nhận xay giã 68.393 kg thóc cho bộ đội đóng tại xã. Hội mẹ chiến sỹ do bà Vũ Thị Bình phụ trách, huy động hàng trăm chị em nhận chăm sóc các chiến sỹ đau yếu, giặt giũ, khâu vá hàng trăm bộ quần áo cho chiến sỹ. Huy động được 25 tấn thóc chuẩn bị cho chiến dịch, đóng 35 chiếc giường ủng hộ thương binh, huy động 15 lượt thuyền vận chuyển thương binh từ Bồng Lạng để nhập viện trên hang Cáy.

Năm 1952, trung đội du kích Xích Thổ cùng bộ đội địa phương huyện Lạc Thủy phối hợp chiến đấu đánh bốt Nam Sang huyện Kim Bảng, lấy lại được 12 con trâu đưa về cho nhân dân địa phương.

Là một xã thuần nông, cuộc sống của người nông dân còn muôn vàn khó khăn, cơm ăn, áo mặc chưa đủ nhưng với tinh thần yêu nước, tình thương yêu con người cao cả, người dân Xích Thổ đã nhường cơm sẻ áo cho đồng bào tản cư, cho cán bộ và chiến sỹ. Những bà mẹ trong Hội mẹ chiến sỹ đã nhận thương binh về nhà nuôi dưỡng, điển hình bà Vũ Thị Bình đón anh Nguyễn Văn Chính quê ở Hưng Yên, bà Hoàng Thị Sít nuôi thương binh Hoàng Văn Phát quê ở Hà Tây, bà Trịnh Thị Mỳ nuôi thương binh Nguyễn Văn Tập, bà lấy vợ cho anh... và còn biết bao những bà mẹ, những gia đình khác là tấm gương tiêu biểu, cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập.

Tuy vậy trong khó khăn gian khổ, đã có số ít cán bộ, đảng viên, lực lượng dân quân du kích và nhân dân đã nảy sinh tư tưởng tiêu cực: Sợ phải đi dân công phục vụ chiến dịch; sợ máy bay địch đánh phá, sợ khó khăn gian khổ, nhận định đánh giá không đúng về tương quan lực lượng giữa địch và ta. Do vậy, chi bộ đã mở hội nghị toàn đảng viên để triển khai nghị quyết của Thường vụ Huyện ủy, tổ chức đợt phê bình và tự phê bình trong toàn Đảng, tuyên truyền giải thích ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch. Tổ chức cho nhân dân liên hoan văn nghệ, ăn mừng chiến thắng ở xã và các khu vực.

Qua đó, tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang từng bước được củng cố, mọi hoạt động bắt đầu đi vào nền nếp. Lực lượng dân quân du kích được củng cố phát triển cả về số lượng và chất lượng, ý chí chiến đấu được tăng cường, luôn ở tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị dưới nhiều hình thức được tổ chức kịp thời, mang lại hiệu quả, thể hiện tính sáng tạo chủ động của cấp ủy, chi bộ.

Ngày 23 tháng 02 năm 1952, địch bỏ chạy khỏi thị xã Hòa Bình, nhưng lực lượng không quân vẫn thường xuyên bắn phá. Đồng thời chúng cho tay chân tung tin đồn nhảm gây hoang mang tư tưởng trong nhân dân. Máy bay địch thả 20 lần truyền đơn xuyên tạc chiến thắng, nói xấu chế độ, dụ dỗ cán bộ, bộ đội. Những tên cầm đầu đội lốt Thiên chúa giáo ngấm ngầm những hoạt động phản cách mạng, ngấm ngầm xây dựng tổ chức “thanh niên công giáo” ở xứ Xích Thổ, Khoan Dụ, một số lưu manh lợi dụng tình hình để gây rối trật tự an ninh.

Tháng 10 năm 1952, ban thuế nông nghiệp xã được thành lập gồm 8 thành viên do ông Bùi Đình Xúc, Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính xã làm trưởng ban, có trách nhiệm giúp chi bộ, chi ủy tổ chức cho nhân dân học tập chính sách thuế nông nghiệp. Qua học tập mọi người đều hiểu rõ điều lệ thuế nông nghiệp:

1. Tổng động viên tài lực bảo đảm cung cấp cho nhu cầu kháng chiến.

2. Phát triển sản xuất nông nghiệp để cải thiện dân sinh.

3. Thực hiện đóng thuế công bằng và dân chủ.

Ban thuế nông nghiệp hướng dẫn cho nhân dân bình sản lượng từng xứ đồng. Lập sổ bộ thuế cho từng hộ, tìm ra diện tích khai chưa đúng chưa đủ 87 mẫu. Thực hiện tốt chính sách tạm miễn, tạm hoãn cho từng đối tượng, nên nhân dân phấn khởi. Năm 1952, vụ lúa chiêm bị sâu, chuột phá hoại, năng suất thu hoạch thấp. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” toàn Đảng, toàn dân đang dồn hết sức người, sức của cho kháng chiến, với tinh thần thuế không thể nộp thóc xấu, phải chọn thóc đẹp, thóc tốt nộp nhanh gọn, kịp thời, chỉ trong một đêm toàn xã nhập kho được 35 tấn thóc. Qua việc làm thuế nông nghiệp, chi bộ rút ra được bài học: công tác cán bộ là quan trọng, phải chọn cán bộ đúng thành phần, đủ khả năng, nắm vững được phương pháp làm các đợt thuế như vạch khoảnh, xếp hạng, cách tính thuế...

Năm 1953, do thiên tai hạn úng nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình phải vào rừng đào củ, kiếm rau về ăn, phải chạy vạy, vay mượn, phải đi làm thuê kiếm sống. Sản xuất vụ chiêm xuân có phần bị chậm trễ không đảm bảo được thời vụ. Số gia đình già cả neo đơn được các cơ quan, đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn giúp đỡ.

Trong dịp này, Huyện ủy Lạc Thủy chỉ đạo vận động các nhà giàu còn thóc tự nguyện cho nông dân vay. Đối với hộ có thóc không cho vay thì dùng biện pháp hành chính trưng vay lương thực. ở Xích Thổ, cuộc vận động và đấu tranh có lý có tình nên hầu hết các hộ còn thóc đều tự nguyện cho nông dân vay, giải quyết khó khăn trong lúc giáp hạt. Kết quả ở 6 xã Xích Thổ, Cố Nghĩa, Đồng Tâm, Khoan Dụ, Phú Lão, An Bình nhà giàu xuất thóc cho dân vay 810 kg gạo, 9.850 kg thóc, 14 mẫu ngô non trong vườn, 3.489.000 đồng. Với lòng nhân đạo, các hộ giàu tự nguyện ủng hộ 3.879 kg gạo, 170.000 đồng. Kết quả trên phần nào đã khắc phục được khó khăn trong lúc thiếu đói[17].

Tháng 9 năm 1953, Xích Thổ thực hiện chính sách giảm tô. Cấp trên cử ông Trương Đình Dần về làm đội trưởng. Cùng với cấp ủy chi bộ, đội giảm tô tiến hành điều tra ruộng đất, xác định đối tượng để buộc phải thực hiện chính sách. Trong đợt giảm tô này, ở Xích Thổ không nặng nề căng thẳng, vì trong số đối tượng có những người từng là đảng viên cộng sản, qua từng thời kỳ họ đã thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, Xích Thổ là một trong 5 xã của huyện thực hiện tốt chính sách giảm tô của Đảng. Tuy vậy trong quá trình triển khai thực hiện còn có những sai lầm khuyết điểm, còn nặng về cưỡng chế hành chính, chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền giáo dục. Chưa phân biệt rõ thành phần lớp trên có công đóng góp, ủng hộ công cuộc kháng chiến, nên dẫn đến việc đã đưa những đảng viên thuộc thành phần địa chủ ra khỏi Đảng.

Ngày 06 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chi bộ và nhân dân Xích Thổ hăng hái tiếp nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, với tinh thần phấn khởi khẩn trương, huy động toàn bộ sức người và của. Lực lượng du kích được giao nhiệm vụ cùng với bộ đội địa phương huyện sẵn sàng chiến đấu, giữ vững trật tự an ninh dọc tuyến đường 59B, bảo vệ các cơ quan, bảo vệ các vị trí xung yếu trên địa bàn. Ban chỉ huy xã đội được lĩnh 7 xe đạp[18] và cử 7 người đi làm nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí Bùi Văn Tu phụ trách cùng đội sang Nho Quan nhận hàng rồi chuyển đi Sơn La phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cả chiến dịch, Xích Thổ đã huy động 573 lượt chiếc xe đạp thồ, hơn 1.000 lượt dân công, xay giã hơn 30 tấn thóc chuyển lên Kim Bôi - Hòa Bình. Bố trí các hộ dân dọc đường 59B nhường nhà cho bộ đội, dân công khu 4 đi qua có nơi nghỉ ngơi.

Chính quyền xã tổ chức một đại đội dân quân hơn 200 cán bộ chiến sỹ, do ông Nguyễn Đình Rường xã đội trưởng chỉ huy đi phục vụ dài ngày ở Tây Bắc, làm nhiệm vụ mở đường, dựng lán trại, vận chuyển thương binh.

Toàn xã từ tháng 01 năm 1953 đến tháng 6 năm 1954, có 77 thanh niên xung phong tòng quân lên đường chiến đấu. Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô (tháng 01 đến tháng 02 năm 1954) được phát động trong toàn quốc với mục đích:

1. Tăng cường giới thiệu về Liên Xô, Trung Quốc với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác để nâng cao tinh thần ái quốc và tinh thần Quốc tế chân chính trong quần chúng nhân dân.

2. Tăng cường mối quan hệ và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác.

3. Học tập kinh nghiệm quý báu và tinh thần chiến đấu trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh của nhân dân và quân đội Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN khác, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô, Chi bộ xã Xích Thổ đã vận động toàn dân tham gia tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô với nhiều hình thức: Đoàn thanh niên tổ chức những đêm lửa trại, tập và biểu diễn các bài ca, các điệu vũ tạo nên không khí sôi động. Tổ chức nhân dân đi dự mít tinh lớn và xem triển lãm tại Hang Na (xã Gia Lâm). Xã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về sự ra đời và lớn mạnh của Nhà nước Liên Xô, Trung Quốc. Cử 2 trung đội đảm nhận nhiệm vụ là lực lượng phòng tuyến từ xã Gia Sơn, Gia Thủy đến Xích Thổ, bố trí hai trận địa đại liên, trung liên và súng trường cùng đơn vị phòng không của bộ đội sẵn sàng đánh máy bay địch, bố trí lực lượng Đại đội bạch đầu quân và dân quân du kích làm công tác an ninh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu vực Hang Na - nơi diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô.

Trong tháng hữu nghị này, xã Xích Thổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Liên khu 3 tặng Bằng khen. Thông qua tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô, tinh thần yêu nước của nhân dân được nâng cao, đưa cuộc kháng chiến nhanh đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới. Ngày 01 tháng 5 năm 1953, ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, đã quyết định xã Xích Thổ thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam chuyển về trực thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Một năm sau đó, ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi, buộc Pháp phải ký hiệp định Gơ - ne - vơ, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương.

Trong suốt 9 năm kháng chiến, nhân dân Xích Thổ dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tích cực lao động sản xuất, chiến đấu đánh giặc giữ làng, mưu trí dũng cảm bảo vệ an toàn tài sản của các cơ quan, an toàn tính mạng cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng, cất giấu kho tàng, tài liệu của chính quyền cách mạng. Phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn gian khổ, cùng với nhân dân cả nước giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. 9 năm trường kỳ kháng chiến, Xích Thổ có hàng trăm người con trai, con gái lên đường tòng quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Có 350 cán bộ tình nguyện, hơn 200 lượt du kích tham gia chiến đấu ở các huyện Kim Bảng, Lý Nhân (Hà Nam), Gia Viễn (Ninh Bình). Có 19.341 lượt người đi phục vụ chiến đấu ở các mặt trận, 26 người đã anh dũng hi sinh cho Tổ quốc, 6 thương binh nặng và nhiều thương binh các hạng. Bên cạnh đó sự đóng góp về sức người, sức của là vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc. Những thành tích đó đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 7 huân chương và 58 huy chương kháng chiến, 149 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự và Gia đình vẻ vang.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Xích Thổ vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Đồng thời cũng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề, cùng với nhân dân miền Bắc bước vào giai đoạn cách mạng mới, cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước và là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước.

 

CHƯƠNG IV
CHI BỘ - ĐẢNG BỘ XÃ XÍCH THỔ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIÀNH THẮNG LỢI
(1954 - 1975)

I. HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC KINH TẾ, HOÀN THÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (1954 - 1957)

  Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhân dân Xích Thổ hân hoan trong ngày vui chiến thắng, hòa chung với niềm vui chung của toàn dân tộc. Từ các thôn làng, đâu đâu cũng thấy cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu chào mừng. Tại chân đồi Sông, nhân dân đã dựng tượng đài chiến thắng, tạo một khuôn viên rộng lớn để tổ chức mít tinh, với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã, theo 4 nội dung do Huyện ủy Gia Viễn chỉ đạo:

- Mừng sinh nhật Hồ Chủ tịch;

- Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ;

- Hoan nghênh phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Giơ-ne-vơ trở về;

- Hoan nghênh Liên Xô, Trung Quốc phản đối sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương.

Ngày 25 tháng 5 năm 1954, chính quyền xã tổ chức khao quân (khao du kích), chào đón bộ đội và dân công từ Điện Biên Phủ trở về.

Quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Ninh Bình, Chi bộ Xích Thổ, lãnh đạo nhân dân tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, sửa sang đường sá; dựng lại nhà cửa, tu bổ lại vườn tược, giúp đỡ gần 1.000 đồng bào tản cư trở về quê hương cũ làm ăn sinh sống; các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh được quan tâm chăm sóc; sửa chữa lại các trường học để con em có đủ trường lớp học tập.

Vụ chiêm xuân năm 1954 bị hạn hán, sâu bệnh, năng suất lúa thấp, sản lượng giảm 40% so với năm 1953, do đó, tháng 9 năm 1954 tình hình thiếu đói xuất hiện. 30% số hộ đã hết lương thực, càng về cuối năm càng gay gắt. Chi ủy phân công chi ủy viên, cán bộ các đoàn thể xuống thôn xóm nắm tình hình, vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất, tích cực trồng rau mầu ngắn ngày để có ăn trong giáp hạt. Tổ chức tương trợ, nhường cơm sẻ áo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đồng thời đề nghị tỉnh, huyện giúp đỡ, quyên góp được hơn 2.000kg gạo. Một số cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn đã ủng hộ hơn 300kg gạo. Do vậy không còn nhà dân nào không có gạo ăn trong dịp Tết.

Trong lúc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đang có những khó khăn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai có âm mưu thâm độc chống phá cách mạng, dùng mọi thủ đoạn cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam. Chúng tung tin “Chúa đã vào Nam và Mỹ sẽ ném bom nguyên tử và đánh phá miền Bắc”. Ngày 14 tháng 10 năm 1954, Huyện ủy tổ chức chỉ đạo vận động được 57 thuyền gồm 244 người là giáo dân các xã Gia Vượng, Liên Sơn, Gia Thịnh và Xích Thổ đang trên đường xuống Phát Diệm để theo Chúa vào Nam đã quay trở lại quê hương làm ăn sinh sống. Sáng ngày 17 tháng 11 năm 1954, quần chúng phát hiện có 80 thuyền chở giáo dân từ huyện Lạc Thủy xuôi xuống sông Bôi, số giáo dân của 2 xã Xích Thổ, Gia Thủy nhập vào thành một đoàn hơn 100 thuyền, gần 1.000 người. Đến bến Đế (xã Gia Tường), cán bộ huyện và cơ sở kết hợp với bộ đội Sư đoàn 316 tuyên truyền thuyết phục, nhưng số người giáo dân này vẫn cương quyết cho thuyền xuôi dòng, đến Kênh Gà, gặp đoàn người giáo dân của Nho Quan, nhập thành một đoàn với số thuyền lên đến gần 200 chiếc, khoảng 2.000 người, chen chúc cả một khúc sông. Cán bộ, bộ đội kiên trì thuyết phục vạch trần âm mưu của kẻ địch, bà con giáo dân dần dần nhận thức ra vấn đề và đã quay thuyền trở lại địa phương.

Sau sự việc này, Huyện ủy chỉ đạo nơi có đồng bào công giáo sinh sống, chính quyền đã cử cán bộ đi sâu bám sát tuyên truyền vận động nhân dân, vạch mặt bọn phản động cầm đầu cuộc di cư. Tình hình dần dần ổn định giáo dân yên tâm ở lại làm ăn. Theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, chi bộ xã đã cử đồng chí Bùi Văn Tu và Đinh Quang Ngạn đến thị trấn Phát Diệm cùng với chính quyền huyện Kim Sơn, tham gia công tác chống cưỡng ép di cư.

Ngày 11 tháng 11 năm 1954, ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Ninh Bình ra lệnh giải tán các trại tập trung đồng bào theo đạo Thiên chúa bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư ở Phát Diệm - Kim Sơn (lúc cao nhất 11.000 người). Số người trở về quê hương, họ đã nói rõ thực chất những ngày ở trại tập trung, nên đã góp phần giúp cho nhiều người hiểu rõ bản chất của việc tuyên truyền di dân vào Nam của bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo, từ đó có thêm lòng tin vào đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ.

Những thắng lợi đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư góp phần ổn định xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhân dân lương, giáo đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau ổn định đời sống, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khắc phục thiếu đói. Thắng lợi đó đã góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị, đảm bảo an ninh an toàn trật tự xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi cuộc cải cách ruộng đất theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tháng 8 năm 1955, đội cải cách ruộng đất do ông Nguyễn Văn Dinh làm đội trưởng và 4 thành viên[19]. Cán bộ cải cách ruộng đất xuống từng thôn xóm thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) dựa vào tầng lớp dân nghèo “thăm nghèo gợi khổ”, “bắt rễ xâu chuỗi” tuyên truyền chính sách cải cách ruộng đất, phát động nông dân vùng lên đấu tranh.

Sau phát động, nông dân hăng hái tố giác địa chủ, vạch trần làm rõ những hành động bóc lột, cất giấu phân tán tài sản, diện tích ruộng đất mà họ chưa thành khẩn khai báo với chính quyền. Kết quả đã có 14 địa chủ bị đánh đổ, tịch thu 462 mẫu ruộng, 198 con trâu bò, 139 gian nhà và một số tài sản khác chia cho nông dân. Cuộc cải cách ruộng đất thắng lợi, giai cấp địa chủ cùng chế độ bóc lột đã bị xóa bỏ. Chính quyền xã đã lấy một số ruộng đất của đồn điền Lê Vi và số ruộng đất công điền của xã để chia cho nông dân. Trong những năm thực hiện giảm tô nông dân tiếp tục được chia thêm ruộng đất. Người nông dân có ruộng cày cấy, có gia đình cả đất khai hoang phục hóa đã cấy tới 2-3 mẫu. Ruộng đất thực sự về tay dân cày, đưa nông dân từ địa vị tá điền làm thuê lên địa vị làm chủ thực sự về kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới Xã hội chủ nghĩa, mà hình thức đầu tiên là tổ đổi công và hợp tác xã. Được làm chủ trên mảnh đất của mình, nhân dân Xích Thổ phấn khởi, hăng hái, thi đua lao động sản xuất, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng với cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội.

Xích Thổ hoàn thành cải cách ruộng đất vào đầu tháng 01 năm 1956. Tuy vậy trong quá trình triển khai thực hiện đã có những nhận thức không đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng, đó là: Đội cải cách ruộng đất về xã không dựa vào cấp ủy, ủy ban kháng chiến hành chính xã và các tổ chức Đảng cơ sở để nắm tình hình chung, nhất là tình hình ruộng đất ở xã, mà chỉ “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông”, như vậy nhận thức là chưa đầy đủ về khẩu hiệu của Đảng đề ra, áp dụng dập khuôn máy móc, đánh giá tình hình còn chủ quan phiến diện, thiếu linh hoạt, thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa phát huy sức mạnh của các tổ chức Đảng ở nông thôn nên đã dẫn đến những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng như: Quy sai thành phần một số trường hợp phú nông lên địa chủ, trung nông lớp trên lên phú nông hoặc nhìn nhận sai đối với người có liên quan đến đế quốc phong kiến phản động. Từ đó dẫn đến phân biệt đối xử trong nội bộ nông dân, làm cho nông dân có sự hoang mang dao động, nghi kỵ lẫn nhau, nghi ngờ cán bộ, nghi ngờ chính sách cải cách ruộng đất. Không khí nông thôn nặng nề, tình làng nghĩa xóm giảm sút. Lòng hăng hái, niềm vui phấn khởi, sau ngày miền Bắc giải phóng bị hẫng hụt. Một số đảng viên và cấp ủy có tư tưởng hoang mang dao động, thậm chí một số mất sức chiến đấu, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Lợi dụng sai lầm khuyết điểm đó, kẻ địch tuyên truyền nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, chia rẽ giữa dân với Đảng, xúi dục người xấu kích động chống đối, gây rối trật tự xã hội. Đó là một tổn thất đáng kể.

Nhận ra sai lầm, Đảng dũng cảm nhận trách nhiệm trước nhân dân về những sai lầm đó và kịp thời đề ra chủ trương chính sách, nội dung và bước đi cụ thể sửa chữa sai lầm, với tinh thần thành khẩn, khẩn trương, thận trọng, sai đến đâu sửa đó, sai nhiều sửa nhiều, sai ít sửa ít, nhằm khẳng định và củng cố niềm tin vào công cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn.

Tháng 10 năm 1956, công tác sửa sai bắt đầu. Xích Thổ đã cử 5 đồng chí về huyện học tập chủ trương chính sách của Đảng và kế hoạch sửa sai của huyện, tỉnh[20]. Kế hoạch sửa sai được chi bộ tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ đảng viên, các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong toàn xã. Phân công cán bộ xuống từng thôn, xóm cùng với cán bộ sửa sai, tổ chức học tập cho nhân dân, cho những người bị quy sai, bị xử lý sai cùng học tập, liên hệ kiểm điểm, vừa học tập vừa sửa sai, đồng thời đẩy mạnh mọi hoạt động công tác, lao động sản xuất, đảm bảo ổn định tình hình, ổn định đời sống nhân dân.

Trong học tập, hầu hết cán bộ, đảng viên đều nhận rõ sự đúng đắn về đường lối nông thôn của Đảng. Đều nhất quán khẳng định cải cách ruộng đất là thắng lợi căn bản. Những sai lầm, khuyết điểm tuy nghiêm trọng song chỉ là tạm thời, sửa chữa được. Với ý thức trách nhiệm trước dân, chi bộ dám nhận khuyết điểm, kiên quyết sửa chữa những sai lầm, tiến hành xem xét hạ thành phần cho những gia đình bị quy sai, khôi phục lại Đảng, chức vụ cho các đồng chí bị xử lý sai và đồng chí làm sai được rút kinh nghiệm sâu sắc, có hình thức giáo dục nghiêm khắc, rút ra được những bài học xương máu trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chi bộ, ý thức Đảng, tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước, tuyệt đại bộ phận nông dân thấy rõ đâu là đúng, đâu là sai. Những thắc mắc đố kỵ, hiểu lầm, nghi ngờ, mặc cảm trong nông thôn được giải tỏa, gỡ bỏ. Nhận rõ “địch - ta” và những luận điệu tuyên truyền phản động, kích động chia rẽ gây rối của kẻ thù, và khẳng định cải cách ruộng đất là cuộc đấu tranh giai cấp đầy cam go, đánh đổ địa chủ giành lại ruộng đất về người nông dân lao động. Công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất, là một bước trưởng thành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, thêm một lần nữa thử thách ý chí và lập trường quan điểm của cán bộ, đảng viên.

Năm 1956, Xích Thổ giành được thắng lợi cả lúa và mầu, người nông dân bắt đầu áp dụng một số biện pháp kỹ thuật thâm canh, xen canh gối vụ, tưới tiêu hợp lý, bón phân nhiều hơn nên năng suất lúa và mầu ngày một tăng. Năng suất tăng 58% so với năm 1955, các tổ đổi công[21] đi vào hoạt động có nền nếp, thời vụ bảo đảm, chăm bón kịp thời, chăn nuôi gia súc gia cầm nhất là chăn nuôi trâu bò sinh sản phát triển đã giải quyết kịp thời về sức kéo.

Tiểu thủ công nghiệp chưa hình thành về tổ chức, song một số ít hộ trong xã có các ngành nghề thủ công như: Chẻ mây, làm mộc, nghề rèn, làm gạch, làm đá, đốt vôi, thợ xây, thu hút hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

Cửa hàng mua bán xã được thành lập do ông Nguyễn Văn Hấp phụ trách. HTX mua bán góp phần phục vụ sản xuất và đời sống, từng bước đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, do đó nhân dân tham gia ngày một đông, toàn xã có trên 90% số hộ tham gia. Chi bộ tổ chức tiến hành học tập chính sách, điều lệ của HTX tín dụng. Nhân dân tích cực tự nguyện tham gia. Ngay từ đầu có 70% số đảng viên và có 60% số người từ 18 tuổi trở lên tham gia, có hộ đóng từ 2 đến 3 cổ phần. Số vốn huy động ngày một tăng hỗ trợ tích cực sản xuất nông nghiệp của HTX và xã viên.

HTX tín dụng ra đời hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng như trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Song song với nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế, các mặt công tác khác cũng được tăng cường, phát triển đạt hiệu quả.

Công tác văn hóa xã hội, được cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, các lớp học bổ túc văn hóa được tổ chức. Các lớp phổ thông, vỡ lòng phát triển, số con em nông dân lao động đi học mỗi ngày một đông. Toàn xã có 4 lớp một, 4 lớp hai và 4 lớp ba. Số học sinh có khoảng hơn 300 em. Một lớp bổ túc văn hóa tập trung có hơn 40 học viên, đối tượng là cán bộ thôn, xã.

Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, hình thức hoạt động rất phong phú, đa dạng, ở các thôn xóm trong các buổi sinh hoạt, hội họp đều có ca hát động viên lẫn nhau, góp phần vào công tác tuyên truyền xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn xã xây dựng được 3 đội bóng chuyền ở các khu vực Lạc Long, Đại Hòa, Thắng Lợi, Liêm Trung, tổ chức thi đấu với các xã trong huyện. Xây dựng được được các đội văn nghệ: Đội chèo Khánh Thiện, đội văn nghệ Lạc Long, đội văn nghệ Liêm Trung... đi diễn ở nhiều nơi, đặc biệt đi biểu diễn ở Khoan Dụ được nhân dân ca ngợi.

 Ban Y tế xã được thành lập gồm có 3 người, do ông Bùi Ngọc ứng, y tá làm Trưởng ban. Phong trào vệ sinh phòng bệnh được toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng tham gia như ăn chín, uống sôi, “Sạch làng, tốt lúa” đường làng ngõ xóm được phân chia quét dọn sạch sẽ. Tủ thuốc gia đình, giếng khơi, hố xí, nhà tắm hợp vệ sinh từng bước được hình thành mỗi năm số lượng một tăng.

Trong năm, Xích Thổ cử 6 đồng chi đi dự lớp tập huấn quán triệt nhiệm vụ phục hồi kinh tế nông nghiệp sau chiến tranh; Học tập lời kêu gọi thi đua ái quốc, thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ (ngày 18 tháng 8 năm 1956) nhân dịp hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất của Hồ Chủ tịch, thư của ủy ban liên lạc công giáo gửi giáo dân toàn quốc, do Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức. Sau hội nghị, tỉnh lấy 2 xã Gia Hưng, Gia Vượng (huyện Gia Viễn) để chỉ đạo về thực hiện kế hoạch Nhà nước. Chi bộ Xích Thổ theo hướng dẫn của Huyện ủy, lãnh đạo nhân dân học tập chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Xây dựng HTX nông nghiệp ở nông thôn theo 3 nguyên tắc “quản lý dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi”, tuyên tuyền giáo dục con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội và quyền lợi của nông dân khi thực hiện sản xuất theo kế hoạch Nhà nước.

Hơn 3 năm thực hiện các nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành cải cách ruộng đất, bước đầu phát triển văn hóa xã hội, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ngày được hoàn thiện. Chi bộ và nhân dân Xích Thổ nhiều lần được cấp tỉnh và huyện biểu dương, khen thưởng.

II. THỰC HIỆN CÔNG CUỘC CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, BƯỚC ĐẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA (1958 - 1960)

Sau hơn 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi kinh tế giành nhiều thắng lợi, cuộc sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày một tăng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Xích Thổ phấn khởi, hăng hái bước vào công cuộc cải tạo XHCN. Xây dựng miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời làm hậu thuẫn cho đồng bào miền Nam, tiến hành đấu tranh thống nhất đất nước.

Tháng 11 năm 1958, Hội nghị lần thứ 14 (khóa II) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cải tạo XHCN ở miền Bắc trong 3 năm (1958 - 1960).

1. Đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp và công nghiệp, lấy nông nghiệp làm chính, đồng thời chú trọng sản xuất công nghiệp, nhằm giải quyết vấn đề lương thực, tăng thêm các tư liệu sản xuất và chú trọng các mặt hàng tiêu dùng.

2. Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo Chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh.

3. Trên cơ sở phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật, tinh thần của nhân dân, nhất là người dân lao động và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo XHCN, Xích Thổ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Là một xã thuần nông, nền nông nghiệp còn lạc hậu, phân tán, manh mún, nay muốn sản xuất phát triển theo kế hoạch phải đưa nông dân từ làm ăn cá thể vào tập thể có tổ chức. Đây là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, “ai thắng ai” giữa hai con đường tập thể và cá thể. Song, với truyền thống cách mạng, giai cấp nông dân Xích Thổ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành người chủ thực sự ở nông thôn, ngày đêm hăng hái lao động sản xuất xây dựng cuộc sống đổi thay hàng ngày.

Trong công cuộc cải tạo XHCN, Đảng ta cũng đã chỉ rõ những khó khăn thách thức: Đánh đổ đế quốc và phong kiến là vô cùng khó khăn và nhiều hy sinh. Nhưng để thắng đói nghèo lạc hậu, cải tiến nền kinh tế cá thể, manh mún, thủ công thành nền kinh tế XHCN, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc còn khó khăn gian khổ hơn nhiều. Đối với Xích Thổ, ngoài những khó khăn chung còn có những khó khăn riêng đó là địa hình địa lý tự nhiên không thuận lợi, một xã ở một vùng bán sơn địa “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng” hệ thống thủy lợi tưới tiêu không có, chưa có sản phẩm hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tuy được cải thiện nhưng còn rất nghèo.

Cùng lúc đó, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam bước vào giai đoạn mới. Chúng công khai thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài, tiến hành tố Cộng, tàn sát thường dân vô tội và những người kháng chiến cũ, thi hành Luật 10 - 59 nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam. Đồng thời tăng cường tung gián điệp biệt kích để phá hoại miền Bắc, với tham vọng lấp sông Bến Hải để “Bắc tiến”.

Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn trong tình hình mới, chi ủy xác định sự lãnh đạo của Đảng là khâu quyết định trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời coi trọng công tác cán bộ, công tác xây dựng chi bộ, các tổ chức đoàn thể vững mạnh.

Tháng 10 năm 1958, Chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ 12. Đại hội quán triệt đường lối cải tạo XHCN, thảo luận nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 3 năm (1958 - 1960). Xác định nhiệm vụ cơ bản của chi bộ là lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển HTX mua bán, HTX tín dụng đủ mạnh để hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội với phương châm vừa cải tạo, vừa xây dựng, cải tạo để đẩy mạnh xây dựng, xây dựng để cải tạo mạnh hơn, vững chắc hơn. Đại hội đã bầu ra Ban chi ủy mới gồm: 11 ủy viên, đồng chí Hoàng Hữu Thân được bầu làm Bí thư chi bộ.

Sau Đại hội, chi bộ phân công chi ủy viên và chọn một số cán bộ, đảng viên có năng lực xuống các khu vực thôn xóm, tổ chức cho nhân dân học tập về “hai con đường” làm ăn cá thể riêng lẻ và làm ăn tập thể, để nhân dân thảo luận nói lên những nhận thức cũng như ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp sức lực của mỗi người vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp

 Với khí thế mới, cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đề ra. Chi bộ chỉ đạo, lấy thôn Minh Hồng làm điểm xây dựng HTX nông nghiệp, sau đó rút kinh nghiệm từ thực tế để tiếp tục chỉ đạo nhân rộng. Toàn xã có 80% số hộ trong xã đã tham gia vào HTX. Hầu hết cán bộ đảng viên đều gương mẫu đi đầu và vận động người thân và nhân dân thực hiện. Các HTX tổ chức sản xuất làm ăn có nền nếp, đạt hiệu quả cao, thể hiện tính hợp lý và ưu việt hơn hẳn so với tổ đổi công. Qua thực tế, nông dân tin tưởng vào làm ăn tập thể. Nhiều thôn, xóm đến cuối năm 1959 có 98% hộ nông dân vào HTX.

Xích Thổ được cử 7 đại biểu[22] về dự hội nghị ở tỉnh Ninh Bình tổng kết công tác sản xuất vụ đông và học tập lời dạy của Hồ Chủ tịch về sản xuất nông nghiệp, nhân dịp Người về thăm phong trào sản xuất ở tỉnh Ninh Bình.

Phong trào HTX nông nghiệp mở ra khả năng mới để thực hiện từng bước cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật trong nông nghiệp, làm cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Đó là điều kiện cơ bản để hình thành giai cấp nông dân tập thể.

Trong quá trình cải tạo nông nghiệp bằng con đường hợp tác hóa, cơ sở vật chất của HTX được xây dựng. Đội ngũ cán bộ quản lý từng bước được đào tạo và trưởng thành. Chi ủy, chi bộ có thêm kinh nghiệm lãnh đạo HTX.

Song song với sự phát triển HTX nông nghiệp, HTX tín dụng và HTX mua bán có bước phát triển mới. Trên 85% số hộ nông dân vào HTX mua bán, có cửa hàng đặt tại nơi trung tâm xã. Công tác quản lý kinh doanh có hiệu quả, các nhu cầu phục vụ sản xuất như phân bón, cầy bừa, cuốc thuổng, dao liềm... và các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của dân từng bước được đảm bảo, người nông dân không phải đi xa để mua bán. HTX tín dụng có 95% số hộ tham gia. Số vốn huy động năm 1960 tăng gấp 7 lần so với năm 1959. Cả hai HTX tín dụng và HTX mua bán đều có tác dụng lớn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và đời sống của nhân dân.

Cùng với việc thành lập các HTX nông nghiệp, xã còn tổ chức thành lập các đội ngành nghề bao gồm số xã viên có tay nghề như thợ mộc, thợ xây, thợ rèn, người làm gạch, nung vôi... và chia thành từng tổ chuyên môn do Ban quản trị HTX nông nghiệp chỉ đạo. Số dân làm nghề chài lưới ở xóm Thắng Lợi tổ chức đội vận tải đường sông. Đặc biệt, chi bộ Đảng và chính quyền xã đã huy động toàn dân tham gia xây trạm xá, tại trung tâm xã có phòng làm việc, ăn nghỉ, trực của nhân viên, phòng bệnh nhân, phòng sản phụ và khu vệ sinh công cộng... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân.

Công cuộc cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế căn bản hoàn thành. Hình thái kinh tế - xã hội mới được xác lập, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, toàn dân đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất xây dựng quê hương.

Ngày 19 tháng 01 năm 1959, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở hội nghị phát động phong trào phản đối Mỹ - Diệm gây ra vụ thảm sát hơn 1.000 người dân vô tội ở nhà tù Phú Lợi, chỉ trong 10 ngày (20 đến 30 tháng 1) Xích Thổ có hơn 1.000 người tập trung về xã để lên án giặc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, biểu thị lòng căm thù giặc sâu sắc, biến đau thương thành hành động cụ thể, từ cụ già đến trẻ nhỏ ai làm được việc gì để ủng hộ đồng bào miền Nam đều hăng hái tham gia. Toàn xã đã ủng hộ 5.410 ngày công đào mương chống hạn trị giá 649.200 đồng và 215 gia đình ủng hộ bằng tiền được 234.500 đồng (tổng số tiền là 883.700 đồng), cùng với nhân dân trong huyện ủng hộ đồng bào miền Nam. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp toàn dân hưởng ứng phong trào thi đua “vì miền Nam ruột thịt”, trong sản xuất nông nghiệp làm theo kỹ thuật mới, cấy dầy vừa phải, bón phân làm cỏ đúng thời kỳ phát triển của cây lúa. Đoàn thanh niên làm ruộng thí nghiệm hướng dẫn các đội sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cải tiến 400 cái cầy chìa vôi thành cầy 51.

Phong trào “sạch làng tốt lúa” ở khắp thôn xóm được duy trì. Hơn 300 mẫu bèo hoa dâu do Hội phụ nữ đảm nhận phát triển tốt. Công trình thủy lợi làm theo lời dạy của Bác Hồ được phát động và triển khai, mặc dù hạn hán xảy ra gay gắt song cả xã đã cấy hết diện tích lúa và trồng mầu đạt 100% kế hoạch.

Tháng 12 năm 1959, xây dựng 9 HTX nông nghiệp và 1 HTX ngư nghiệp. Bao gồm:

1. HTX Đức Thành, ông Hoàng Kim Phan làm chủ nhiệm.

2. HTX Minh Hồng, ông Nguyễn Văn Chuân làm chủ nhiệm.

3. HTX Liên Minh, ông Nguyễn Đình Lãm làm chủ nhiệm.

4. HTX Lạc Long, ông Nguyễn Xuân Kỳ làm chủ nhiệm.

5. HTX Đại Hòa, ông Bùi Văn Khoan làm chủ nhiệm.

6. HTX Trung Chính, ông Đinh Quang Cai làm chủ nhiệm.

7. HTX Hồng Quang, ông Nguyễn Văn Roãn làm chủ nhiệm.

8. HTX Hùng Sơn, ông Đinh Quang Trưng làm chủ nhiệm.

9. HTX Quyết Thắng, ông Vũ Văn Phiên làm chủ nhiệm.

10. HTX Ngư nghiệp Thắng Lợi, ông Trần Văn Đôi làm chủ nhiệm.

Đầu năm 1960, hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng 30 năm ngày thành lập Đảng, 15 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 70 năm ngày sinh Bác Hồ, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, Chi bộ phát động phong trào trồng cây phủ xanh đồi trọc. Hàng ngàn cây được các cụ phụ lão trồng dọc 2 bên đường 59B. Đoàn thanh niên, lực lượng dân quân du kích trồng hơn một vạn khóm tre bao quanh 3 xứ đồng: Đồng Nhan, Đồng Tráng, Đồng Chăn, dọc theo sông Bôi để chống lũ.

Ba năm thực hiện cải tạo XHCN (1958 - 1960), Xích Thổ vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch Nhà nước, của tỉnh, của huyện giao.

Phong trào “ba ngọn cờ hồng”[23] phát triển mạnh mẽ, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phong trào chống hạn và làm thủy lợi. Các hoạt động văn hóa xã hội đạt kết quả tốt. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế... Bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân Xích Thổ thay đổi từng ngày. Đó là những điều kiện thuận lợi cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn tiếp theo.

III. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961 - 1965)

Quán triệt nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng thực hiện kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình[24] lần thứ 8 và Đại hội Đảng bộ huyện Gia Viễn[25] lần thứ 6, với tư tưởng chỉ đạo “phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc. Tập trung phát triển cây lương thực chủ yếu là cây lúa”, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, phát triển công nghiệp địa phương hướng vào phục vụ nông nghiệp, ra sức phát triển văn hóa, y tế, giáo dục. Tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Mục tiêu sau 5 năm đưa mức sống của nhân dân ngang mức sống trung nông với chỉ tiêu lương thực bình quân 450 kg/người/ năm kể cả hoa màu được quy ra thóc.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm, Đảng bộ Xích Thổ đã tiến hành 3 kỳ Đại hội (14, 15, 16). Đặc biệt, Đại hội lần thứ 14 ngày 25 tháng 10 năm 1960, chi bộ xã Xích Thổ đã đủ mọi điều kiện cần thiết theo quy định của Điều lệ Đảng, được cấp ủy cấp trên quyết định thành lập Đảng bộ xã Xích Thổ. Tại Đại hội này, đồng chí Hoàng Hữu Chuân được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ xã.

Mùa xuân năm 1961, Đảng bộ tổ chức học tập cuộc vận động xây dựng Đảng bộ tiên tiến, đảng viên gương mẫu theo nội dung 4 xây[26], 4 chống[27] cho cán bộ, đảng viên nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ cách mạng XHCN, công cuộc xây dựng CNXH, kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) phát triển kinh tế xã hội và những đặc điểm của nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với khó khăn, phức tạp phải vượt qua.

Bước đầu cải tạo, xây dựng XHCN, quan hệ sản xuất mới ra đời với hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể nhưng chưa vững chắc. Nhiệm vụ đặt ra là củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, mang tính quyết định đảm bảo thắng lợi cho cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trong nông nghiệp. Hình thức HTX nông nghiệp được xây dựng, còn ở trình độ thấp, quy mô nhỏ, còn đơn giản. Công tác quản lý có nhiều lúng túng bỡ ngỡ. Đội ngũ cán bộ làm kinh tế chưa có đủ lại thiếu kiến thức quản lý điều hành, thiếu kinh nghiệm tổ chức thực hiện. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ xác định phải tập trung tăng cường công tác cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Quán triệt chủ trương hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thủy lợi và khẳng định: Không có thủy lợi để chống hạn, chống úng ở Xích Thổ thì sẽ không có mùa vụ. Các ngành kinh tế khác phải gắn nhiệm vụ cải tạo XHCN với nhiệm vụ thủy lợi. Vụ chiêm năm 1962, bị hạn nặng. Hàng trăm thanh niên nam nữ, dân quân du kích cùng các cụ phụ lão, hội phụ nữ cũng được huy động chống hạn cứu lúa với 3.781 ngày công, đào đắp được 12 con ngòi và mương máng với tổng chiều dài 7.800m. Đặc biệt là làm được con mương Đồng Nhan và làm máng qua sông Bôi lấy nước từ hang Đá Cay chảy sang. Vinh dự cho Đảng bộ và nhân dân xã Xích Thổ được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Tố Hữu, ủy viên Trung ương Đảng, về thăm động viên phong trào và động viên toàn dân tích cực chống hạn cứu lúa.

Trong đợt chống hạn, Đoàn thanh niên Xích Thổ được Trung ương Đoàn tặng lá cờ mang dòng chữ “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ được ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình tặng cờ và bằng khen. Tháng 12 năm 1962, Thường vụ Huyện ủy Gia Viễn chuẩn y, xã Xích Thổ hợp nhất 10 HTX cấp thấp thành lập 1 HTX bậc cao. Huyện ủy Gia Viễn cử đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Huyện ủy viên trực tiếp về chỉ đạo.

Sau khi hợp nhất, HTX kiện toàn các ban kiểm soát, tài chính kế toán. Nâng cao chất lượng 3 khoán, tăng cường quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý sản xuất và lập kế hoạch sản xuất cho từng vụ, từng năm. Nhanh chóng đưa công tác tài vụ kế toán vào nền nếp. Nâng cao tinh thần làm chủ của xã viên, thực hiện dân chủ trong quản lý. Đảm bảo tính công minh, tạo điều kiện phát triển sản xuất và từng bước thực hiện tái sản xuất mở rộng. Mặt khác, Đảng ủy cử một số cán bộ đảng viên có triển vọng đi học lớp quản lý HTX do tỉnh mở, nên chất lượng quản lý được nâng lên, củng cố niềm tin của xã viên.

Quy mô sản xuất ngày được mở rộng, các đội chuyên được thành lập. Đội thủy lợi có hơn 40 lao động, đội chăn nuôi có hơn 30 lao động chia làm 3 tổ: tổ nuôi bò, tổ nuôi lợn, tổ chăn dê. Một đội xây dựng gồm các tổ: rèn, sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát đá, một số tổ ngành nghề khác như: may mặc, cắt tóc...

Đánh giá phong trào HTX nông nghiệp, Đảng ủy khẳng định: Phong trào phát triển tốt, cả bề rộng và chiều sâu, phát huy được tính ưu việt trong phương thức làm ăn mới. Sản xuất phát triển, thu nhập của tập thể và xã viên ngày một tăng, cơ sở vật chất ngày một bổ sung hoàn thiện. Quỹ tích lũy để tái mở rộng sản xuất, đóng góp với Nhà nước ngày một tăng, do HTX nông nghiệp xác định được phương hướng sản xuất đúng. Kế hoạch sản xuất được xây dựng cân đối, toàn diện phù hợp với khả năng thực tế. Do đó diện tích năng suất lúa, mầu, cây công nghiệp (thuốc lá) đều tăng từ 10-20% so với trước, hệ số sử dụng đất đạt từ 1,5 đến 1,7 lần, ngày công xã viên đạt từ 200 đến 230 ngày công/năm, giá trị ngày công tăng.

HTX tín dụng và HTX mua bán được mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động. Các loại hàng hóa mua vào bán ra phù hợp, thiết thực với đời sống của nhân dân và nhu cầu phát triển sản xuất. HTX tín dụng tăng nguồn thu tiền gửi quỹ tiết kiệm trong dân, góp phần tích cực chống bọn đầu cơ cho vay nặng lãi. Giải quyết cho nhiều hộ vay mua lợn, gà, trâu, bò về chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong năm 1962, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) và Huyện ủy Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), đã tổ chức kết nghĩa giữa xã Xích Thổ và trường học con em các dân tộc miền Nam học tập ở thị trấn Chi Nê - Lạc Thủy. Đây là dịp để học viên thấy được thực tế miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà Xích Thổ là nơi có truyền thống cách mạng, có nhiều phong trào điển hình tốt. Qua giao lưu tiếp xúc với học viên, thấy được tinh thần cần cù, sáng tạo, đấu tranh kiên cường của đồng bào miền Nam thông qua con em họ sống trên đất Bắc. Đối với các thầy cô giáo của 3 trường (cấp 1, cấp 2 của xã và trường dân tộc miền Nam), thông qua hoạt động kết nghĩa để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục cho học sinh ý thức, tinh thần đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau đó nhà trường tổ chức nhiều lần cho hàng trăm học sinh xuống thực tế ở Xích Thổ giúp dân gặt lúa, làm đường giao thông, thủy lợi... Đảng ủy Xích Thổ tổ chức cho cán bộ, giáo viên của xã nhiều lần lên trường giao lưu và trồng cây lưu niệm. Xã còn cung cấp thực phẩm cho nhà trường với giá được giảm 1/3 so với giá quy định. Phong trào thi đua “vì miền Nam ruột thịt” được phát động sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Năm học 1965 - 1966, Đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trường học sinh các dân tộc miền Nam bị máy báy Mỹ ném bom, bắn phá, trường phải đi sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời cũng là năm kết thúc khóa học, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, đa số họ trở về quê hương hoạt động và công tác, một số người ra trường chuyển đi làm công tác khác nên hoạt động kết nghĩa cũng kết thúc.

Năm 1964, Trung ương mở cuộc vận động “cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật” Huyện ủy Gia Viễn đã quán triệt nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 70 của Bộ Chính trị (khóa 3) và ra Nghị quyết 07 để chỉ đạo thực hiện. Đảng bộ Xích Thổ tiến hành học tập quán triệt cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Đối với những HTX có từ 700 hộ trở lên là quá sức so với thực tế, là chưa đủ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đưa HTX phát triển, nên đã xảy ra tình trạng trì trệ đình đốn trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Đảng bộ đã thống nhất chuyển đổi củng cố HTX nông nghiệp, lúc đầu nhiều ý kiến đã yêu cầu trả lại 9 HTX nông nghiệp như cũ, cuối cùng đi đến thống nhất để 7 HTX là hợp lý:

1. HTX Minh Thành (gồm Đức Thành và Minh Hồng), ông Hoàng Kim Phan làm chủ nhiệm

2. HTX Liên Minh, ông Nguyễn Văn Hý làm chủ nhiệm.

3. HTX Lạc Long, ông Nguyễn Văn Thỉnh làm chủ nhiệm.

4. HTX Hồng Quang, ông Nguyễn Văn Roãn làm chủ nhiệm.

5. HTX Liêm Chính, ông Đinh Quang Cai làm chủ nhiệm (gồm Đại Hòa và Trung Chính).

6. HTX Hùng Sơn, ông Nguyễn Văn Xương làm chủ nhiệm.

7. HTX Quyết Thắng do ông Đinh Phúc Loan làm chủ nhiệm (gồm Quyết Thắng và Thắng Lợi).

Củng cố xong 7 Ban quản lý HTX, cán bộ chuyên môn (tài vụ, kế toán), cán bộ đội sản xuất về huyện tập huấn công tác quản lý và điều hành sản xuất của HTX. Các HTX bước đầu thực hiên đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo. Xã viên được dân chủ bàn bạc, thảo luận phương hướng kế hoạch sản xuất của HTX. Đội sản xuất thực hiện phân công lao động, phân phối sản phẩm theo phương án của HTX.

Cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, từng bước nâng cao năng lực quản lý điều hành, nâng cao năng suất lao động. Vụ chiêm năm 1964, toàn xã cấy hết diện tích, tăng hơn vụ trước 25 mẫu. Đời sống nhân dân được nâng cao hơn trước. Cuộc vận động cải tiến HTX thu được nhiều kết quả.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được cũng còn nhiều yếu kém, trong tổ chức thực hiện, trong lãnh đạo, chỉ đạo còn nặng về hình thức, bộc lộ sự yếu kém trong công tác quản lý. Do vậy, năng suất lao động tăng chậm, giá trị ngày công của xã viên không ổn định có những vụ ngày công lao động quá thấp chỉ còn 0,6 đến 0,8 đồng/ngày[28]. Hiện tượng “chân ngoài dài hơn chân trong” của một số xã viên có ở cả trong 7 HTX, trong đó có HTX Quyết Thắng, có số xã viên ở HTX Thắng Lợi (cũ) hầu hết bỏ ruộng, đi làm chài lưới. Một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của xã viên, tình trạng tham ô lãng phí của tâp thể cũng đã xuất hiện. Ngoài những thiếu sót trên, nền sản xuất nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, thiếu vững chắc, chưa tạo ra được cây công nghiệp nào khác có giá trị kinh tế cao, ngoài cây thuốc lá thích ứng với đất đai của vùng bán sơn địa.

Công tác giao thông, thủy lợi được đầu tư quan tâm đúng mức, góp phần tích cực giải phóng đôi vai người lao động. Từ năm 1961 đến năm 1965, nhân dân toàn xã làm được 7 con đường, tổng chiều dài 16.000m từ làng ra đồng. Xe thô sơ vận chuyển phân bón ra đồng, chở nông sản về nhà được thuận lợi. Trong đó con đường từ Đồi Thông đi qua Liên Minh, Lạc Long ra Đồng Nhan, Cống Thà, Cống Vối, Khả Luật, Liêm Trung dài trên 3.100m. Con đường từ đường 59B vào Bơ Cao qua Hùng Sơn, Hồng Quang đến Quèn Danh dài hơn 2.500m... Giao thông và thủy lợi Xích Thổ đã đào đắp được: 16.000m đường giao thông, trên 25.740m kênh mương, đào đắp 14 ao đầu sốc trữ được hơn 12 triệu m3 nước. Tạo nền tảng cơ sở hạ tầng của xã, từng bước hạn chế được tình trạng hạn, úng tạo điều kiện chủ động trong sản xuất nông nghiệp.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được chi ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Năm học 1960 - 1961, ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình có quyết định thành lập Trường phổ thông nông nghiệp xã Xích Thổ, đặt tại đồi Chùa Liêm Thượng cạnh đường 59B do ông Hoàng Đình Dư làm Hiệu trưởng. Trường có 1 lớp 5 trên 30 học sinh của các xã Xích Thổ, Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường và Gia Sơn. Năm học 1962 - 1963, trường có 5 lớp: 2 lớp 5, 2 lớp 6 và 1 lớp 7 trên 200 học sinh. Nhà trường đã có nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến, đứng đầu các trường phổ thông nông nghiệp toàn tỉnh. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Nhĩ về thăm, trao đổi kinh nghiệm dạy và học của loại trường này. Trường có cơ sở vật chất khá đầy đủ: 1 mẫu 2 sào ruộng cấy lúa trồng mầu, 3 mẫu đất đồi để thực hành kỹ thuật. Các em học sinh còn quản lý việc chăn nuôi lợn, gà ngay tại trường.

Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Trạm y tế xã đã có đủ y sỹ, y tá, nữ hộ sinh làm việc trong ngày, thường trực về đêm và các ngày nghỉ lễ tết. Các cụ lương y được mời ra làm việc tại trạm, tự khai thác, sản xuất thuốc bằng nguồn dược liệu tại địa phương để chữa bệnh cho nhân dân. Được sự giúp đỡ của Ty Y tế Ninh Bình, Phòng Y tế huyện Gia Viễn, trạm đã thường xuyên tổ chức khám bệnh định kỳ và xây dựng hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân. Hệ thống y tế từ xã xuống thôn, xóm được củng cố, mỗi thôn xóm đều có một vệ sinh viên. Trạm Y tế xã Xích Thổ vinh dự được ủy ban Hành chính tỉnh và Bộ Y tế tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên tuyền, phong trào xây dựng thôn xóm văn minh gia đình văn hóa, được triển khai tổ chức thực hiện tốt, tổ thông tin tuyên truyền của xã do ông Bùi Đình Lý phụ trách, mang đài xuống từng đội sản xuất, tập trung bà con xã viên đến nghe tin tức thời sự và phổ biến chủ trương nhiệm vụ của xã. Hằng ngày, các phát thanh viên của từng khu vực dùng loa phát thanh phát đi các bản tin về kinh tế - xã hội trong và ngoài xã, những tin chiến thắng của đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Phong trào đọc sách báo, xây dựng tủ sách gia đình phát triển. Nhiều gia đình có 30 - 40 đầu sách. Xích Thổ là một trong 3 xã được ủy ban Hành chính huyện Gia Viễn tuyên dương xã có trên 80% số hộ dân đi xem chiếu bóng tự giác bỏ tiền vào hòm đựng tiền.

Trong quá trình phấn đấu, Đảng bộ Xích Thổ được huyện ủy, tỉnh ủy công nhận là Đảng bộ tiên tiến, Đảng bộ 4 tốt. 75% đảng viên được bình bầu là đảng viên gương mẫu và 4 tốt. Đảng bộ đã kết nạp 60 quần chúng ưu tú vào Đảng và cũng đã thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, ngại khó khăn trong công tác.

Chính quyền, các đoàn thể quần chúng được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Đảm bảo đủ sức lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đoàn thanh niên xã Xích Thổ được Trung ương Đoàn tặng cờ và Bằng khen. Từ năm 1961 đến năm 1965, đều được Tỉnh đoàn Ninh Bình tặng Bằng khen và thưởng hiện vật.

Hội Phụ nữ xã có nhiều chị em đạt tiêu chuẩn thi đua 5 tốt, hàng năm được tỉnh và huyện tặng bằng khen và giấy khen.

Mặt trận Tổ quốc xã trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo xã hội chủ nghĩa, các thành viên của mặt trận luôn luôn đi đầu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây nơi công cộng, ven đường làng, đường quốc lộ của các cụ phụ lão được ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen.

Nhiệm vụ xây dựng an ninh quốc phòng được quan tâm đặc biệt. Toàn xã tổ chức một đại đội du kích tập trung, mỗi thôn một trung đội. Hàng năm được tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị tư tưởng theo nội dung của huyện quy định. Đăng ký nghĩa vụ quân sự theo độ tuổi, hàng năm đảm bảo 100%. Công tác tuyển quân năm nào cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu trên giao. Tính đến tháng 12 năm 1965, Xích Thổ đã giao được 197 thanh niên nhập ngũ. Riêng năm 1965, nhập ngũ 76 người, vượt 12% kế hoạch, được tặng cờ thi đua 3 nhất và 1 khẩu súng. Ban công an xã xây dựng phương án trị an, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sản xuất, bảo vệ đời sống nhân dân.

ở miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân tiến hành Chiến tranh Cục bộ. Mỹ còn sử dụng không quân đánh phá miền Bắc, dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” vào ngày 5 tháng 8 năm 1964 để mở rộng chiến tranh ra các tỉnh miền Bắc.

Ngày 27 tháng 7 năm 1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, thực hiện chủ trương của tỉnh ủy, huyện ủy chuyển hướng mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ thời bình chuyển sang thời chiến. Đẩy mạnh công tác phòng không sơ tán, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Trải qua 5 năm (1961 - 1965), Đảng bộ Xích Thổ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đảng bộ có thêm kinh nghiệm, lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo phương thức sản xuất mới. Chính quyền được củng cố, ngày một vững chắc, lực lượng sản xuất ngày một phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tạo đà cho các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội phát triển, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch và nghĩa vụ đối với Nhà nước.

IV. VỪA SẢN XUẤT VỪA CHIẾN ĐẤU, CHI VIỆN TIỀN TUYẾN (1965 - 1975)

Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, cả miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra. Đứng trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 1965, huyện ủy liên tiếp mở các lớp huấn luyện cho cán bộ Đảng ủy và trưởng các ngành các giới của xã. Đồng thời, ra nghị quyết “vừa đẩy mạnh sản xuất vừa phải đương đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc, vừa tích cực chi viện cho miền Nam”. Ngày 14 tháng 5 năm 1965, Tỉnh ủy Ninh Bình ra nghị quyết, có nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cách mạng mới đó là: Trước hết ổn định về tổ chức, kiên định về lập trường tư tưởng, chuyển hướng xây dựng kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, song song với việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm giành thắng lợi, trong bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, Đảng bộ xã Xích Thổ tổ chức đợt sinh hoạt chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động, với ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Không quân Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó có một số khu vực thuộc huyện Gia Viễn, Nho Quan tỉnh Ninh Bình và thị trấn Chi Nê tỉnh Hòa Bình, cả ban ngày lẫn ban đêm. Chúng luôn thay đổi thủ đoạn và quy luật đánh phá, gây khó khăn bất ngờ cho ta. Ngày 27 tháng 7 năm 1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Xích Thổ nhanh chóng chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Đẩy mạnh công tác phòng không sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đảng ủy xã chỉ đạo tổ chức cho các trường học phải sơ tán[29] đào đủ hầm trú ẩn, đường giao thông hào, bảo đảm an toàn cho học sinh. Những nơi đông người như chợ, cửa hàng mua bán, bến đò, hai bên quốc lộ 59B và ở mỗi gia đình có từ 2 - 3 hầm trú ẩn. Trụ sở ủy ban xã sơ tán về thôn Hồng Quang[30]. Trạm y tế sơ tán về một số khu vực ở các thôn: Liên Minh, Hùng Sơn, Trung Chính, Quyết Thắng. Sau 50 ngày đêm phát động, với trên 3.000 ngày công lao động, toàn xã đã đào được 1.544m giao thông hào, 1.363 hầm trú ẩn. Trồng trên 3.700 cây ven đường để ngụy trang. Ban chỉ huy xã đội tổ chức một vọng gác phòng không ở đỉnh Đồi Sông báo động khi có máy bay địch đến để phòng tránh, báo yên khi máy bay địch đi để nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Theo chỉ đạo của Huyện đội Gia Viễn, lực lượng dân quân du kích xã là “pháo đài” chống Mỹ. Ngoài lực lượng đã xây dựng, xã thành lập một trung đội phòng không cao xạ có 2 tiểu đội, 1 tiểu đội nam, 1 tiểu đội nữ, quân số có 37 cán bộ chiến sỹ được huyện đội trang bị 3 khẩu 12 ly 7 và 15 súng trường, được huấn luyện kỹ, chiến thuật bắn máy bay tầm thấp. Trung đội làm nhiệm vụ tập trung 24/24 giờ, được HTX chi công điểm. Để có trận địa vững chắc, đảm bảo bí mật bất ngờ, trong suốt 3 ngày 3 đêm xây dựng trận địa ở Đồi Ma, Đồi Sông, Đồi Mả Quan... toàn xã đã huy động 1.052 lượt dân quân đào đắp xây dựng trận địa. Phụ nữ và phụ lão chặt 1.487 gánh lá cho bộ đội tên lửa ngụy trang trận địa. Nhân dân Xích Thổ ủng hộ bộ đội hàng trăm nón chè xanh, 355 kg gạo nếp, 494 kg lợn hơi và hàng chục tút thuốc lá Điện Biên.

Trung đội phòng không cao xạ 12 ly 7 của xã, vừa mới được thành lập phối hợp với bộ đội tên lửa, đêm ngày 11 tháng 8 năm 1965, Đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay xâm phạm vùng trời Ninh Bình. Quyết tâm lập công thi đua với Lăng Ca (Yên Mô) dân quân các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm phối hợp chặt chẽ với bộ đội tên lửa đã diệt gọn một tốp 3 chiếc máy bay Mỹ (1 chiếc rơi tại chỗ). Tiếp đó, trong hai ngày 12 và 13 tháng 8 năm 1965, các đơn vị phòng không của ta đã bắn rơi 3 chiếc, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Chiến thắng này củng cố thêm lòng tin thắng Mỹ của Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ.

 Năm 1967, tỷ lê dân quân du kích, sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp chiến đấu đạt 15% so với dân số. Cùng với lực lượng dân quân du kích, lực lượng an ninh trật tự xã hội cũng được tăng cường, đảm bảo thôn xóm an toàn, giữ được cuộc sống bình yên, góp phần làm thất bại chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp của kẻ thù. Thực hiện Chỉ thị 96 và 125 của Trung ương Đảng, Đảng ủy động viên cán bộ đảng viên và nhân dân tham gia công tác trị an với khẩu hiệu “mỗi người dân là một công an viên”. Phong trào 3 không, 2 có, phong trào đăng ký phấn đấu gia đình 5 tốt[31], phong trào thực hiện 7 nội dung bảo vệ trị an và nếp sống thời chiến được toàn Đảng, toàn dân hăng hái tham gia. Ban Công an xã kết hợp với chính quyền vận động quần chúng đấu tranh ngăn chặn những phần tử xấu gây rối làm mất trật tự trị an, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chính quyền xã.

Đế quốc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh, leo thang đánh phá miền Bắc. Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: Toàn dân chống Mỹ, cứu nước, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Chiến tranh còn có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Lời kêu gọi của Người đã thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tăng thêm lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Phong trào thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, xung phong đảm nhiệm phần việc của người đi chiến đấu. Phong trào 3 đảm đang của phụ nữ, 3 sẵn sàng trong thanh niên, 3 chăm lo trong phụ lão. Khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được mọi người hưởng ứng và thực hiện với ý thức trách nhiệm cao nhất. Trong lực lượng vũ trang có phong trào giành danh hiệu chiến sỹ quyết thắng, đơn vị quyết thắng.

Đảng bộ chú trọng công tác tuyển quân, chi viện chiến trường, gắn với các phong trào với các cuộc vận động chính trị để mọi người tự nguyện tham gia, thực hiên “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phong trào thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam đánh Mỹ, ngày càng đông số người tham gia. Có những lá đơn viết bằng máu với lời nói cảm động thể hiện quyết tâm xin đi chiến đấu.

Đến năm 1968, qua 7 năm tuyển quân, Xích Thổ có 284 người con ưu tú lên đường nhập ngũ. Trong đó, 2 đồng chí là đảng ủy viên[32], một đồng chí là Chủ tịch ủy ban hành chính xã[33] 4 đồng chí xã đội trưởng, 16 đồng chí chi ủy viên, đội trưởng sản xuất và Ban Chấp hành các đoàn thể. Nhiều con em Xích Thổ trong chiến đấu đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, trở thành chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ.

  Trong những năm chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến (1965- 1968), Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ luôn tìm mọi cách để tăng cường tiềm năng, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Tháng 10 năm 1967, thực hiện sự chỉ đạo của huyện ủy Gia Viễn, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo hợp nhất từ 7 HTX nông nghiệp thành 2 HTX:

- HTX Minh Thành, Liên Minh, Lạc Long hợp nhất thành HTX Minh Long, ông Nguyễn Văn Hý làm Chủ nhiệm.

- HTX Hồng Quang, Liêm Chính, Hùng Sơn, Quyết Thắng hợp nhất thành HTX Liêm Chính, ông Đinh Quang Cai làm Chủ nhiệm.

Việc thực hiện thu gọn đầu mối từ 7 HTX xuống còn 2 HTX, đã giảm bớt được một số cán bộ trung gian đưa về trực tiếp sản xuất. Tuyển chọn số cán bộ có phẩm chất, có năng lực vào Ban quản lý HTX và các bộ phận kế toán, tài vụ. Các đội sản xuất, ngành nghề được hình thành, HTX Minh Long thành lập đội chăn nuôi gồm 2 tổ, tổ nuôi bò hơn 100 con ở thung Súa, tổ chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, hàng năm cung cấp cho xã viên hàng trăm con lợn giống. HTX Liêm Chính mở 1 lò sản xuất gạch - ngói, hàng năm ra lò được từ 3 đến 5 vạn viên gạch, ngói phục vụ xây dựng cơ bản của HTX và bán cho xã viên thay dần số nhà lợp tranh, rạ, thành lập đội chăn nuôi dê hơn 100 con, trên 70 con bò và 1 trại lợn cung cấp giống cho xã viên. Đội ngành nghề thợ mộc, thợ xây, thợ rèn, thợ đốt vôi, nung gạch được kiện toàn mở rộng. Hai đội thủy lợi chuyên môn của xã được thành lập làm công trình địa phương: công trình thủy lợi Nhà nước đê sông Hoàng Long.

Các HTX đã sử dụng trên 40% diện tích vào cấy lúa ngắn ngày có năng suất cao, nhằm tăng thêm vụ hè thu đối với cây lúa chiêm, tăng vụ đông đối với cây lúa mùa. Khoanh vùng để cấy lấn sâu xuống các rìa đầm, như đầm Khế, đầm Lỗu, đồng Tráng, ngòi Chăn... đồng ruộng được quy hoạch và cải tạo, công cụ lao động như cày bừa, cào cỏ được cải tiến, mua thêm một số máy bơm dầu, máy vò lúa phục vụ cho các đội sản xuất. Hệ thống kênh mương được tu bổ, từng bước hoàn thiện phát huy hiệu quả chống hạn cho 2 vụ lúa chiêm, lúa mùa và cây mầu, bảo đảm gieo trồng đúng thời vụ. Diện tích hằng năm được mở rộng, năng suất các loại cây trồng mỗi năm tăng từ 4,5 đến 4,7 tấn.

Cơ sở vật chất được tăng cường, xây dựng 15 sân phơi và nhà kho, 32 lò sấy thuốc lá. Các chuồng trại chăn nuôi được củng cố và mở rộng. Các tổ, đội chuyên được bổ sung thêm lao động, tay nghề được nâng lên. Quan hệ sản xuất được củng cố. Công tác quản lý đi vào nề nếp, cơ cơ sở vật chất ngày càng phát triển. Phương hướng sản xuất được điều chỉnh, bổ sung, ngành nghề được giữ vững, lao động từng bước được phân công phù hợp.

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã mãi mãi đi xa. Sự ra đi của Người là một tổn thất vô cùng lớn lao đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn với Người, ngày 06 tháng 9 năm 1969, Xích Thổ đã cử đoàn đại biểu thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã về tỉnh dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện di chúc thiêng liêng của Người và lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, biến đau thương thành hành động cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đoàn kết chặt chẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, dồn sức cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tiến quân vào mặt trận thủy lợi, làm phân bón, làm ruộng tăng sản, chăm lo tổ chức sản xuất, xây dựng định mức lao động và thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý sản xuất, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Xây dựng, tu bổ nâng cấp một số ao, hồ, kênh mương nội đồng phục vụ cho tưới tiêu.

Sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1972, có 10 nhà trẻ với 460 cháu; 8 lớp mẫu giáo với 350 cháu. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân du kích được chú trọng cả về chất lượng và số lượng. Đảng ủy quyết định tất cả đảng viên còn trong độ tuổi nghĩa vụ đều tham gia dân quân du kích. Bảo đảm duy trì quân số 15% so với tổng dân số. Các đại đội, trung đội dân quân xã, thôn thường xuyên được kiện toàn. Công tác tuyển quân từ 1968 đến 1972, có 262 thanh niên lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, Xích Thổ đều vượt chỉ tiêu từ 1% trở lên.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng ủy xác định là nhiệm vụ then chốt. Ngoài việc giáo dục rèn luyện đảng viên theo tiêu chuẩn đảng viên 4 tốt, Đảng ủy còn tập trung chăm lo bồi dưỡng, phân công đảng viên giúp đỡ đoàn viên thanh niên và các đối tượng ngoài đảng hiểu rõ mục tiêu lý tưởng của Đảng, hướng họ rèn luyện phấn đấu để trở thành những Đảng viên của Đảng. Trong 10 năm 1965 - 1975, Đảng bộ đã kết nạp được hơn 100 đảng viên đảm bảo yêu cầu về chất lượng (trong đó có 17 đảng viên lớp Hồ Chí Minh).

Đi đôi với việc phát triển đảng viên mới, việc giáo dục, giúp đỡ những đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật kém được Đảng bộ chú trọng, được làm thường xuyên dưới nhiều hình thức: gặp gỡ động viên đối với đảng viên có những thiếu sót nhỏ, kiểm điểm, đấu tranh phê bình những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, qua nhiều lần giúp đỡ vẫn không tiến bộ thì kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Vì vậy trong mười năm đã có 32 đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật, trong đó có 16 đảng viên phải đưa ra khỏi Đảng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn ở cả hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt quân dân miền Bắc đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham gia ký kết: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Hiệp định Paris được ký kết, tạo thời cơ để miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội, là điều kiện thuận lợi cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, sớm thống nhất đất nước. Đảng bộ Xích Thổ tập trung mọi khả năng đưa nông nghiệp từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN, nhằm giải quyết các yêu cầu cấp thiết về kinh tế, đời sống cho nhân dân. Thực hiện phong trào thi đua “vì quê hương giàu mạnh” do Tỉnh ủy Ninh Bình phát động. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Đảng bộ đã xây dựng những nhiệm vụ trước mắt sát với tình hình thực tế là: phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, trước hết làm tốt công tác thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, xây dựng cánh đồng 5 tấn, nhân chọn giống lúa mới, làm phân xanh, nuôi bèo hoa dâu, gieo mạ luống, cấy lúa thẳng hàng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tổng sản lượng lương thực năm 1974 tăng 4,6% so với năm 1973. Các đội sản xuất đạt năng suất từ 30 đến 40 tạ/ha/vụ. Diện tích trồng cây thuốc lá tăng, chất lượng cũng tốt hơn, sản lượng vượt chỉ tiêu. Cây mầu tăng cả về diện tích, năng suất. Nghĩa vụ bán cho Nhà nước 490 tấn lợn hơi, 84 tấn thóc, 312 tấn thuốc lá...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi, được kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, cả nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên CNXH, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong sự nghiệp vẻ vang, từ năm 1965 - 1975 nhân dân Xích Thổ đã tiễn đưa 1.374 người con quê hương lên đường ra tiền tuyến. Trong đó có những gia đình đã tiễn đưa người con thứ 4, thứ 5, thứ 6[34], có hai gia đình tiễn đưa người con trai duy nhất[35] và một gia đình tiễn đưa người con độc nhất[36] của mình lên đường đi chiến đấu và đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, một gia đình có 4 người con liệt sỹ[37]. Theo yêu cầu của Đảng, hàng chục thanh niên, cán bộ đã lên đường vào Nam làm nhiệm vụ

Chỉ tính riêng năm 1965 và năm 1975 Xích Thổ đã có 488 gia đình tiễn đưa 688 người con vào bộ đội chiếm tỷ lệ 15,8% so với dân số, là xã có tỷ lệ giao quân đứng đầu huyện Gia Viễn, số trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường B, C, K là 458 người. Tinh thần “Tiền tuyến cần quân như dân cần gạo” thấm sâu vào lòng người dân Xích Thổ. Trong năm 1975, một đợt giao quân đã có 79 người nhập ngũ đạt chất lượng cao, không có người đào ngũ. Xích Thổ là một trong hai xã của huyện Gia Viễn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, được tặng danh hiệu Quyết thắng 10 năm liên tục, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng 2 và hạng 3.

Tại quê hương, để giúp những người đi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc, chiến đấu ngoài mặt trận yên lòng, ngoài chế độ chính sách gia đình B, C, K theo quy định của Nhà nước, hợp tác xã hàng năm còn giải quyết điều hòa lương thực cho mỗi khẩu trong gia đình quân nhân mỗi tháng 12kg thóc (một năm là 281.085kg). Thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự cố gắng lớn của Xích Thổ đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, trong điều kiện hiện tại lúc đó còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn.

Để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, Xích Thổ thực hiện công tác an ninh, an toàn tại chỗ, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể trong xã luôn được tăng cường củng cố, thời kỳ cao điểm có hai đại đội dân quân gồm 865 cán bộ chiến sỹ, ngày đêm trực chiến, một đại đội dân quân nữ gồm 463 chị em, một đại đội Bạch đầu quân gồm 193 cụ, có 91 bà mẹ trong Hội mẹ chiến sỹ, các tổ chức thanh thiếu niên yêu nước khác...Tất cả tạo nên một thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân vững chắc. Chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của nhân dân Xích Thổ được huy động lớn lao như ở thời kỳ này, với 780 tấn thóc, 598 tấn thịt lợn hơi, 2.089 tấn thuốc lá khô, 505.000 đồng mua công trái được huy động đóng góp cho Nhà nước, 18.766 ngày công làm nhiệm vụ tải thương tải đạn, đào hầm hào, vận chuyển hàng hóa quân sự, đưa đón cán bộ, bộ đội vào Nam ra Bắc.

Song song với việc đóng góp nguồn nhân lực, vật lực cho công cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xích Thổ còn quan tâm đến các mặt đời sống văn hóa xã hội, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân, nổi bật là công tác y tế và giáo dục. Về y tế, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn, cán bộ nhân viên y tế vẫn cố gắng vươn lên hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ, Y tế Xích Thổ là đơn vị lá cờ đầu ngành y tế miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975). Vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba[38]. Ngành giáo dục đã 3 lần được Bộ Giáo dục và ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua xuất sắc.

Những thành tích của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xích Thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, bằng những phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Kháng chiến, 6 Huân chương Lao động các loại, 1.745 huân, huy chương các loại cho cá nhân, 10 gia đình được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, 96 gia đình được nhận bằng “Bảng vàng danh dự”, “Bảng gia đình vẻ vang”, 669 gia đình được nhận Bằng khen của Chính phủ, 213 gia đình liệt sỹ, thương binh là gia đình tiên tiến chống Mỹ, cứu nước, 4 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”[39]. Với khí thế cách mạng mới, nhân dân đoàn kết một lòng quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp cùng cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

CHƯƠNG IV
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976 - 2000)

I. CỦNG CỐ QUAN HỆ SẢN XUẤT TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG (1976 - 1986)

Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, nhân dân ta đã xóa bỏ ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn cách mạng mới: Cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm thực hiện trọn vẹn ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh”.

Tháng 12 năm 1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời đã thảo luận, quyết định chuyển cách mạng Việt Nam từ cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, sang thực hiện cách mạng XHCN trên phạm vi toàn quốc.

Đại hội xác định đường lối kinh tế XHCN ở nước ta “đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Kết hợp xây dựng công nghiệp với nông nghiệp, cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp, vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, kết hợp kinh tế với quốc phòng...”

 Thực hiện kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), theo Nghị quyết Đại hội 4 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ Nho Quan, Đại hội lần thứ 21 Đảng bộ xã Xích Thổ (1976 - 1979), tháng 6 năm 1976 đã hợp nhất 2 HTX nông nghiệp Minh Long và Liêm Chính thành lập HTX Minh Chính, Ban quản trị gồm 13 người, ông Nguyễn Viết Đãi làm chủ nhiệm. Bộ máy quản lý HTX được kiện toàn. Ban kiểm soát gồm 3 người, ông Bùi Đình Chuân làm trưởng ban, do xã viên bầu trực tiếp bằng phiếu kín, nhiệm kỳ 2 năm. Bộ phận giúp việc gồm 7 kế toán trung tâm và 20 kế toán vùng phụ trách các đội sản xuất, 3 thủ kho, 2 cung ứng vật tư và 1 thủ quỹ. Bộ máy quản lý có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sản xuất và quản lý trên 1.400 lao động có đủ việc làm mỗi lao động từ 250 đến 300 ngày công/năm.

HTX gồm 24 đội sản xuất cơ bản, 2 đội chăn nuôi, 3 đội chuyên làm đất, chế biến phân bón, vận chuyển. Đội thủy lợi 202 gồm 80 lao động thường xuyên bảo đảm nghĩa vụ công ích trên công trường của huyện, của tỉnh. Đội thủy nông gồm 120 lao động bảo đảm giao thông, thủy lợi nội đồng, 1 đội ngành nghề bao gồm khai thác cát, đá, thợ mộc, thợ xây. Vận chuyển đường sông gồm 120 lao động.

Tháng 5 năm 1975, Trạm bơm điện Chợ Lạc được khởi công xây dựng. Công trình được thi công với khí thế sôi nổi, hào hứng, tích cực. Lấy lực lượng thanh niên và dân quân làm nòng cốt, nên chỉ trong 12 tháng công trình hoàn thành với các hạng mục: Trạm được lắp đặt 5 máy, mỗi máy công suất 350m3/giờ, kênh cấp 1 từ trạm bơm đi ngòi Son, cống Vối và trạm 2, đê bao Đồng Nhan. Đúng 10 giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1976, nhân dân Xích Thổ phấn khởi dự lễ khánh thành. Từ vụ đông xuân 1976, 291 mẫu ruộng ở Đồng Nhan, Rậm Đống, Đầm Khoang chủ động được nước cấy cầy do trạm bơm điện cung cấp.

Sau khi HTX hoạt động ổn định, Đảng bộ tiến hành cuộc vận động chuyển số hộ dân ở dọc sông Bôi từ Trại ảnh, Trại Lở, Bến Vạn sang 3 khu vực Lạc Long, Minh Long, Liên Minh; số hộ dân ở khu vực Thắng Lợi chuyển về thôn Quyết Thắng và Trung Chính. Qua cuộc di dân này, số dân ở khắp các khu vực này thấy rõ lợi ích của tập thể và lợi ích của gia đình, hàng năm không phải chạy lũ lụt, kinh tế gia đình ổn định và đã tạo điều kiện để HTX mở rộng thêm gần 100 mẫu ruộng.

HTX nông nghiệp, đã sử dụng nguồn vốn cố định đầu tư mua 7 máy bơm dầu, trong đó có 2 máy vừa bơm nước, vừa làm đất, công tác thủy lợi trên địa bàn cơ bản đảm bảo phục vụ cho sản xuất. Năng suất lúa năm 1976 đạt 19 tạ/ha đến năm 1985 lên 30 tạ/ha, sản lượng lương thực bình quân năm 1976 đạt 180kg/người, năm 1985 đạt 270 kg. HTX tín dụng được củng cố với nhiệm vụ ủy thác (đại lý) cho Ngân hàng nhà nước cấp huyện và huy động nguồn vốn trong nhân dân (vay để cho vay) giải quyết nhu cầu vốn cho tập thể và cá nhân phát triển kinh tế. HTX mua bán bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm và thu mua nông sản, thực phẩm cho nhân dân.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất cho thủy lợi, xã còn chú trọng cử đoàn viên thanh niên có trình độ văn hóa, có tinh thần trách nhiệm đi học các trường Trung cấp nông nghiệp, thú y do tỉnh tổ chức. HTX cử 14 cán bộ đi học các lớp quản lý trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí và tổ chức các lớp tập huấn thời vụ cho hàng trăm lượt người tham gia mỗi vụ.

Hội phụ nữ hưởng ứng phong trào cấy lúa giăng dây thẳng hàng, tiếp nhận các giống cây trồng mới như thuốc lá T1, thuốc lá Bạc Liêu thay cho giống thuốc lá Ba Vì, phong trào xen canh cây khoai lang Hoàng Long vào cuối vụ thuốc lá, các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao như nông nghiệp 8, CR 203, nông nghiệp 23 thay giống lúa 314.

Đoàn thanh niên đi đầu trong phong trào nuôi bèo hoa dâu, sử dụng phân hóa học chăm bón cân đối cho cây trồng theo đúng quy trình, dùng vôi bột cải tạo đất... thay đổi một số công cụ cầm tay trong sản xuất như: thay gặt hái bằng cắt liềm, xén A, cào cỏ cải tiến sục bùn cho cây lúa để có năng suất cao.

Ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 - CT/TW về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp. Tiếp sau đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ra Thông báo số 83 về việc giải quyết một số vấn đề bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của HTX và tiến hành mở rộng hình thức (khoán theo đơn giá, thanh toán gọn), bước đầu tháo gỡ được nhiều khó khăn cho người sản xuất. Song do chính sách và cơ chế chung còn nhiều gò bó, ràng buộc người lao động, nhiều vấn đề chưa được giải quyết đồng bộ thỏa đáng, nhiều ngành nghề còn trông vào sự bao cấp của cây lúa nên phát triển không mạnh.

Mặt khác, do thiên nhiên tác động, đời sống xã viên gặp khó khăn, tình trạng khê đọng sản phẩm với HTX ở một số hộ nông dân ngày một tăng. Một bộ phận xã viên chưa thật an tâm hăng hái lao động sản xuất.

Trước tình hình đó, Đảng ủy xã phát động phong trào thi đua thâm canh vượt khoán, thâm canh gắn liền với mở rộng diện tích, năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Tổng diện tích gieo trồng năm 1982 đạt 479 ha, đến năm 1985 lên 524 ha, tăng 35 ha. Sản lượng năm 1982 đạt 970 tấn, đến năm 1983 đạt 1.158 tấn, năng suất vụ chiêm xuân năm 1976 đạt 19 tạ/ha đến năm 1983 đạt 24 tạ/ha. Năm 1984, sản lượng thuốc lá cao nhất đạt 118,8 tấn, được ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh tặng cờ thi đua. Năm 1985, bình quân lương thực 270kg/người.

Đàn trâu bò cày kéo ngày càng phát triển. Năm 1981 có 667 con, đến năm 1985 có 812 con. Từ năm 1981 đến năm 1985, Xích Thổ thu mua lương thực, thực phẩm làm nghĩa vụ cho Nhà nước 500,45 tấn thóc, 103,4 tấn thịt lợn hơi, 505,45 tấn thuốc lá sấy khô.

Đất lâm nghiệp toàn xã có 203,6 ha. Trước năm 1979 chỉ có 33,6 ha còn lại của Lâm trường Ninh Bình 170 ha. Năm 1980, Lâm trường Ninh Bình chuyển về xã Thạch Bình bàn giao lại đất cho địa phương. HTX tổ chức 2 đội lâm nghiệp gồm các cụ phụ lão và một số lao động chính tham gia trồng cây và làm nhân viên bảo vệ. Diện tích đất lâm nghiệp của HTX có 2 ha chè xanh, 2 ha tre chắn sóng khu vực Đồng Chăn, Đồng Tráng, số còn lại trồng cây bạch đàn, dẻ, trẩu... phục vụ cho nhu cầu xây dựng kiến thiết và sản xuất hàng hóa.

Những năm từ 1976 - 1980, Xích Thổ tập trung khôi phục cơ sở trường học (vì trường lớp phải đi sơ tán trong chiến tranh phá hoại). Chính quyền đã động viên sức đóng góp của cha mẹ học sinh kết hợp với nguồn ngân sách xã, đã xây dựng được 24 phòng học bằng tranh tre, để các cháu có đủ phòng học 2 ca. Từ năm 1981 - 1985, phát động phong trào ngói hóa trường học, 34 phòng cấp 4 đã được lợp ngói. Vì chưa có điều kiện, trường cấp 1 và cấp 2 còn phải dạy chung, nên các lớp phải chia phiên, chia ca, thậm chí có lớp phải học vào ban trưa, mới đảm bảo cho trên 1.700 cháu học sinh có lớp học.

Nhà trẻ, các lớp mẫu giáo được hội phụ nữ các cấp chăm lo. Các lớp mẫu giáo được xây dựng theo cụm dân cư, thuận tiện cho các cháu đến lớp. Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ được HTX nông nghiệp trả thù lao bằng mức của người xếp loại lao động tiên tiến.

Ban văn hóa đã tổ chức đội văn nghệ không chuyên, mua sắm nhạc cụ bảo đảm đời sống cho anh chị em trong thời gian luyện tập và biểu diễn, để anh chị em yên tâm phục vụ. Hằng năm biểu diễn phục vụ nhân dân vào những ngày lễ tết. Năm 1985, đội văn nghệ xã đi dự hội diễn toàn tỉnh Hà Nam Ninh, tổ chức tại Nam Định.

Phát huy truyền thống đơn vị lá cờ đầu ngành y tế miền Bắc, ủy ban nhân dân xã thường xuyên chăm lo xây dựng trạm y tế có đủ điều kiện làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh. Trạm y tế xã có 12 nhân viên phục vụ. Xã đã phát động phong trào toàn dân khai thác thuốc nam chữa bệnh. Trạm y tế xã thực hiện chính sách chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách.

Ngày 19 tháng 5 năm 1980, toàn Đảng bộ có 239 đảng viên được huyện ủy tổ chức phát thẻ đảng viên đợt đầu[40]. Từ năm 1976 đến năm 1986, Đảng bộ liên tục được cấp ủy cấp trên tặng bằng và tặng cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Ngày 22 tháng 12 năm 1981, trung đội an ninh quốc phòng xã làm lễ ra mắt gồm 34 cán bộ chiến sỹ, đồng chí Đinh Thành Quản phụ trách. Nhiệm vụ của đơn vị bảo vệ an ninh chính trị và bảo vệ sản xuất “Nội gia cư - ngoại đồng điền”.

Trong tình hình kinh tế - xã hội có những diễn biến phức tạp, Đảng ủy chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cho đảng viên học tập lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh, ý thức tổ chức và kỷ luật chống mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, nâng cao tinh thần phục vụ tập thể, chống tham ô, lãng phí.

Trải qua 10 năm phấn đấu, trưởng thành, Đảng bộ vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, lãnh đạo ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, đời sống nhân dân được nâng lên, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội.

Đảng bộ Xích Thổ luôn luôn chấp hành nghiêm mọi chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra chủ trương đường lối đúng đắn, tìm kiếm những phương thức mới, có những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng quê hương ngày một phát triển.

II. THANH NIÊN XÍCH THỔ TIẾP TỤC LÊN ĐƯỜNG CẦM SÚNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG CỦA TỔ QUỐC

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Hải quân PolPot (Campuchia) đã lợi dụng khi chính quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) tan rã. Quân đội nhân dân Việt Nam chưa kịp tiếp quản đảo Thổ Chu, chúng tranh thủ thời cơ đánh chiếm đảo và tràn lên chiếm đảo Phú Quốc. Với ý đồ chúng sẽ chiếm giữ lâu dài hai đảo này. Trước tình thế đó, buộc quân đội nhân dân Việt Nam phải đánh trả đuổi chúng ra khỏi đảo, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự kiện Thổ Chu và Phú Quốc là sự mở đầu cho những hành động đầy âm mưu xâm lấn chủ quyền lãnh thổ và chống phá cách mạng Việt Nam của Khmer Đỏ (Camphuchia). Từ năm 1975 đến năm 1978, chúng tăng cường hoạt động quân sự, tấn công vào sâu trong đất liền thuộc các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Tình hình biên giới Tây Nam vô cùng căng thẳng, trước hoàn cảnh đó, năm 1978 quân đội ta buộc phải tiến hành chiến dịch phản công đánh đuổi quân đội PolPot ra khỏi đất nước ta. Trong chiến dịch này, có nhiều người con của quê hương Xích Thổ, vừa trong đoàn quân giải phóng miền Nam, có nhiều người trên mình còn mang thương tích, chưa kịp trở về xây dựng quê hương thì họ lại tiếp tục cầm súng chiến đấu, thực hiện các quyền bảo vệ chính đáng khi Tổ quốc bị tấn công. Chiến dịch biên giới Tây Nam còn là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra, là biểu hiện tinh thần Quốc tế trong sáng cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến tranh biên giới Tây Nam chưa ngơi tiếng súng, ngày 17 tháng 02 năm 1979, quân đội Trung Quốc đưa quân ồ ạt, bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc chiến diễn ra trong vòng một tháng, được kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu tấn công và rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, sau khi đã chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số vùng biên của Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là buộc Việt Nam phải rút hết quân đội ra khỏi Campuchia, nhưng ý định không thành vì sự có mặt của quân đội nhân dân Việt Nam tại Campuchia là chính nghĩa, là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Campuchia. Những năm sau đó, xung đột vũ trang tại biên giới phía Bắc tiếp tục tiếp diễn. Quân và dân các tỉnh phía Bắc cùng với quân dân cả nước buộc phải chiến đấu, liên tiếp đánh tan các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc, buộc phía Trung Quốc phải rút quân vào năm 1990, trả lại nguyên vẹn đường biên giới phía Bắc nước ta như trước năm 1979.

Trong hai cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đầy cam go quyết liệt, Xích Thổ đã tiễn đưa 279 người con nhập ngũ, có 18 người đã để lại một phần xương máu của mình tại chiến chiến trường, 23 người con đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó có Nhà văn, Nhà báo, Nhà giáo Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết.

III. THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (1986 - 2000)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986 tại Thủ đô Hà Nội), đề ra đường lối đổi mới toàn diện mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội đánh giá 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên cả nước, nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, nguyên nhân và rút ra những bài học, kinh nghiệm. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986 - 1990 và đề ra 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Đường lối đổi mới xác định: Xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tập trung đổi mới cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chủ trương cải tạo XHCN, thừa nhận và thể chế hóa sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần. Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh tất cả các thành phần kinh tế nhằm giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, hành chính bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh và vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị thường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đổi mới vai trò quản lý của Nhà nước thực hiện chính sách mở cửa đa phương, đa dạng hóa, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, đồng thời đổi mới nội dung và phương pháp lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những thành tựu của nền văn minh nhân loại, bảo đảm cho quá trình đổi mới không đi chệch hướng XHCN.

Năm 1986, Xích Thổ bị thiệt hại nặng do cơn bão số 5 gây ra. Toàn xã có 187 nhà bị đổ, 1.300 công trình bị hư hỏng, thiệt hại trên 50 triệu đồng. Trước tình hình đó, Đảng ủy phát động phong trào nhân dân giúp đỡ lẫn nhau khắc phục thiên tai, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Chỉ trong 1 tuần lễ, nhân dân đóng góp hỗ trợ 4.974 cây tre, 1.937 chiếc tranh, 4.783 ngày công, 3.760kg thóc... giúp các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình quân nhân, gia đình neo đơn ổn định đời sống.

Ngày 5 tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 10 về việc đổi mới quản lý kinh tế trong các hợp tác xã, tháng 9 năm 1988, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Nghị quyết 10 nhằm không ngừng củng cố và hoàn thiện việc thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hoàng Long và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 26, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được tập trung tiến hành tích cực, khẩn trương, chủ động, chặt chẽ và nghiêm túc, Đảng bộ xác định đổi mới phương thức tổ chức sản xuất của hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm, kiểm kê 4 loại quỹ của tập thể (quỹ ruộng đất, quỹ lao động, quỹ tiền vốn, quỹ tài sản cố định), trên cơ sở đó xây dựng các đơn giá và lập phương án khoán cho hộ.

Thực hiện chủ trương hóa giá đàn trâu bò, công cụ nhỏ để bán, nhượng lại cho xã viên, song song với giao khoán ổn định đất đai sản xuất, tổ chức chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ và ổn định các tổ chức cơ sở đội. Toàn xã có 159 con trâu cày, 12 con nghé gửi cỏ, 13 con nghé theo mẹ... số trâu nghé này được thực hiện phương thức bán chịu cho xã viên thời hạn là 1 năm. Tổng giá trị là 33.110.000 đồng quy thóc = 82.775kg. Sau 1 năm, xã viên thanh toán còn đọng lại 34.976kg, quy tiền 13.990.400 đồng. Hóa giá 161 chiếc bừa, 169 chiếc cày, tổng giá trị 403.000 đồng. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1989, xã viên trả 20.148 đồng còn nợ tập thể 382.852 đồng. Quỹ đất giành 40% cho khẩu trong HTX, 55% cho lao động không khê đọng sản phẩm và có năng lực sản xuất, còn 5% cho lao động mới nhập về.

Chính sách khoán ổn định, cân đối lại khả năng canh tác của lao động, trên cơ sở đó phân chia việc sử dụng tài sản của tập thể trong quá trình sản xuất, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh chế độ hưởng thụ cho người lao động.

Về xây dựng cơ cấu cây trồng trong khoán, bỏ trồng cây thuốc lá, tính toán phân loại cây trồng phù hợp với từng loại đất, tạo điều kiện cho người sản xuất chủ động giống vốn, xen canh tăng vụ nhằm khai thác tiềm năng trong sản xuất.

HTX tổ chức mạng lưới dịch vụ: thủy lợi, vật tư phân bón, bảo vệ sản xuất cây trồng vật nuôi. Trên cơ sở ký kết hợp đồng thỏa thuận giữa người sản xuất với các tổ chức dịch vụ, tạo thuận lợi cho người sản xuất yên tâm.

Trong thực hiện đường lối đổi mới, HTX còn những thiếu sót như: giao quyền sản xuất trên diện tích canh tác còn nặng về bình quân, chưa thực sự khuyến khích những người có khả năng lao động biết thâm canh, dẫn đến tình trạng chỗ thừa ruộng sản xuất, chỗ ít ruộng không có việc làm. Một số công cụ sản xuất chưa kịp thời chuyển giao để sử dụng tạo ra sản phẩm, trong lúc tập thể vẫn phải khấu hao tài sản. Xây dựng các định mức khoán chưa thật phù hợp. Đặc biệt có những hiện tượng thiếu công bằng, thiếu chính xác trong định hạng sản lượng trên từng loại đất, việc hạch toán vẫn còn mang tính bao cấp. Xây dựng cơ cấu cây trồng theo hướng nông - lâm kết hợp chưa khép kín. Trong quán trình sản xuất mới, tập trung phần lớn vào việc tự cung tự cấp, coi nhẹ sản xuất hàng hóa nên thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Chế độ phân phối sản phẩm trên đất canh tác bảo đảm 3 lợi ích bước đầu tạm ổn định, song thực hiện sở hữu các tư liệu sản xuất chưa khép kín, do vậy việc chiếm dụng vốn tập thể còn xảy ra trong một số xã viên. Tính trong 2 năm 1988 - 1989, xã viên chiếm dụng vốn của HTX là 72.523 kg thóc và 8.316.808 đồng, ngoài ra còn 31.000 kg thóc HTX đầu tư cho xã viên mua trâu và gần 50 tấn nợ dịch vụ. Từ các khoản ứ đọng trong xã viên làm cho việc tái sản xuất mở rộng của HTX bị hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất chung của xã. Tình trạng “khủng hoảng” ở nông thôn ngày càng bộc lộ rõ nét.

Năm 1990, thực hiện Nghị quyết số 14 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hoàng Long về quy mô thôn xóm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sắp xếp từ 24 đội sản xuất thành 10 thôn.

Năm 1993, thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình và Quyết định 313 của UBND tỉnh Ninh Bình, trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ chế quản lý mới, chuyển từ khoán gọn sang giao quyền sử dụng ổn định ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân. Toàn xã có 7.390 nhân khẩu, diện tích canh tác 526,26 ha, bình quân lương thực là 121,8kg/người/năm. Vấn đề lợi ích của nông dân đã được giải quyết đúng đắn, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp và tạo tiền đề cho mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp ra đời.

Ban quản lý HTX nông nghiệp xã Xích Thổ đảm nhiệm 5 khâu dịch vụ: khoán nước; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất; dự báo và hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ thực vật, thú y; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo vệ sản xuất. Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản trị thay đổi so với trước đây, điều hành sản xuất do thôn đảm nhiệm. Ban quản lý HTX nông nghiệp chuyển chức năng hướng dẫn hộ nông dân xây dựng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch hướng dẫn dịch vụ bảo đảm cho sản xuất phát triển và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân.

Thực hiện Quyết định 313 của UBND tỉnh, Xích Thổ hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 1.686 hộ nông dân gồm 7.494,5 nhân khẩu (sau khi đã quy đổi) với số diện tích 536,86 ha đất canh tác. Số đất lâm nghiệp được giao khoán cho 187 hộ. Bước đầu, do chưa có chính sách cụ thể nên xã viên không hưởng ứng tham gia, mới chỉ có một số cán bộ trong Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp nhận trồng với số ít diện tích. Đến năm 1991 - 1992 có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cây giống và công trồng nên nhân dân mới bắt đầu tham gia trồng rừng trên toàn địa bàn của xã. Năm 1993, có Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Ninh Bình và Quyết định 313 của ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc giao ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân. Từ đó các hộ nông dân trong xã đã trồng được trên 200 ha rừng và nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh, núi đá có cây được trên 500ha. Năm 2000, toàn bộ đất trồng rừng và núi đá có cây gồm 611,7 ha đã có chủ nhận khoán với thời hạn 50 năm. Tháng 4 năm 1997, Ban lâm nghiệp xã được thành lập. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã và sự chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn của Hạt kiểm lâm huyện Nho Quan, Ban đã đi vào hoạt động tốt và có hiệu quả. Quá trình thực hiện đổi mới, người nông dân có một phần tích lũy, để phát triển sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động xã hội.

Xã Xích Thổ, có quỹ đất khả năng phát triển cây có giá trị hàng hóa lớn, kể cả cây lâu năm và cây thời vụ, thâm canh và tăng vụ, có lực lượng lao động cần cù, tay nghề và khả năng tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do vậy năng suất lúa tăng từ 34 tạ/ha năm 1993 lên 42 tạ/ha năm 1995.

Các cây trồng có giá trị hàng hóa được chủ động đầu tư. Đảng ủy xã chủ trương lấy phát triển nông nghiệp tạo đà cho mở mang ngành nghề, phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Bình quân lương thực quy thóc tính theo nhân khẩu năm 1993 đạt 316kg, đến năm 1995 tăng lên 400kg. Mặc dù năm 1994 bị thiên tai mất mùa nhưng bình quân lương thực quy thóc vẫn đạt 330kg/người.

Chương trình 327 của Dự án 661, được Trung ương tài trợ, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định cùng với nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ngân sách của địa phương và sự đóng góp của nhân dân đã làm đường vào Thung Súa với giá trị 866 triệu đồng, xây dựng bến đò Quyết Thắng và mở đường Quèn Súa với giá trị hơn 10 triệu đồng.

San ủi 11.000m3 đất, đá san lấp mặt bằng xây dựng trường Trung học cơ sở với số tiền: 1 tỷ 264 triệu đồng. Xây dựng mới và hoàn thiện 2 khu trường Tiểu học 120 triệu đồng. Nâng cấp Trạm y tế xã 160 triệu đồng. Rải đá cấp phối đường ra Khả Luật dài 1.000m, rộng 3,5m do Nhà nước đầu tư = 100 triệu đồng, phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh. Năm 1989, bằng vốn của HTX nông nghiệp và nhân dân đóng góp (theo đầu sào) tiến hành xây dựng trạm bơm điện Đồng Tráng với công suất 1.000m3/h và làm tuyến đê bao từ Hang Trâu đồng Tráng lên đến đường Quèn Súa với tổng số vốn 100 triệu đồng, phục vụ tưới cho 200 mẫu ở Đồng Chăn, Đồng Tráng. Đưa 70 mẫu ruộng Đồng Tráng cấy thêm một vụ hè thu. HTX nông nghiệp dùng vốn tích lũy xây dựng trạm biến thế Gò Diềm 180 KVA, trị giá 80 triệu đồng, xây dựng trạm bơm điện Đồng ới và phục vụ điện thắp sáng cho nhân dân thôn Quyết Thắng. Năm 1991, xây dựng trạm biến thế Đồi Ông Thân, 180 KVA giá trị 164 triệu đồng, phục vụ điện thắp sáng cho nhân dân các thôn Hồng Quang, Minh Hồng, Đức Thành, đồng thời phục vụ trạm bơm 2, tưới chống hạn cho diện tích lúa mầu của các thôn nói trên.

Năm 1990, nhân kỉ niệm 43 năm ngày Thương binh liệt sỹ, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ xã Xích Thổ lãnh đạo nhân dân trong xã ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh nặng Nguyễn Lương Yên giá trị hơn 8 triệu đồng. Năm 2000 tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nhiên giá trị hơn 17 triệu đồng. Trong đó, nhân dân trong xã ủng hộ hơn 12 triệu đồng.

Năm 1996, tiếp tục huy động sức đóng góp của nhân dân địa phương (42.500đ/hộ) xây dựng Trạm biến áp Cái Lái có công suất 50 KVA phục vụ điện sáng và điện kinh doanh cho nhân dân thôn Liên Minh, Minh Long và một phần nhân dân 2 thôn Lạc Long, Minh Hồng. Xây dựng trường THCS 2 tầng, 12 phòng học. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước 340 triệu đồng, nhân dân đóng góp 924 triệu đồng.

Năm 1997, xây dựng Nhà bia ghi tên các liệt sỹ trị giá 220 triệu đồng trong đó nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, con em xa quê hương đóng góp 6 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp 154 triệu đồng. Nhà nước đầu tư xây trạm bơm tiêu úng Vườn Màn gồm 2 hạng mục: Trạm biến áp 100 KVA và đường điện cao thế kéo từ xã Gia Sơn về. Trạm bơm được thiết kế 3 máy bơm, có công suất 3.000m3/h trị giá 483,7 triệu đồng. Nhằm phục vụ tiêu úng cho 400 mẫu ruộng từ Rộc Bủm, Rộc Dạch, Cửa Chùa, Rậm Đống, Đồng Khoang và Đồng Nhan. Do công trình chưa hoàn thành hệ thống kênh tưới tiêu nối giữa các xứ đồng nên tác dụng tiêu úng phục vụ cho sản xuất còn hạn chế.

Năm 1999, đưa đường điện cao thế từ trạm bơm 2 vào để xây dựng trạm biến áp khu vực Hang Luồn với công suất 50 KVA. Nguồn vốn do Nhà nước đầu tư 480 triệu đồng, từ chương trình điện khí hóa nông thôn, phục vụ sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Mường và nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa của thôn Đức Thành. Xây dựng trạm biến áp tại khu trạm y tế xã 50 KVA giá trị 67 triệu đồng cũng từ nguồn vốn điện khí hóa nông thôn. Để phát huy tác dụng của trạm bơm 2 (từ năm 1976 Nhà nước xây dựng còn dở dang), UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với huy động ngày công nghĩa vụ của nhân dân địa phương, đóng góp theo đơn vị diện tích hưởng lợi từ nguồn nước trạm bơm. Chỉ trong vòng 30 ngày với tinh thần lao động tích cực, sôi nổi của cán bộ kỹ thuật Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện Nho Quan và cán bộ nhân dân trong xã, tất cả các hạng mục phục vụ cho trạm bơm như: vòi bơm, máy bơm, hệ thống điện, hệ thống kênh mương có chiều dài trên 2km... được hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong đó, có khoảng 1km mương từ trạm bơm 1 chợ Lạc vào, được hoàn thiện bằng cốt cứng đảm bảo đủ nước cho trạm bơm 2 hoạt động. Từ đó, giải quyết có hiệu quả hạn hán cho trên 200 ha cấy lúa trồng mầu mà những năm trước đây chủ yếu trông vào thiên nhiên. Phục vụ thiết thực cho các hộ nông dân khu vực phía tây của xã.

Hệ thống các ao đầu sốc, tạo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vụ xuân, dùng nước tưới cho các cây mầu và cấy lúa mùa cho khoảng 250 mẫu nằm ở phía Tây đường 59B. Hai tuyến đê bao (Lợi Hà) Đồng Nhan, tuyến Đồng Tráng đã góp phần chống lũ tiểu mãn cho vụ chiêm xuân của 2 xứ đồng: Đồng Tráng và Đồng Nhan. Đặc biệt có 250 mẫu cấy được 2 vụ, 1 vụ hè thu và 1 vụ lúa chiêm.

Trước năm 1986, cả xã mới có 3km đường điện cao thế, đến năm 2000 có thêm 5km và 14km đường điện hạ thế, các đường điện xương cá đạt tiêu chuẩn (trước năm 2000 nhân dân tự làm không đảm bảo kỹ thuật).

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phong trào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, đổi mới cây trồng, vật nuôi, Thực hiện cấp 1 hóa giống lúa, các cây trồng có giá trị hàng hóa được người lao động mạnh dạn tiếp thu áp dụng như: lạc, đậu tương, khoai tây, ngô lai, dưa hấu, bí xanh... cải tạo trên 20 ha vườn tạp thành vườn cây ăn quả có giá trị như vải thiều, na, táo, nhãn... vụ hè thu, vụ đông trở thành tập quán sản xuất trong nhân dân. Tổng sản lượng lương thực 10 năm (1991 - 2000) đạt 31.637 tấn, bình quân mỗi năm hơn 3.000 tấn. Tăng 400 tấn so với năm 1990. Lương thực bình quân 350kg/người năm 1986, 457kg/người năm 2000. Về chăn nuôi, quan tâm phát triển các đàn trâu, bò, lợn, dê, ong mật, gia cầm... được nuôi theo phương pháp khoa học. Nhất là, đàn lợn nái tăng đáng kể. Năm 1995, có trên 300 lợn nái bảo đảm cung cấp giống lợn con cho nông dân trong xã và xuất cho các xã bạn. Tiểu thủ công nghiệp phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đầu tư vốn cho con em đi học nghề gò, hàn, điện dân dụng... về phục vụ địa phương. Nhiều hộ đầu tư vốn đưa công nghệ mới thay thế sức lao động thủ công vất vả như cưa xẻ, bào gỗ, trộn bê tông, máy đầm đất, xe đầu ngang vận chuyển, máy hút cát, máy tuốt lúa, máy bơm nước các loại... Nhờ có cơ chế chính sách mới đối với nông nghiệp nông thôn, bộ mặt xóm thôn được thay đổi, toàn xã không có hộ đói, hộ nghèo còn 9,77%, giảm 15% so với năm 1986.

Đi đôi với việc xây dựng và phát triển kinh tế, lực lượng dân quân và lực lượng công an xã cũng được củng cố kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Quân số của lực lượng dân quân luôn đảm bảo tỷ lệ 3% số dân, được tổ chức huấn luyện thường xuyên, đạt chỉ tiêu cấp trên giao, phối hợp với lực lượng công an làm tốt công tác bảo vệ an ninh trên địa bàn, đặc biệt trong những ngày lễ, tết của đất nước, của dân tộc. Tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, đồng thời là lực lượng xung kích trong phòng chống thiên tai dịch họa. Quản lý và hoàn thành chỉ tiêu khám tuyển, gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm. Liên tục trên 20 năm lực lượng dân quân xã giữ vững danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

Lực lượng Công an thường xuyên được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo. Năm 1981 phối hợp với xã đội thành lập trung đội an ninh quốc phòng làm tốt nhiệm vụ kết hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với nhiệm vụ bảo vệ sản xuất. Số cán bộ chiến sỹ là 31 người. Tháng 7 năm 1999, thực hiện Nghị định 40/CP của Chính phủ về công an xã bán chuyên trách. Số cán bộ công an xã là 02 người, mỗi thôn có 01 công an viên. Tổng số cán bộ trong lực lượng công an của toàn xã là 12 người (02 người ở xã và 10 người ở thôn).

Ngày 20 tháng 11 năm 1997, xã Xích Thổ tham gia thành lập cụm an toàn, an ninh trật tự của 3 xã giáp ranh, xã Xích Thổ, xã Gia Sơn (huyện Nho Quan) và xã Yên Bồng (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Đồng chí Trần Trung Hậu, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ được giữ chức trưởng cụm đầu tiên. Sau đó luân phiên đến Chủ tịch UBND các xã Gia Sơn - Yên Bồng, mỗi xã một năm. Đơn vị công an xã nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, được tặng nhiều Bằng khen của ủy ban nhân dân tỉnh và huyện, giữ vững danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

Trước năm 1994, công tác y tế còn nhiều hạn chế, do khó khăn chung của toàn xã hội, đời sống cán bộ y tế xã quá khó khăn, lương bình quân chỉ đạt 34.800 đồng/người/tháng do ngân sách xã chi trả. Cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phương tiện làm việc nghèo nàn, toàn tỉnh chỉ có 50-60% số trạm có ống nghe[41]. Năm 1995, thực hiện Quyết định số 58 TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994, của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức chế độ chính sách đối với y tế cơ sở, y tế xã nằm trong hệ thống y tế Nhà nước, được hưởng lương theo ngạch bậc đào tạo, từ ngân sách Nhà nước. Trạm y tế xã Xích Thổ được biên chế 07 cán bộ và nhân viên, có đủ chủng loại: Bác sỹ, y sỹ, y tá, dược tá, hoạt động theo chức năng nhiệm vụ tại Thông tư số 08 TTLB của Liên bộ Bộ Y tế - Tài chính - Ban TCCP. Trạm y tế từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Làm tốt công tác phòng bệnh, thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số từ 3,2% năm 1986 xuống 0,98% năm 2000. Triển khai đồng bộ có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, quản lý tốt các bệnh xã hội. Củng cố mạng lưới y tế thôn, đảm bảo mỗi thôn có một cán bộ y tế. Xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế.

Mười lăm năm đổi mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng cao, nhất là về tư tưởng chính trị, quan điểm của Đảng, về vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Đảm bảo trong việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc phê bình, tự phê bình, kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Mỗi cán bộ đảng viên nêu cao ý thức đề phòng, ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, coi trọng việc mở rộng, phát huy dân chủ, đoàn kết tốt hơn trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên.

Nhiệm kỳ 28 (1993 đến năm 1995) cấp ủy giới thiệu đi bồi dưỡng 30 thanh niên ưu tú, kết nạp 11 đảng viên mới nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 298 đồng chí. Xếp loại 1 có 255 đồng chí = 85,6%, loại 2 có 33 đồng chí = 11%, có 10 đảng viên phải xếp ở loại 3, loại 4 cần được giúp đỡ, xem xét và có hình thức kỷ luật 32 trường hợp, trong đó khai trừ ra khỏi đảng 1 đảng viên, xóa tên 5 đồng chí, khiển trách 7, cảnh cáo 17 trường hợp[42] (tỷ lệ 34%).

Từ năm 1976 đến năm 1980, Đảng bộ có 33 chi bộ, sinh hoạt chi bộ mỗi tháng 2 kỳ vào ngày 3 và 19 hàng tháng. Từ năm 1991 đến 1997 có 12 chi bộ, năm 1998 - 2000 có 14 chi bộ, sinh hoạt mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 3 hàng tháng.

 Đảng ủy lãnh đạo hệ thống chính trị trong xã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các ban chi ủy lãnh đạo các tổ chức đoàn thể ở thôn tạo ra sức mạnh tổng hợp đảm bảo sự đoàn kết thống nhất. Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, theo quy chế dân chủ. Cùng với nhân dân tạo nên những thành tựu trong công cuộc đổi mới, từng bước phát triển về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Văn hóa xã hội không ngừng tiến bộ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của người nông dân. Tuy vậy, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, hệ thống chính trị ở xã còn bọc lộ những hạn chế trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành và tinh thần trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ đảng viên chưa cao, hiệu lực hiệu quả công tác ở một vài bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được phát huy. Thể hiện rõ nét ở các khâu: vận động quần chúng chậm đổi mới, còn ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Một số ít cán bộ chủ quan, chưa có tinh thần tự rèn luyện bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở còn chắp vá chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng trì trệ ở một vài hoạt động của hệ thống chính trị.

 Trải qua gần 20 năm phấn đấu, Đảng bộ xã Xích Thổ liên tục được huyện ủy, tỉnh ủy công nhận và tặng cờ “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”. Các tổ chức chính trị xã hội được công nhận là tổ chức khá và vững mạnh của huyện. Được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen.

 Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 29 tháng 01 năm 1996, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân xã Xích Thổ được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 761 phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Tại buổi lễ, Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ vinh dự đón đồng chí Đỗ Phượng, ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là cán bộ đã công tác tại xã Xích Thổ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí Tô Xuân Toàn ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Dương Biên Thùy, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về dự và được Chủ tịch nước ủy quyền trao Cờ, Bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Nhà nước cho Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ.

 

CHƯƠNG V
TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN,
ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

I. TIẾP TỤC THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, CỦNG CỐ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VỮNG MẠNH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (2001 - 2016)

Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh sau mười lăm năm (1986 - 2001) cả nước thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi bộ mặt đất nước và được thế giới ghi nhận. Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới là luôn luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới phát triển. Chính sự phát triển đó đã tạo ra sự ổn định mới ngày càng vững chắc hơn, đưa cả nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài trong nhiều năm, khắc phục được nạn lạm phát, khắc phục được tình trạng thiếu lương thực, đưa nền kinh tế trên đà phát triển, đặc biệt là sản xuất lương thực và đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng vào thứ hai, thứ ba trên thế giới. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, Đảng ta còn chú trọng đến việc thực hiện chính sách công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới thì mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã chỉ rõ: “Trong điều kiện cơ chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, mở cửa với bên ngoài, cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động của nhiều nhân tố rất phức tạp, kể cả những hoạt động chống phá Đảng, vấn đề giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng đứng trước những thách thức mới. Song, Đảng thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho bước chuyển này, chưa chú ý đúng mức vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức đối với cán bộ, đảng viên. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức, kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống”[43] cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đứng trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn liền với giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng thời điểm đó, ngày 18 - 19 tháng 9 năm 2000, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Xích Thổ lần thứ XXX (nhiệm kỳ 2000 - 2005) được tổ chức. Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị, kiểm điểm vai trò trách nhiệm lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 29 (nhiệm kỳ 1995 - 2000). Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2000 - 2005, với chủ đề “Đoàn kết, thống nhất vượt mọi khó khăn, thử thách, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt, phát triển kinh tế xã hội làm trọng tâm”, Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí, đồng chí Trần Trung Hậu giữ chức Bí thư Đảng bộ; đồng chí Phạm Đức Thiệu, Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, Đồng chí Đỗ Văn Quyết, đồng chí Hoàng Ngọc Báu ủy viên ban thường vụ. Tám tháng sau, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4 năm 2001), được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đưa ra định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc...”. Đồng thời yêu cầu mỗi tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải được quán triệt đầy đủ, để có nhận thức đúng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Xích Thổ, nhận thức sâu sắc đây là một chủ trương lớn mang tính cấp bách đồng thời có ý nghĩa lâu dài đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương.

Ngày 27 tháng 3 năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 23 CT/TW “về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình, của Huyện ủy Nho Quan, Đảng bộ xã Xích Thổ đã tổ chức nhiều đợt học tập, để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong một số lĩnh vực: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng; về công tác cán bộ; về công tác giáo dục thế hệ trẻ... Ngay sau đó, Đảng bộ đã triển khai tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các lớp học, tuyên truyền thường xuyên liên tục ngày hai buổi sáng và tối trên hệ thống đài truyền thanh xã, thôn, chú trọng bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, trên các lĩnh vực: nhận thức tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, triển khai thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) khóa VIII, và thực hiện Quy định số 19 QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Ngày 17/10/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 29 CT/TW về đổi thẻ đảng viên. Đảng bộ đã tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Nho Quan về đối tượng, tiêu chuẩn được cấp đổi thẻ vào các đợt 19 tháng 5, ngày 02 tháng 9, ngày 07 tháng 11. Có 100% đảng viên chính thức trong Đảng bộ đã đủ điều kiện và tiêu chuẩn được đổi thẻ theo quy định.

Ngày 16 tháng 8 năm 2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Xích Thổ lần thứ XXXI nhiệm kỳ (2005 - 2010), với chủ đề “Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới”. Đại hội khẳng định: “Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng có chuyển biến; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên; an ninh, chính trị được ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố tăng cường; khối đại đoàn kết được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên, vai trò hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ngày càng được phát huy”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 19 đồng chí. Ban Chấp hành bầu Ban thường vụ 5 đồng chí, đồng chí Đỗ Văn Quyết làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Bùi Đắc Dương, Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Nguyễn Đức Hiệp Phó Bí thư phụ trách chính quyền. Đồng chí Bùi Thị Đạt, đồng chí Hoàng Ngọc Báu làm ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng bộ xác định: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đầu tư cho công tác chính trị, tư tưởng là đầu tư cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, cho sự ổn định chính trị và phát triển, là điều kiện cơ bản để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Xích Thổ giàu đẹp. Ngày 19 và 20 tháng 10 năm 2005, Đảng bộ tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, triển khai chương trình hành động của Đảng bộ, với số đảng viên tham gia đạt 89%. Tháng 10 năm 2006, toàn Đảng bộ quán triệt Nghị quyết số 05 ngày 30/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về “Tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay”. Sau học tập mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng nhận thức sâu sắc công tác chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng, cũng như trong quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xã. Đảng bộ cũng xác định trách nhiệm làm công tác chính trị, tư tưởng là của cả hệ thống, của từng đảng viên, trước hết là của các cấp ủy đảng và của đồng chí bí thư cấp ủy.

Ngày 07 tháng 11 năm 2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 06 CT/TW khóa XX “Về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng ta xác định: “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo”. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Tỉnh ủy Ninh Bình và Huyện ủy Nho Quan, tổ chức triển khai thực hiện vào dịp Kỷ niệm lần thứ 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2007) với chuyên đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân “ và học tập “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy, Đảng bộ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng bộ (01/3/1947 - 01/3/2007). Tại lễ kỷ niệm, Đảng bộ được đón đồng chí Lê Văn Dung Tỉnh ủy viên Bí thư Huyện ủy Nho Quan; đồng chí Hà Văn Trình Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình; đại diện cho huyện ủy - hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân 3 huyện mà trước đây xã Xích Thổ đã trực thuộc, các đồng chí lãnh đạo trong cụm an toàn an ninh trật tự 5 xã trong cụm giáp ranh, các xã lân cận và đảng viên trong Đảng bộ cùng nhân dân và con em quê hương công tác, sinh sống ở mọi miền Tổ quốc cùng về chia sẻ niềm vui với quê hương.

Ngày 04/7/2007, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xích Thổ tiến hành tổ chức hội nghị phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, học tập Nghị quyết số 04 hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X, triển khai Kế hoạch số 01 và Chương trình hành động của BCH Đảng bộ xã, tỷ lệ đảng viên tham gia đạt 91,7%. Ngày 20/7, Đảng bộ tổ chức hội nghị giành cho BCH Đoàn xã và các chi đoàn thanh niên thôn cùng BCH các đoàn thể quần chúng trong toàn xã, tỷ lệ số người tham dự đạt 94,6%. Ngày 26/8, mở hội nghị cho cán bộ, giáo viên công nhân viên của 3 trường (trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học và trường Mầm non), có 96,25% số cán bộ giáo viên tham dự. Ngày 22/11, tổ chức hội nghị đảng viên quán triệt 5 nội dung Nghị quyết lần thứ 4, lần thứ 5 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X, đồng thời triển khai Chương trình hành động của Đảng bộ.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giúp cho Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Người. Tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, rèn luyện tu dưỡng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng rộng lớn trong toàn xã, gắn liền với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với các phong trào thi đua yêu nước. Mỗi cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ đều có tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân; được chi bộ Đảng, được quần chúng ở nơi cư trú và nơi công tác đóng góp ý kiến. Sau học tập, 100% chi bộ các thôn, các cơ quan, trường học, các đơn vị xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để phấn đấu thực hiện phù hợp với tình hình từng cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động trên cả 3 lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bám sát nhiệm vụ của từng thời điểm, nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, chủ động đấu tranh chống mọi biểu hiện về tư tưởng, hành động sai trái với quan điểm đường lối của Đảng.

Ngày 25/5/2008, BCH Đảng bộ xã tổ chức quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X. Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình với chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí và chuyên đề “Sửa đổi lề lối làm việc”, thời gian 1 ngày, tỷ lệ đảng viên dự học tập đạt 91,2%. Qua đó, mỗi người thấy rõ tầm quan trọng của việc học tập và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2008, đi đôi với việc động viên nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ quản lý ở các cơ quan trong việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí. Mỗi cá nhân và tập thể trong Đảng bộ đã khắc phục nhiều yếu kém về thực hành tiết kiệm chống tham ô lãng phí. Tổng kết chuyên đề, Đảng bộ xã Xích Thổ là một trong những Đảng bộ cơ sở thực hiện tốt, được Tỉnh ủy Ninh Bình tặng bằng khen.

Năm 2009, là năm thứ hai thực hiện cuộc vận động, với chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận được kế hoạch, ngày 01 tháng 6 năm 2009, Đảng bộ triển khai tổ chức học tập, có 89,36% số đảng viên tham gia. Đảng bộ xác định, phục vụ nhân dân trước hết phải đề ra được các chủ trương, chính sách đúng đắn, xuất phát từ thực tế, quan tâm tới nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và xác định vì dân mà làm việc. Đảng bộ đã hướng dẫn các chi bộ xây dựng hành động cụ thể đó là: Cấp ủy, chính quyền phải luôn đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, biết cách thực hành tiết kiệm và một vấn đề mang tính trọng tâm, đảm bảo sự ổn định và phát triển ở địa phương là việc thực hiện sự công bằng trong hưởng thụ các phúc lợi xã hội, theo phương châm “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng và không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Bên cạnh đó mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên... có những việc làm cụ thể, những hành động thiết thực, trước hết là việc hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, làm tốt những công việc hằng ngày, nhất là những việc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đó chính là trách nhiệm mang tính bổn phận của mỗi cá nhân, tổ chức đều phải tự giác, tự mình thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong 2 ngày 09 và 10 tháng 4 năm 2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Xích Thổ khóa XXXII nhiệm kỳ 2010 - 2015, có 161 đại biểu về dự. Đảng bộ xã Xích Thổ được chọn làm điểm của huyện Nho Quan, thực hiện thí điểm bầu Ban Thường vụ Đảng ủy, bầu bí thư và phó bí thư Đảng ủy trực tiếp tại Đại hội.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm 19 đồng chí, Ban thường vụ Đảng ủy gồm: đồng chí Đỗ Văn Quyết làm Bí thư, Đồng chí Bùi Đắc Dương, Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, đồng chí Bùi Văn Vương, Phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền và đồng chí Bùi Thị Đạt, đồng chí Nguyễn Thái Hà ủy viên.

Đại hội đã xác định mục tiêu chung là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, phát huy thế mạnh của địa phương, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Phát triển văn hóa xã hội, tiếp tục giảm nghèo; Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng địa phương, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Xây dựng nông thôn mới”.

Sau đại hội Đảng bộ xã, Đảng bộ tổ chức học tập chuyên đề Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” gắn với công tác tổ chức và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, với số đảng viên tham gia học tập đạt tỷ lệ 90,6%. Sau nghiên cứu quán triệt, các cá nhân viết bài thu hoạch và đề ra nội dung phấn đấu thực hiện làm theo tấm gương đạo đức của Bác, các chi bộ thôn và chi bộ cơ quan tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý cho bản thu hoạch của cá nhân và dự thảo chương trình hành động của cấp uỷ chi bộ. Trên cơ sở đó, cấp uỷ các chi bộ tiến hành hội nghị cấp uỷ mở rộng thành phần gồm lãnh đạo thôn, lãnh đạo các tổ chức phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên... để tham gia hoàn thiện chương trình hành động của cấp uỷ chi bộ. Đảng bộ xác định, muốn xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh trước hết phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đó là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng; Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác; Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được đặt lên hàng đầu, phải dựa trên nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, điều lệ, đường lối, quan điểm, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp. Muốn đoàn kết, thống nhất, phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các tiêu cực khác.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 (khóa XI) của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 28-KH/HU, ngày 03/10/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong việc triển khai tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xích Thổ đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/ĐU, ngày 17/10/2011 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quyết định số 55-QĐ/ĐU, ngày 17/10/2011 về việc thành lập Bộ phận giúp việc Ban Thường vụ Đảng uỷ; Quyết định số 56-QĐ/ĐU Ban hành Quy chế làm việc của Bộ phận giúp việc Ban thường vụ; Quy định số 01-QĐ/ĐU, ngày 28 tháng 4 năm 2012, Quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức; Xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2012 - 2015; Phân công nhiệm vụ đối với các thành viên trong bộ phận giúp việc để theo dõi, hướng dẫn, nắm bắt tình hình kịp thời, báo cáo Thường trực Đảng uỷ chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh tại các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trong các lĩnh vực được phân công phụ trách.

Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội từ xã đến các thôn, các đơn vị tiến hành triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, thực sự mang lại hiệu quả trong sinh hoạt chính trị và đời sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, trên cơ sở đó xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng cá nhân, từng ngành, từng lĩnh vực liên quan; thường xuyên đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển và đổi mới ở địa phương. Chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” được thực hiện trong 2 năm, năm 2011 - 2012, nhằm làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã tiếp tục nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị của tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc làm theo tấm gương đạo đức của Người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã và cán bộ thôn. Số đảng viên dự học tập đạt tỷ lệ 91,34%. Hàng năm vào dịp sinh nhật Bác 19/5, Đảng ủy đã tổ chức việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên bằng hình thức phiếu kín, để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng đảng viên và chi bộ cuối năm. Các phong trào quần chúng, các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp, thực sự thúc đẩy và tạo ra một xã hội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ chí Minh. Đến năm 2016, 100% các đơn vị, các chi bộ trong toàn xã đã xây dựng và duy trì chuẩn mực đạo đức được niêm yết ở hội trường để cán bộ đảng viên căn cứ thực hiện, đồng thời cũng là việc công khai để quần chúng nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện của cán bộ đảng viên.

Năm 2013, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” gắn với chủ đề phấn đấu thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, người cán bộ, đảng viên là người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Đồng thời, Đảng bộ tổ chức quán triệt Quy định số 101 - QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, các ban ngành đoàn thể và cán bộ thôn, yêu cầu cán bộ có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu đi đầu. Một trong những nội dung phải gương mẫu là: tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với thái độ khách quan, công tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Sau đợt học tập này, cán bộ, đảng viên xã Xích Thổ đã có những chuyển biến tích cực. Cán bộ đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, đã thật sự là vai trò nòng cột trong mọi lĩnh vực, tạo được lòng tin với nhân dân.

Năm 2014 học tập chuyên đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” và học tập tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác; Năm 2015 học tập chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, kết quả đã có 92% đảng viên về học tập, các tổ chức Hội CCB, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân có tỷ lệ hội viên tham gia đạt trên 70 %.

Tháng 4 năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng về tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội lần thứ 12 của Đảng, Đảng bộ đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXXIII nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đại hội đã bầu 15 đồng chí vào BCH Đảng bộ, đồng chí Bùi Đắc Dương Bí thư Đảng ủy, đồng chí Bùi Tuấn Vương, Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, đồng chí Bùi Văn Vương Phó Bí thư Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, đồng chí Nguyễn Thái Hà, đồng chí Đinh Quang Khảo ủy viên ban thường vụ. Cuối tháng 4 năm 2016, đồng chí Bùi Văn Vương, Chủ tịch UBND xã nghỉ chế độ BHXH trước tuổi, đồng chí Bùi Tuấn Vương được Huyện ủy Nho Quan chỉ định giữ chức Quyền Chủ tịch UBND xã, tháng 6, đồng chí Nguyễn Thái Hà được bầu bổ sung giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng ủy.

Đi đôi với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, về Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam... Tạo nên sự chuyển biến về nhận thức bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ. Nâng cao kiến thức, năng lực lãnh đạo, rèn luyện đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Kỷ cương trong sinh hoạt của các chi bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế vào ngày 03 hàng tháng. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt, hội họp đạt từ 85% trở lên. Vai trò lãnh đạo của BCH Đảng bộ, Ban chi ủy các chi bộ ngày càng được đề cao, tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt, Đảng bộ đã xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ” giai đoạn 1945 - 2000 nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2004).

Công tác bồi dưỡng quy hoạch cán bộ được Đảng bộ thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ. Trong nhiệm kỳ XXX, đã cử 14 đồng chí đi học sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị; 2 đồng chí đi học văn hóa trung học phổ thông; 4 đồng chí đi học trung cấp chuyên môn; 2 đảng viên và một đoàn viên đi học Đại học Nông nghiệp tại chức. Ngoài ra, hằng năm các cán bộ chủ chốt ở xã được đi tập huấn các lớp bồi dưỡng tập trung ngắn ngày do tỉnh, huyện và ngành cấp trên mở.

Nhiệm kỳ XXXI và XXXII (2005 - 2015), Đảng bộ đã cử 18 đảng viên đi học sơ cấp chính trị, 7 đảng viên học trung cấp lý luận chính trị; 6 người học văn hoá trung học phổ thông, 9 người đi học trung cấp chuyên môn; 10 người đi học đại học. Bên cạnh đó còn có số cán bộ, đảng viên công chức xã tự học dưới nhiều hình thức như học tại chức dài hạn, ngắn hạn theo chế độ học ngoài giờ làm việc... và tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ do ngành dọc cấp trên tổ chức.

Công tác phát triển Đảng viên mới có nhiều tiến bộ, nhiệm kỳ 2000 - 2005, đã kết nạp được 52 đảng viên mới ở 11/ 14 chi bộ, tỷ lệ đảng viên mới là đoàn viên thanh niên chiếm 94,2%, đa số có trình độ văn hóa trung học phổ thông và có chuyên môn nghiệp vụ. Số đảng viên trẻ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức chi bộ Đảng. Từ năm 2006 đến năm 2016, Đảng bộ đã kết nạp được 107 quần chúng ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ đã chú trọng và quan tâm phát triển Đảng trong quần chúng là những người trực tiếp lao động, do vậy đã kết nạp được 12 quần chúng thuộc các tổ chức chính trị vào Đảng.

Công tác kiểm tra của Đảng được duy trì thường xuyên. Thực hiện phương châm “vừa xây vừa chống”, xây là nhiệm vụ chính, chống các biểu hiện vi phạm phải làm thường xuyên. Đảng bộ đã tăng cường công tác kiểm tra đảng viên và các chi bộ trực thuộc về chấp hành điều lệ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, các chỉ thị nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên. Qua kiểm tra đã uốn nắn kịp thời những sai sót, góp phần nâng cao chất lượng, ý thức kỷ luật của cán bộ đảng viên và năng lực sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, có tác dụng giáo dục ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện vi phạm. Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo. ủy ban kiểm tra Đảng ủy đã xem xét tham mưu cho cấp ủy xử lý kỷ luật 31 đảng viên (năm 2000 - 2005). Trong đó có một đồng chí là Đảng ủy viên, 2 đồng chí là Bí thư Chi bộ, 4 đồng chí là Phó Bí thư Chi bộ, 3 đồng chí là chi ủy viên, và 21 đảng viên khác với các hình thức khiển trách 20 đồng chí = 5,74%, cảnh cáo 11 đồng chí = 3,16%, xóa tên 2 đảng viên dự bị = 0,57 % so với tổng số đảng viên trong Đảng bộ. Nội dung vi phạm chủ yếu là chấp hành nghị quyết của Đảng không nghiêm, thực hiện việc dồn điền đổi thửa không đúng theo chỉ đạo và vi pham Qui định số 19 về những điều đảng viên không được làm.

Từ năm 2006 đến năm 2016, công tác kiểm tra của Đảng theo Điều 30 và Điều 32 của Điều lệ Đảng, được Đảng bộ thực hiện hằng năm, trong 8 năm đã tổ chức kiểm tra giám sát được 85 cuộc. Qua kiểm tra giám sát đã xử lý 35 cá nhân đảng viên có vi phạm, với các hình thức: Khiển trách 21, cảnh cáo 13, khai trừ 1.

Các vụ việc được Đảng ủy xem xét, đưa ra các hình thức giáo dục, xử lý kỷ luật đều bảo đảm theo nguyên tắc của Điều lệ Đảng, mang tính giáo dục cao trên tinh thần đồng chí giúp nhau cùng tiến bộ. Sau xử lý kỷ luật không có trường hợp nào khiếu nại. Qua công tác kiểm tra, đã giúp cho cấp ủy Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là nhằm xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện kiểm tra là để làm rõ đúng, sai, kết luận và xử lý các vi phạm. Trên cơ sở đó, cấp ủy xem xét, thi hành kỷ luật theo đúng nguyên tắc, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đồng thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và cá nhân đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Đánh giá phân tích chất lượng chi bộ, đảng bộ và chất lượng đảng viên hàng năm cho thấy: Năm 2000, Đảng bộ có 14 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ xếp loại trong sạch vững mạnh đạt 57,1%, 4 chi bộ xếp loại khá đạt 28,6%, 2 chi bộ yếu kém chiếm tỷ lệ 1,4%. 324 đảng viên, trong đó: 240 đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 87,6%. 22 đảng viên xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đạt 8%, 12 đảng viên xếp loại chưa hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 4,4% (50 đồng chí miễn sinh hoạt không xếp loại). Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Năm 2004, Đảng bộ đã có 348 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ: 9 chi bộ xếp loại trong sạch vững mạnh đạt 60%, 6 chi bộ hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 40 %, không có chi bộ yếu kém. 101 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 33,8 %, 187 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ đạt 62,5 %, 11 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ vi phạm tư cách. (miễn sinh hoạt và không xếp loại 49 đồng chí). Như vậy số đảng viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2004 = 288 đồng chí đạt 96,3%, tăng 26 đồng chí = tăng 0,7 %, đảng viên vi phạm tư cách giảm 1 đồng chí = giảm 0,7 % so với năm 2000. Đảng bộ đạt danh hiệu “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu” (nhiệm kỳ 2000 - 2005), được Tỉnh ủy Ninh Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân - ủy ban MTTQ VN xã Xích Thổ đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 9 năm ngày xã đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh.

Năm 2010, Đảng bộ có 15 chi bộ[44] có 13 chi bộ xếp loại trong sạch vững mạnh, trong đó có 3 chi bộ TSVM tiêu biểu gồm: Chi bộ Cơ quan xã; Chi bộ trường Mầm Non và Chi bộ Hùng Sơn. 2 chi bộ xếp loại chi bộ hoàn thành nhiệm vụ là Đức Thành và Chi bộ Quyết Thắng. Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 387 đồng chí. Trong đó: đảng viên thuộc diện miễn sinh hoạt, không đánh giá là 57 đồng chí, đảng viên mới kết nạp không đánh 03 đồng chí; đảng viên được đánh giá phân xếp loại là 327 đồng chí, đã đánh giá và xếp loại là 320 đ/c, còn 7 đ/c do đi làm ăn xa không có bản kiểm điểm và ý kiến nhận xét của nơi tạm trú nên chưa phân xếp loại chiếm 2,14%. Kết quả cụ thể: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có 92 đ/c, đạt 28,13%; Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ 191 đ/c, đạt 58,4%; Đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ 34 đ/c, đạt 10,4%; Đảng viên vi phạm tư cách có 3 đ/c, chiếm 0,91%. Được Tỉnh ủy Ninh Bình tặng cờ 10 năm liên tục là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Năm 2014, Thực hiện Hướng dẫn số 27 - HD/BTCTW ngày 25 tháng 9 năm 2014, của Ban Tổ chức Trung ương về việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ có 408 đảng viên, sinh hoạt ở 14 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ thôn xóm, 4 chi bộ cơ quan. Số đảng viên tham gia đánh giá chất lượng là 344 đồng chí (64 đồng chí miễn sinh hoạt không tham gia đánh giá chất lượng). Kết quả về phân xếp loại đảng viên: Có 42 đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ = 12,2%, 229 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ = 66,6%, 71 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ = 20,6%, 2 đảng viên vi phạm tư cách bị xử lý kỷ luật = 0,6%. 3 đồng chí chưa phân xếp loại chiếm 0,8%. Kết quả phân xếp loại chi bộ: Có 10 chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh (trong đó có 2 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu là Chi bộ thôn Hùng Sơn; chi bộ Trường trung học cơ sở), 4 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (Chi bộ thôn Minh Long, Quyết Thắng, Hồng Quang và Chi bộ Trường Mầm non). Không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ được Huyện ủy Nho Quan đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 2015, Đảng bộ có 14 chi bộ[45]. Trong đó có 8 chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, 2 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu là chi bộ Hùng Sơn và Đức Thành. 5 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1 chi bộ đạt tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ là Chi bộ Quyết Thắng. Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 414 đồng chí. Trong đó: 68 đảng viên thuộc diện miễn sinh hoạt, không đánh giá, 346 đảng viên thuộc diện đánh giá phân xếp loại. 11 đ/c chưa phân xếp loại chiếm 3,18%. Kết quả: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 29 đ/c, đạt 9%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ 180 đ/c, đạt 54%. đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ 121 đ/c, đạt 36%, đảng viên vi phạm tư cách có 4 đ/c, chiếm 1,2%.

Các năm 2011 đến năm 2013, Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, năm 2014 Đảng bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2015 xếp loại hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với việc chỉnh đốn và xây dựng Đảng, Đảng bộ coi trọng việc củng cố hệ thống chính trị vững mạnh để phát triển kinh tế chính trị xã hội. Trước hết, tập trung củng cố “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Đảng bộ đã lãnh đạo thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (2002) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (2004). Hội đồng nhân xã Xích Thổ nhiệm kỳ 2004 - 2009, đã bầu được 29 đại biểu. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 21 tháng 5 năm 2004, Hội đồng nhân dân xã đã bầu ông Đỗ Văn Quyết, giữ chức Chủ tịch Hội đồng; Bà Bùi Thị Đạt giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng nhân dân xã cũng đã bầu ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã; ông Hoàng Ngọc Báu và ông Bùi Văn Vương Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã; ông Hoàng Hữu Hán, ủy viên ủy ban - Chỉ huy trưởng quân sự xã; ông Lương Thế Quyền, ủy viên ủy ban - Trưởng công an xã. Sau bầu cử bộ máy tổ chức được kiện toàn đi vào hoạt động ổn định. Tháng 4 năm 2006, ông Nguyễn Đức Hiệp lâm bệnh nặng và từ trần, được sự nhất trí của lãnh đạo huyện Nho Quan, Đảng ủy xã Xích Thổ đã bầu bổ sung đồng chí Bùi Văn Vương, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã thay ông Nguyễn Đức Hiệp. Đồng chí Nguyễn Thái Hà Đảng ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã thay đồng chí Bùi Văn Vương. Các đại biểu Hội đồng đã đề cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, giữ được mối liên hệ và thực hiện có nền nếp tiếp xúc cử tri, nội dung kỳ họp được đổi mới, hoạt động của các đại biểu Hội đồng và tổ Hội đồng được tăng cường, có nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia thảo luận tại các kỳ họp nên các Nghị quyết, các vấn đề quan trọng được Hội đồng đưa ra đều phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đảm bảo đúng chức năng, đúng thẩm quyền. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân hiệu quả hơn.

Thực hiện Quyết định của ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XII về việc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 thành nhiệm kỳ 2004 - 2011 và bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vào cùng một ngày 22 tháng 5 năm 2011. Đảng bộ, chính quyền và MTTQ đã quán triệt triển khai các nghị quyết, các văn bản về công tác bầu cử, chỉ đạo thành lập các tổ bầu cử ở cấp xã và các thôn. tập huấn cho các tổ bầu cử. Kết quả đã bầu được 29 đại biểu HĐND xã; Cùng với các đơn vị bầu cử khác đã bầu được 5 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện; 4 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 3 đại biểu Quốc hội, đảm bảo bầu một lần, đủ số lượng, đúng cơ cấu, đúng luật, an toàn và tiết kiệm.

Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2011 - 2016, bầu ông Đỗ Văn Quyết làm Chủ tịch, bà Bùi Thị Đạt làm Phó Chủ tịch Hội đồng, ông Bùi Văn Vương làm Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, ông Nguyễn Thái Hà và ông Nguyễn Đức Thiện làm Phó Chủ tịch UBND xã, ông Hoàng Hữu Hán ủy viên ủy ban - Xã đội trưởng, ông Lương Thế Quyền ủy viên ủy ban - Trưởng công an xã.

Ngày 22 - 5 - 2016, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cử tri trong xã đã bầu được 29 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, cùng với các đơn vị bầu cử trong huyện, trong tỉnh bầu được 5 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Nho quan, 4 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình và 3 đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân xã, đã bầu ông Bùi Đắc Dương làm Chủ tịch Hội đồng, ông Đinh Quang Khảo làm Phó chủ tịch Hội đồng, ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, ông Nguyễn Huy Đoàn làm Phó Chủ tịch UBND xã[46], ông Nguyễn Mạnh Hải ủy viên ủy ban - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, ông Nguyễn Văn Dũng ủy viên ủy ban - Trưởng công an xã.

ủy ban nhân dân xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân xã, với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết Hội đồng nhân dân xã. Nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý điều hành, chủ động tháo gỡ những khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở địa phương. Phương thức, lề lối làm việc của ủy ban nhân dân xã được cải tiến, chỉ đạo điều hành tập trung, kiên quyết, đúng pháp luật, tiếp tục cải cách hành chính theo mô hình liên thông một cửa, giải quyết đơn thư của công dân kịp thời, đúng pháp luật. Qua hoạt động của chính quyền địa phương đều được Hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân huyện Nho Quan xếp loại chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012.

Quán triệt phương châm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với MTTQ, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội, trưởng ban công tác mặt trận thôn là cấp ủy chi bộ. Các đoàn thể đã phát huy vai trò tổ chức hội của mình chủ động trong các hoạt động. Tiến hành tổng kết Nghị quyết 8b khóa VI của TW về tăng cường công tác dân vận của Đảng. Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ chính trị khóa VIII, về xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các đoàn thể và cá nhân điển hình tiên tiến được nêu gương kịp thời, sự phối kết hợp giữa chính quyền - MTTQ các đoàn thể nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ tốt hơn. Đổi mới một bước về nội dung, phương thức hoạt động hướng tới các chi hội, chi đoàn ở thôn xóm.

Mặt trận Tổ quốc tăng cường củng cố khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng quỹ vì người nghèo, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Ngày vì người nghèo giai đoạn 2000 - 2010. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Đinh Quang Khảo Chủ tịch.

Năm 2013, phối kết hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, các cấp, các ngành trong xã, phát động phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân giải phóng hành lang, hiến đất và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn. Kết quả toàn xã có 188 hộ tự nguyện hiến 8.322 m2 đất, 18 m3 tường bao, tiêu biểu như thôn Minh Hồng, Lạc Long và thôn Hùng Sơn... cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, toàn xã đã làm được 6 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài bằng 1.125 m, tạo điều kiện giao thông đi lại được thuận tiện.

ủy ban MTTQ xã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về MTTQVN, các tổ chức chính trị và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thường trực UBMTTQ xã đã xây dựng Kế hoạch số 13 ngày 16 tháng 10 năm 2015, triển khai tới các ban công tác mặt trận thôn, lấy ý kiến tham gia của quần chúng nhân dân đóng góp về phẩm chất đạo đức lối sống cho đảng viên, công chức đợt 18/11/2015; kết quả đã có 412 ý kiến tham gia cho các đ/c đảng viên công chức về phẩm chất đạo đức lối sống. Từ năm 2000 đến 2016, chức danh Chủ tịch UBMTTQ xã do các ông: Nguyễn Đình Dục (1984 - 2006), Đinh Quang Khảo (2006 - 2015), Nguyễn Mạnh Hải (tháng 2 đến tháng 12 năm 2015), Hoàng Văn Vượng được bầu giữ chức Chủ tịch từ tháng 01 năm 2016.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã bám sát 5 chương trình, 2 phong trào do Trung ương Hội phát động, được Đảng bộ giao cùng với UBMTTQ xã đảm nhận phối hợp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chủ trì thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường. Tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động, triển khai các chương trình, dự án vay vốn dậy nghề, tạo việc làm giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, thu hút ngày càng nhiều hội viên vào tham gia sinh hoạt hội. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, bà Nguyễn Thị Phấn làm Chủ tịch. Hội đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”[47] và việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đảm bảo 100% cán bộ, 95% hội viên đăng ký thực hiện, có 5% số người đăng ký mới và 90% trở lên số người đăng ký đạt tiêu chuẩn của phong trào. Triển khai tín chấp vay vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần trong cán bộ hội viên. 100% chi hội tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật. Năm 2003, được Chính phủ tặng bằng khen: Là đơn vị có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2001 - 2003 góp phần vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Năm 2004, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen: Hội đạt thành tích xuất sắc trong chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác hội năm 2003 - 2004. Năm 2007, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 2002 - 2007. Từ năm 2000 đến năm 2016, chức danh Chủ tịch Hội do bà Bùi Thị Đạt (1991 - 2004), Nguyễn Thị Phấn (2004 đến tháng 3/2016), tháng 4 năm 2016 bà Bùi Thị Thúy Lan được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Hội nông dân làm nòng cốt trong chương trình xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền vận động nông dân phát triển cây nông nghiệp hàng hóa. Xây dựng mô hình gia đình làm kinh tế giỏi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tín chấp vay vốn ngân hàng mua vật tư trả chậm cho hội viên phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển. Năm 2002, UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng hội. Năm 2005, UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005. Từ năm 2004 đến năm 2014 liên tục được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen là đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hội và phong trào nông dân. Từ năm 2000 đến năm 2016 ông Nguyễn Văn Sự liên tục được các kỳ đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh phong trào thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước. Chăm lo bồi dưỡng giáo dục về chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên, duy trì và phát triển phong trào thanh niên tình nguyện, phối kết hợp với các ban ngành đoàn thể làm tốt công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên nhi đồng. Tăng cường công tác giáo dục đoàn viên tham gia công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phát triển đảng trong đoàn viên thanh niên. Xác định rõ vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn là đội hậu bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tổ chức thường xuyên tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày thành lập Đoàn. Thường xuyên, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng về công tác thanh niên, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá”, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 42- CT/TW năm 2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Năm 2013, BCH đoàn xã tham mưu cho Đảng ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25, Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”. Đặc biệt là năm 2015, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Xích Thổ khóa XXXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội đại biểu Đảng các cấp. Từ đó đã làm cho đoàn viên, thanh niên trong xã tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và khẳng định rõ vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong những năm qua BCH Đoàn xã đã xét và giới thiệu được 128 đoàn viên ưu tú đề nghị các cấp ủy Đảng xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đã bồi dưỡng giúp đỡ được 95 đoàn viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 2001 đến năm 2014, Đoàn Thanh niên xã Xích Thổ liên tục được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh thiếu niên. BCH huyện đoàn Nho Quan tặng cờ là đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thanh thiếu niên.

Từ năm 2000 đến năm 2016, các đồng chí được giữ chức Bí thư Đoàn xã: Đinh Quang Khảo (2000 - 2006), Hoàng Văn Hoán (2006 - 2008), Bùi Tuấn Vương (2008 - 2014), Nguyễn Hải Anh (2014 - 2016).

Hội Cựu chiến binh phát huy truyền thống, bản chất bộ đội cụ Hồ, gương mẫu trong sản xuất giỏi và tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ Đảng, chính quyền và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đẩy mạnh phong trào, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình xóa đói giảm nghèo. Chủ trì đảm nhận nhiệm vụ giải tỏa hành lang giao thông. Năm 2003, Hội Cựu chiến binh Xích Thổ được UBND tỉnh Ninh Bình tặng danh hiệu Đơn vị tiến tiến xuất sắc. Năm 2012, Hội CCB tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen. Năm 2014, Ban Chấp hành TW Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen, UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen giai đoạn 2009 - 2014. Các chức danh Chủ tịch Hội giai đoạn 2000 - 2016 gồm có: Đồng chí Nguyễn Huy Liệu (1990 - 2006); đồng chí Bùi Ngọc Hồng (2006- 2007); đồng chí Nguyễn Đức Tựa (2007 - 2016).

Các tổ chức xã hội như: Hội Người cao tuổi hoạt động với chủ đề ông, bà mẫu mực - con cháu thảo hiền”. Hàng năm tổ chức tốt lễ mừng thọ cho các cụ chẵn tuổi 70 - 80 - 90 và 100 tuổi trở lên. Hội Chữ thập đỏ hoạt động với chương trình giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ nhân đạo. Hội Khuyến học tăng cường động viên khuyến khích những học sinh nghèo vượt khó vươn lên, những học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng đại học, những thày cô giáo có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, tích cực xây dựng gia đình hiếu học dòng họ hiếu học, tiến tới xây dựng làng hiếu học.

Hệ thống chính trị đã phát huy và nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân trong xã, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, các khoản đóng góp với tập thể, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác lãnh đạo của Đảng bộ vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu như: Nền kinh tế của xã có phát triển nhưng chậm và chưa bền vững, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về cơ cấu giữa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ; Chất lượng các tiêu chí làng văn hóa và chuẩn Quốc gia y tế xã chưa cao, một số tiêu chí không còn duy trì được (chuẩn 5 về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền), nhất là cơ sở vật chất trạm y tế xã bị xuống cấp nghiêm trọng, thông tin tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời; Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật có mặt còn hạn chế, tệ nạn khai thác cát trên sông Bôi chậm được khắc phục; Công tác giáo dục chính trị tư tưởng rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ cấp ủy vi phạm kỷ luật Đảng còn cao, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền ở một số lĩnh vực chưa tập trung kiên quyết, dây dưa nợ đọng với tập thể chưa được giải quyết dứt điểm. Vấn đề về quản lý tài nguyên môi trường, quản lý kinh tế tài chính và quản lý nhân hộ khẩu còn nhiều thiếu sót. Phong trào xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế, đến nay (2016) mới đạt 13 tiêu chí/19 tiêu chí theo quy định. Trên địa bàn có nhiều công ty, doanh nghiệp, đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút lao động người địa phương vào làm việc, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình và đóng góp phúc lợi với địa phương, song cũng kéo theo những khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên, quản lý môi trường, quản lý nhân hộ khẩu thường trú trên địa bàn, quản lý về an ninh, trật tự an toàn xã hội... của Đảng bộ và chính quyền địa phương.

Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của BCH Đảng bộ, nhất là Ban Thường vụ Đảng ủy, đã mắc sai lầm khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nên Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan phải thi hành kỷ luật: Hình thức khiển trách đối với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, đối với đồng chí Bí thư Đảng bộ và áp dụng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Phó Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã vào cuối năm 2015.

Rút ra bài học từ thực tế, Đảng bộ xác định, việc tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, phải được làm thường xuyên, liên tục việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải được xuất phát từ tính tự nguyện, tự giác. Nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ trong Đảng phải được đảm bảo, đi đôi với việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhất gắn với việc không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giúp đỡ nhau trên tinh thần đồng chí cùng tiến bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ huyện Nho Quan “Một số nội dung về nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản, tổ dân phố”, với tinh thần trách nhiệm cao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

II. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (2001 - 2016)

Bước sang thiên niên kỷ mới, năm 2001 cả nước đón nhận Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX với tinh thần: “Đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần nhân dân; Tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng bộ xã Xích Thổ xác định: Xích Thổ là một xã thuần nông, trước mắt phải tạo được bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, muốn vậy phải thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, tạo những vùng sản xuất quy mô lớn, gắn với việc quy hoạch lại đồng ruộng, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện Kế hoạch số 12-KH/UBND ngày 29/10/2002 của ủy ban nhân tỉnh về việc dồn điền đổi thửa, để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đảng bộ xác định đây là chủ trương lớn có ý nghĩa chính trị, kinh tế trước mắt và lâu dài, liên quan đến đại đa số các hộ nông dân, tác động trực tiếp đến tâm lý, tập quán và lợi ích của người dân, do vậy ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa của xã được thành lập, gồm 22 thành viên, đồng chí Trần Trung Hậu Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Đảng ủy Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Trọng Toan Đảng ủy viên Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp làm phó ban, các ủy viên là cán bộ chuyên môn, thuộc các ban ngành đoàn thể và các đồng chí bí thư chi bộ thôn. UBND xã thành lập tổ công tác gồm 11 thành viên do ông Nguyễn Đức Thiện cán bộ địa chính xã làm tổ trưởng giúp ban chỉ đạo xây dựng đề án để triển khai kế hoạch dồn điền đổi thửa, mỗi thôn thành lập tiểu ban do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng tiểu ban, đồng chí phó bí thư chi bộ trưởng thôn làm phó trưởng tiểu ban.

Dồn điền đổi thửa nhằm mục đích hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phân tán manh mún về đất đai, tạo điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mỗi hộ tối đa chỉ canh tác từ 2 - 4 thửa. Tạo điều kiện cho công tác quản lý, theo dõi biến động đất đai chặt chẽ, tiến tới mỗi thửa được cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc dồn điền đổi thửa được thực hiện theo nguyên tắc, trên cơ sở diện tích đất của các hộ được giao theo Quyết định 313 năm 1993 của UBND tỉnh Ninh Bình, trước hết do các hộ bàn bạc thỏa thuận, tự nguyện chuyển đổi với nhau, song phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung thống nhất của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đảm bảo dân chủ công khai. Trên thực tế đồng ruộng ở Xích Thổ là xã miền núi có nhiều loại đất khác nhau, từ đất đồng chiêm trũng, đến đất gò đồi, đất bãi ven sông, đều có ở các thôn, nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa một bộ phận nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ, chưa thấy hết tác dụng lâu dài nên chưa đồng tình với chủ trương dồn điền đổi thửa, một số chưa thông chủ trương còn đòi hỏi những người sinh sau năm 1993 cũng phải được chia ruộng như khẩu khác, cá biệt số ít cán bộ thôn đã lạm dụng quyền hạn để gia đình mình được nhận phần ruộng tốt, ruộng gần nhà, đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sau gần 1 năm tổ chức thực hiện cả xã đã hoàn thành, cơ bản đạt được theo các yêu cầu và mục tiêu đã đề ra. Diện tích của các hộ nhìn chung vẫn được giữ nguyên như trước, diện tích đưa vào qui hoạch giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi được cắt trừ vào diện tích đất thầu ngân sách xã. Bình quân một hộ có 8 thửa, ít hơn 8 thửa so với năm 1993. Việc dồn điền đổi thửa phần nào đã khắc phục đáng kể tình trạng manh mún phân tán ruộng đất như trước đây.

Sau 10 năm, năm 2013 thực hiện Đề án số 06 ngày 04 tháng 4 năm 2012 của ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020, Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan và Hướng dẫn số 774 ngày 9 tháng 8 năm 2013, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình về quy trình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ đã quán triệt, triển khai, học tập đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thời thành lập ban chỉ đạo của xã do đồng chí bí thư đảng ủy làm trưởng ban, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân xã làm phó ban thường trực; thành lập các tiểu ban thực hiện dồn điền đổi thửa ở các thôn do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng tiểu ban. Ban chấp hành Đảng bộ xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 04 ngày 16/1/2013, xác định: “Dồn điền đổi thửa tuy không phải là tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng lại là yếu tố quyết định sự thành công của nhiều tiêu chí khác để nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao năng suất lao động, đưa cơ giới hóa áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động trực tiếp, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, gắn với quy hoạch chỉnh trang lại đồng ruộng”. Đảng bộ đưa ra 3 mục tiêu, 9 nguyên tắc và 6 giải pháp để tổ chức thực hiện công tác dồn điền đổi thửa[48]. Kết quả trong 2 năm 2014 - 2015 các thôn đã cơ bản thực hiện xong việc giao nhận đất trên thực địa cho các hộ, hoàn thiện hồ sơ địa chính, phiếu thửa để đề nghị cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân. Sau dồn điền đổi thửa, mỗi hộ có số ruộng không ở quá từ 1 đến 2 xứ đồng, xứ rộc. Số thửa trên hộ đã được thu gọn, năm 1993 bình quân 16 thửa trên hộ, năm 2003 bình quân còn 8 thửa trên hộ và đến năm 2016 bình quân là 4,5 thửa trên hộ. Những cánh đồng lớn tương đối bằng phẳng đã được qui hoạch lại đường giao thông thủy lợi, bờ vùng bờ thửa theo từng lô ruộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đất công ích của xã được dồn lại tập trung theo từng khu vực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy mô diện tích của thửa đất sau chuyển đổi còn nhỏ; bình quân số thửa trên hộ còn cao, chưa liền vùng, liền thửa, chưa hình thành được vùng chuyên canh lớn hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi ruộng đất ở các vùng màu, vùng bãi, vùng cây công nghiệp chưa được quan tâm, quy hoạch và quản lý quỹ đất công ích còn bất cập. Những hạn chế này đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg[49] ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện, trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ đã tổ chức các hội nghị nhằm triển khai, tuyên tuyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành lập ban điều hành của xã do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân xã làm trưởng ban, thành lập tiểu ban phát triển thôn ở các thôn do đồng chí trưởng thôn làm trưởng tiểu ban.

Được sự quan tâm của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện Nho Quan, năm 2011 huyện đã tổ chức cho cán bộ chủ chốt của các xã cùng huyện đi tham quan, học tập mô hình điểm xây dựng nông thôn mới tại xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và tổ chức cho cán bộ cấp thôn tham quan học tập tại tỉnh Hà Nam.

Đảng bộ tập trung lãnh đạo chỉ đạo việc rà soát các tiêu chí, xây dựng quy hoạch tổng thể, qui hoạch chi tiết, thiết lập lộ trình, trình UBND huyện Nho Quan phê duyệt. Sau khi được phê duyệt đã triển khai xây dựng chỉ tiêu thực hiện các tiêu chí cho từng năm để phấn đấu.

Đảng bộ xác định đây là cuộc cách mạng mới đột phá về xây dựng nông nghiệp, nông thôn với khẩu hiệu “Nông thôn mới - Tư duy mới - Diện mạo mới - Đời sống mới”. Đồng thời xác định chủ đề, chủ điểm tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, trước hết là phát triển kinh tế, theo chủ trương của Đảng phát triển các thành phần kinh tế (Đại hội X của Đảng, tháng 4 năm 2006 đã xác định 5 thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế Tư bản Nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Năm 2005, trên địa bàn xã có 440 hộ và nhóm hộ, thu hút 672 lao động tham gia tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, tăng 319 lao động so với năm 2000, tập trung vào các ngành nghề chủ yếu: Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, thợ xây, chế biến lương thực, may mặc, vận chuyển... doanh thu 6.215.000.000 đồng tăng 4.715.000.000 so với năm 2001, chiếm 28,76% tỷ trọng kinh tế, đến năm 2009 có 30 loại hình dịch vụ hoạt động ở 694 đơn vị tập thể và cá nhân, thu hút 1.171 lao động tham gia trong nhiều ngành nghề khác nhau, với tổng doanh thu của năm 2009 là: 17.031.200.000 đồng, chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là 38,1%. Đến năm 2016, ở Xích Thổ đã có 1.670 hộ và nhóm hộ thu hút 2.412 lao động tham gia trong các thành phần kinh tế tư nhân ở các lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp TMDV..., tăng 496 lao động so với năm 2009, doanh thu đạt 85.296.735.000đ tăng 68.238.535.000d so với năm 2009. Đặc biệt trên địa bàn xã có 7 doanh nghiệp, trong đó có 3 chủ doanh nghiệp là người địa phương.

Hợp tác xã điện lực được UBND huyện phê duyệt và cấp giấy phép kinh doanh, đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ, kịp thời tu bổ những lỗi hỏng hóc thông thường, quản lý và bán điện một giá thống nhất trong toàn xã, hạn chế cơ bản được tổ, nhóm trung gian, từng bước hoàn thiện đường dây hạ thế để bán điện cho các hộ dân trong toàn xã.

Về sản xuất nông nghiệp, đã vận động nhân dân chuyển đổi được cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, thêm nhiều sản phẩm hàng hóa như cây dưa, bầu, bí, ớt cay... góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Phần lớn diện tích vụ chiêm xuân, lúa mùa được cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao, như giống tạp giao Trung quốc, khang dân siêu nguyên chủng, ngô lai VN 10, coi trọng khung thời vụ tốt nhất. áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn, gà, dê, thả cá, lai sin hóa đàn bò, vận động nhân dân hoàn thành các khoản giao nộp với Nhà nước và tập thể không còn dây dưa nợ đọng như trước. Diện tích lúa chiêm, lúa mùa và lúa hè thu mỗi năm bình quân gieo cấy xấp xỉ 692 ha. Sản lượng năm 2004, đạt 54,47 tạ/ha, năm 2010 sản lượng đạt 60,17 tạ/ha. Cây mầu truyền thống đã được thay thế bằng các loại cây mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXXIII (tháng 4 năm 2015) đã khẳng định: kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,12% (vượt chỉ tiêu 1,2%), giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 57.034.000đ (vượt chỉ tiêu 7.034.000đ); giá trị thu nhập bình quân trên một người, một năm đạt 20.187.000đ (vượt chỉ tiêu 6.787.000đ), đời sống của nhân dân đã được nâng lên, nhưng so với thu nhập bình quân chung của huyện, của tỉnh vẫn còn thấp, nên Xích Thổ chưa đạt chuẩn về nông thôn mới.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, mô hình nuôi bò lai sin được nhân rộng, tiến tới lai hóa đàn bò. Đàn lợn chuyển mạnh sang chăn nuôi công nghiệp, số hộ tổ chức chăn nuôi theo trang trại, gia trại tập trung mỗi ngày một tăng. Năm 2004 tổng đàn lợn đã có 3000 con trong đó lợn nái gần 1000 con. Năm 2016 ước tính có 14.517 con, trong đó lợn nái 5173 con, đàn trâu bò bê nghé có 1.248 con, đàn gia cầm có 77.537 con, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho hộ gia đình và địa phương. Đảng bộ chủ trương vận động nhân dân phát triển đa dạng hóa các loại hình chăn nuôi phục vụ thị trường như: nuôi ong lấy mật, nuôi dê, nuôi vịt và thả cá vụ, cá lồng ven sông...  

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã, bảo đảm được 6 loại hình dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp, do vậy công tác xây dựng cơ sở hạ tầng có bước phát triển nhanh, nhất là 3 mục tiêu ưu tiên “đường, trường, trạm”. Kết quả 2 đoạn đường nhựa trên địa bàn thôn Hùng Sơn và thôn Hồng Quang với chiều dài hơn 4 km, đường cấp phối từ thôn Liên Minh đến thôn Đức Thành dài gần 4 km, tuyến đường bê tông vào chợ Lạc và tuyến vào Trường Tiểu học, đường vào thung Súa dài hơn 1 km. Tu sửa, nâng cấp hồ Bà Thức, hồ rộc Đom, mương cốt cứng đồng Tráng, vào Trạm bơm 2, rộc é với tổng chiều dài 2,5 km, các tuyến đê bao đồng Nhan, đồng Tráng, đồng ới, đồng Chăn dài 6,7 km, mương tưới từ rộc Đom vào rộc ót, rộc Thính dài 1km, củng cố 9 ao đầu sốc ở các thôn phục vụ cho nhu cầu dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Năm 2004, được nhà nước đầu tư xây mới trụ sở làm việc của xã, tháng 5 năm 2005 hệ thống chính trị Đảng, chính quyền MTTQ Việt Nam xã Xích Thổ chuyển về làm việc tại trụ sở mới. Hoàn thành xây dựng trung tâm học tập cộng đồng với giá trị trên 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí của ngân sách xã và sự đóng góp của nhân dân, bình quân mỗi khẩu 50 ngàn đồng, xây dựng 8 phòng học cao tầng của trường tiểu học, trạm y tế xã, nhà dân số, nhà công vụ trường trung học cơ sở. Hoàn thành công trình cấp nước sạch thôn Hồng Quang, 2 trạm biến thế điện và đường điện cao thế vào thôn Đức Thành, tuyến đường hạ thế ở 9 thôn, xây dựng nhà văn hóa ở 8 thôn. Tổng giá trị các công trình đã làm là: 8.872.627.000 đồng, trong đó: Nhà nước đầu tư là 6.131.000.000đ = 69,1%; Ngân sách xã đầu tư là 2.082.517.000đ = 23,5%; Nhân dân đóng góp là 659.110. 000đ = 7,4%.

Năm 2009, Nhà nước đầu tư cùng với sự đóng góp của nhân dân xây dựng hoàn thiện trạm cấp nước sạch quy mô toàn xã, với công suất 250m3/ngày. Tổng kinh phí 10.282.000.000đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp 6.169.000.000đồng, nhân dân đóng góp 4.113.000.000đồng.

Từ năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho Xích Thổ 892 tấn xi măng cùng với sự đóng góp của nhân dân về cát đá và ngày công, đã làm được 6140m đường ở 29 tuyến. Năm 2016 được nhà nước hỗ trợ làm cầu phao qua sông tại bến đò thôn Quyết Thắng, đảm bảo xe ô tô tải trọng nhẹ qua lại thuận lợi.

Đảng bộ đã ra chủ trương cải tạo chợ Lạc theo tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bằng áp dụng hình thức xã hội hóa, địa phương và các tiểu thương cùng xây dựng các ki ốt, đổ bê tông trong chợ. Các công trình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt, cống rãnh thoát nước do người thầu chợ đầu tư, đến nay chợ Lạc đã cơ bản đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.

Năm 2013, nhà nước đầu tư xây dựng trạm biến áp tại thôn Liên Minh với công suất 180 KVA. Năm 2016, xây dựng thêm một trạm tại thôn Quyết Thắng công suất 250 KVA. Đưa số hộ trong xã được dùng điện đạt tỷ lệ trên 99%.

 Trong điều kiện kinh tế của xã còn thấp, việc thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh sản xuất để tạo nguồn thu, gắn với tiết kiệm chi, chi ngân sách theo kế hoạch, đúng quy định của Luật Ngân sách, hàng năm đã trích được một phần ngân sách xã đáng kể chi cho một số công trình phúc lợi ở thôn xóm. Chi các chế độ chính sách như tiền lương đối với cán bộ hưu xã và một số cán bộ xã không thuộc điều tiết của ngân sách Nhà nước.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, được tổ chức triển khai rộng khắp từ hộ gia đình đến thôn xóm. Theo tinh thần Công văn số 57-TB/VPCP ngày 03/7/2001 và Công văn số 610/VPCP ngày 3/12/2001 của Văn phòng Chính phủ, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do MTTQ VN cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Đảng bộ xã Xích Thổ đã lãnh đạo, chỉ đạo UBMTTQ chủ trì phối hợp với ủy ban nhân dân xã thống nhất tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương. Đảng bộ xác định trước hết phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trên cơ sở đó bảo tồn, gìn giữ, phát huy, phát triển nền Văn hóa Việt Nam. Đảng bộ nhận thức đây là cơ sở là cái gốc để xây dựng một xã hội nông thôn hiện đại nhưng không tách khỏi những giá trị văn hóa truyền thống, với tư tưởng chỉ đạo “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” trên nền tảng của sự đoàn kết toàn dân, dựa vào sức mạnh nội lực của cộng đồng khu dân cư là chính, có sự hỗ trợ của nhà nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến năm 2015 có 83,2% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới là 12,2%, cận nghèo là 8,8%, tỷ lệ phát triển dân số 1,08%, trẻ em suy dinh dưỡng dưới 16,4%. Số thôn và cơ quan văn hóa đạt 15/15 đơn vị. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt, số hộ có ti vi là 98%, sử dụng điện thoại có dây là 20%, điện thoại di động là 100%, số hộ có mạng Internet khoảng 40%.

Toàn xã có 10/10 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; Trường tiểu học được công nhận là Trường học văn hóa (2005). Đặc biệt từ năm 2005, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Ninh Bình và chương trình hành động của Huyện ủy Nho Quan về việc xóa nhà tranh vách đất, các chi bộ, các ngành các đoàn thể cùng nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia, đồng loạt tiến hành tổ chức thực hiện. Vận động quyên góp ủng hộ đợt 1 được 6.427.000 đồng, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước là 137.600.000 đồng, Xích Thổ đã xóa được 27 nhà tranh vách đất, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ trên 5 triệu đồng. Góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các gia đình còn khó khăn vươn lên từng bước ổn định đời sống. Tháng 11 năm 2005, được Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng ghi công hoàn thành “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, đến năm 2016 toàn xã đã xóa được 122 ngôi nhà dột nát cho những hộ nghèo và gia đình chính sách.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ đã huy động sự đóng góp của nhân dân, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước tập trung xây dựng cơ sở, vật chất các trường học, nhất là khối mầm non. Năm học 2000 - 2001, khối mầm non có 5 nhà trẻ, 12 lớp mẫu giáo, thu hút được 61,75% số cháu đến lớp, năm học 2004 - 2005 (năm cuối nhiệm kỳ XXX) đã có 9 nhà trẻ, 13 lớp mẫu giáo ở 10 thôn và khu trung tâm, 66,8% số cháu đến lớp đến trường, trong đó có 100% số cháu 5 tuổi đến lớp. Năm học 2010 - 2011 (năm cuối nhiệm kỳ XXXI) 22 lớp; 501 cháu, trong đó: Mẫu giáo 14 lớp, 360 cháu. Nhà trẻ 8 lớp, 141 trẻ. Năm học 2015 - 2016, trường Mầm non có 15 lớp, 605 cháu. Trong đó: Mẫu giáo là 10 lớp, 440 cháu. Nhà trẻ có 5 lớp, 165 trẻ.

Trường tiểu học năm học 2000 - 2001, có 31 lớp 812 học sinh, năm học 2004 - 2005 (năm cuối nhiệm kỳ XXX), có 21 lớp 550 học sinh, giảm 10 lớp và 262 học sinh so với năm học 2000 - 2001. Có đủ 21 phòng học, trong đó có 10 phòng học kiên cố cao tầng. Năm 2002, được công nhận Trường chuẩn Quốc gia giai đoạn một (1996 - 2000) và được công nhận Trường học văn hóa cấp tỉnh. Năm học 2010 - 2011 (năm cuối nhiệm kỳ XXXI) có 19 lớp, 520 học sinh. Năm học 2015 - 2016, có 11 lớp, 399 học sinh.

Trường trung học cơ sở năm học 2000 - 2001 có 19 lớp 812 học sinh, đến năm hoc 2004 - 2005 (năm cuối nhiệm kỳ XXX) còn 17 lớp, có 641 học sinh, giảm 2 lớp 171 học sinh so với năm học 2000 - 2001, trong đó có 12 phòng học kiên cố cao tầng, học sinh vẫn còn phải học 2 ca. Năm học 2010 - 2011 (năm cuối nhiệm kỳ XXXI), có 11 lớp với 384 học sinh. Năm học 2015 - 2016 có 11 lớp, 399 học sinh. Năm 2010 được công nhận trường chuẩn quốc gia.

100% số cháu trong độ tuổi được đến lớp đến trường, hằng năm không có học sinh lưu ban ở cả 2 cấp học. Các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở có số học sinh đỗ tốt nghiệp đạt từ 97% trở lên. Số học sinh giỏi hàng năm đạt từ 14 - 16%, số học sinh yếu kém từ 0,5 - 2%. Năm 2003, xã được công nhận là đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Năm 2012, bằng nguồn vốn của địa phương cùng với sự đóng góp của nhân dân xây dựng 6 phòng học 2 tầng tại khu vực Nội Đết thôn Minh Long. Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng thêm 1 phòng học và xây dựng hoàn thiện nhà hiệu bộ, các phòng chức năng trường mầm non khu trung tâm. Cuối năm 2012 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

Năm 2015, cùng với sự đầu tư kinh phí của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân (mỗi khẩu trong độ tuổi lao động từ 18 - 59 tuổi đóng góp 200.000 đồng trong 2 năm) đã xây dựng hoàn thiện khu nhà hiệu bộ cùng với khuôn viên sân trường tiểu học, hoàn thiện tiêu chí về cơ sở vật chất và được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Với tổng kinh phí các hạng mục công trình 13 tỷ 750 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương 10 tỷ 102 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 3 tỷ 648 triệu đồng.

Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng. Mạng lưới tuyến y tế thôn được củng cố kiện toàn, mỗi thôn có một cán bộ y tế thôn, cộng tác viên dân số có năng lực và trình độ chuyên môn theo qui định. Cơ sở vật chất được nâng cấp, trang thiết bị tại trạm y tế được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2004, xã Xích Thổ được ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận đạt Chuẩn Quốc gia về Y tế giai đoạn 2001 - 2010, là một trong những đơn vị được công nhận đợt đầu của tỉnh. Tại trạm đã được trang bị đầy đủ ống nghe, máy đo huyết áp, phương tiện máy móc hiện đại như máy siêu âm (năm 2012), máy làm giầu ô xy (năm 2013) phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị, công tác vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh, các Chương trình Y tế Quốc gia được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống các bệnh xã hội cho 100% các đối tượng. Số người dân được khám chữa bệnh tăng, hàng năm trạm y tế kết hợp với trung tâm y tế huyện khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng, gia đình chính sách, hộ nghèo, các cụ trong Hội Người cao tuổi. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được duy trì và đẩy mạnh, đã trở thành phong trào và ý thức tự giác thực hiện trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ sinh hằng năm được duy trì ở mức 0,74%. Duy trì khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng cho các cháu trong độ tuổi vào ngày 25 hàng tháng.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Duy trì thường xuyên đều đặn có hiệu quả các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vào dịp tết trung thu hàng năm. Quan tâm giúp đỡ, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi vào dịp tháng hành động vì trẻ em. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt hơn nên đã hạ được tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 26,8% năm 2000 xuống còn 22,5% vào năm 2016.

Chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước được các cấp các ngành, mọi tổ chức đoàn thể quan tâm. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh với nội dung hình thức phong phú hơn, cụ thể hơn, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ Hội Chữ thập đỏ, tặng sổ tình nghĩa cho gia đình chính sách. Xây dựng 4 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng bằng nguồn vốn nhà nước hỗ trợ và sự ủng hộ của nhân dân, đề nghị nhà nước trợ cấp ưu đãi một lần đối với 170 người hoạt động trong kháng chiến với số tiền 170 triệu đồng, truy tặng 3 liệt sỹ đưa tổng số toàn xã là 152 liệt sỹ, truy tặng 6 mẹ Việt Nam anh hùng[50], như vậy đến năm 2016 Xích Thổ có 10 mẹ Việt Nam anh hùng, truy tặng Lão thành Cách mạng cho ông Vũ Văn Xứng.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức như ở các hội nghị thường kỳ hàng tháng; sơ, tổng kết công tác quý, 6 tháng và năm. Năm 2008 Đảng, chính quyền xã đã đầu tư trên 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đài truyền thanh không dây phủ sóng 100% địa bàn toàn xã với 24 cụm loa, đảm bảo 100% số hộ dân trong xã đều tiếp cận được các thông tin của Đảng, Nhà nước và địa phương; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của đài là 3 người được trang bị kiến thức chuyên môn đáp ứng được yêu cầu trong quá trình khai thác và vận hành. Các phương tiện làm việc và phục vụ công tác của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các phòng, ban đều có máy vi tính được nối mạng Internet để phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn và công tác thông tin tuyên tuyền. Việc tiếp thu các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc và hưởng thụ văn hóa trong nhân dân ngày một tăng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Đảng bộ.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, tham gia tích cực trong các đợt hội thao hội diễn của huyện. 2 lần tổ chức đại hội thể dục thể thao ở xã thành công, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng đã thực sự được khơi dậy và nhân lên thành phong trào sâu rộng đều khắp. Nhân dân phấn khởi, nhiệt tình tự giác tham gia hưởng ứng, tự nguyện đóng góp kinh phí để tập luyện, sinh hoạt, thiết kế sân khấu, biểu diễn ở cả 10/10 thôn xóm trong toàn xã. Các đợt liên hoan văn nghệ quần chúng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc in đậm trong nhân dân.

Việc củng cố, xây dựng nhà văn hoá, tủ sách pháp luật, điểm vui chơi mặc dù còn nhiều khó khăn, song cho đến nay xã có hội trường là trung tâm học tập cộng đồng có đủ cho 300 chỗ ngồi được xây dựng bằng nguồn ngân sách xã và một phần đóng góp của nhân dân, 01 sân vận động trung tâm; 10/10 thôn có hội trường thôn trong đó có 5 hội trường thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 10 thôn xây dựng được sân khấu ngoài trời để phục vụ cho các hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng, 8/10 thôn xây dựng được khuôn viên, bao loan và đổ bê tông sân hội trường thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cộng đồng của nhân dân trong thôn, là nơi tổ chức các hoạt động hội họp của đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

Đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới, cùng với việc khôi phục xây dựng cổng làng, Đảng bộ đã đưa ra chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Năm 2011, thôn Hùng Sơn xây dựng và khánh thành cổng làng trị giá hơn 70 triệu đồng. Năm 2013, thôn Liên Minh, thôn Trung Chính cùng xây dựng và khánh thành cổng làng giá trị cổng làng ở mỗi thôn trên 90 triệu đồng. Số kinh phí xây dựng cổng làng đều do nhân dân đóng góp. Chùa Liêm Thượng được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (năm 2012).

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo các cấp các ngành và nhân dân thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác quốc phòng địa phương, lấy lực lượng công an xã và lực lượng dân quân làm nòng cốt, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh chống chiến tranh diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính tri - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trật tự kỷ cương xã hội đi vào nền nếp, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm được phát động sâu rộng trong nhân dân, đạt kết quả tốt.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường. Phát hiện ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đơn thư khiếu tố tập trung giải quyết được bắt đầu từ các tổ hòa giải ở thôn xóm, đã hạn chế các vụ việc tồn đọng dây dưa kéo dài, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, bảo đảm tình hình ổn định từ tổ dân cư đến thôn xóm, các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện ngăn chặn sớm và được xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật. Duy trì thường xuyên có hiệu quả cụm an toàn an ninh trật tự 5 xã giáp ranh (Xích Thổ - Gia Sơn - Gia Hưng - Gia Thủy - Yên Bồng), tăng cường mối quan hệ hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau, phối kết hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

 Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, được Đảng, Chính quyền và nhân dân trong xã đặc biệt quan tâm. Đảng bộ đã chỉ đạo các chi bộ, các thôn xóm thường xuyên tuyên truyền giáo dục ý thức chủ động phòng ngừa âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch cho mọi người dân để nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng phá tan mọi âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị trên địa bàn. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, với các hoạt động xã hội. Tích cực triển khai kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tăng cường nâng cao công tác giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, chú trọng cả số lượng và chất lượng của lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên. Làm tốt công tác tuyển quân, đảm bảo số thanh niên nhập ngũ hàng năm đều vượt chỉ tiêu huyện giao. Cụ thể trong 5 năm từ 2001 - 2005 chỉ tiêu giao quân là 73 thanh niên, đã thực hiện 95 thanh niên nhập ngũ đạt 130% kế hoạch, từ năm 2006 - 2016, đã có 159 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, hằng năm đều đạt chỉ tiêu trên giao (trong đó có 6 năm vượt chỉ tiêu mỗi năm là 15%). Chương trình nội dung huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên đi vào nền nếp, đối tượng được mở rộng đến cán bộ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ban ngành đoàn thể, đảm bảo chất lượng.

Lực lượng an ninh, thường xuyên kết hợp với các cấp các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, giáo dục ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật, giữ vững địa bàn trong sạch vững mạnh không có tệ nạn xã hội như nghiện hút, ma túy, mại dâm. Hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh trật tự và công tác quân sự quốc phòng địa phương, để tập trung lãnh đạo nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với phương châm kiểm soát nắm chắc tình hình an ninh chính trị, lấy phòng ngừa răn đe, giáo dục là biện pháp chính, để bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, phát huy phong trào “Toàn dân đoàn kết tham gia phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng thôn xóm bình yên gia đình văn hóa”, cán bộ và nhân dân xã từ năm 2011 - 2016 được nhận 2 cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, 01 bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình, 2 bằng khen của Bộ Công an.

Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm đúng mức, trên cơ sở quy định của pháp luật, BCH Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, tuyên truyền vận động bà con giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, trong khuôn khổ của pháp luật vì mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

15 năm một chặng đường, Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng không ít những khó khăn, trước thách thức của nền sản xuất thuần nông manh mún lạc hậu với đòi hỏi của một phương thức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, trước sự giao thoa của hệ tư duy truyền thống với tư duy đổi mới, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, tác động đến phong cách lãnh đạo, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, phần nào làm hạn chế sự phát triển nền kinh tế xã hội nói chung, nhất là việc thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ đã sớm nhận ra những thiếu sót cần khắc phục, lấy đó làm bài học trong công tác quản lý điều hành, trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, chính quyền nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng quê hương Xích Thổ tiến tới văn minh, giầu đẹp.

 

KẾT LUẬN

Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm của Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ đã đi qua, là chặng đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ, đồng thời cũng là 70 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

70 năm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Xích Thổ được tôi luyện và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, trong lao động sản xuất và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ những cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng đòi lại ruộng đất, chống lại sự áp bức bóc lột của chủ đồn điền người Pháp và chế độ thực dân phong kiến tại địa phương, tới cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân; đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; và 21 năm, Xích Thổ cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; cũng như ở chặng đường hơn 40 năm cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ chi bộ xã đầu tiên của Huyện ủy Lạc Thủy tỉnh Hà Nam, với 03 đảng viên do đồng chí bí thư huyện ủy trực tiếp làm bí thư chi bộ, đến nay (2016) Đảng bộ có 14 chi bộ với 421 đảng viên đó là hạt nhân, là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của của sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

70 năm qua, Đảng bộ xã Xích Thổ đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt nhất là về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đã lãnh đạo nhân dân Xích Thổ làm nên những thành tựu quan trọng góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Thực tiễn quá trình hình thành và phát triển, Đảng bộ đã rút ra được những bài học, những kinh nghiệm quý báu đó là:

1. Chi bộ - Đảng bộ đã biết phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong xã thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy cán bộ, đảng viên và nhân dân Xích Thổ vẫn giữ vững được ý chí đấu tranh cách mạng, kiên cường bất khuất trong lao động sản xuất và chiến đấu, trong xây dựng quê hương, phát huy khí phách anh hùng của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kế thừa truyền thống của của một dân tộc anh hùng có hàng ngàn năm lịch sử.

2. Chi bộ - Đảng bộ đã đoàn kết thống nhất, nắm vững chủ trương đường lối của Ban Chấp hành TW Đảng và Chính phủ, của cấp ủy Đảng các cấp, đã vận dụng một cách chủ động, sáng tạo, đề ra chủ trương, giải pháp bước đi thích hợp với tình hình thực tế của địa phương. Biết tập hợp mọi lực lượng quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân để hoàn thành nhiệm vụ, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đi đến thắng lợi.

3. Thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị tư tưởng về Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời tích cực đào tạo bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh. Tăng cường củng cố hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

4. Thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc xây dựng và tổ chức Đảng, đó là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thực tế cho thấy khi một trong những nguyên tắc đó không được thực hiện nghiêm túc, nhất là nguyên tắc tập tập trung dân chủ không được đảm bảo, sẽ làm cho Đảng bộ suy yếu, nội bộ mất đoàn kết, đường lối, chủ trương của Đảng đề ra có nhiều thiếu sót dẫn đến sai lầm lệch lạc; uy tín của Đảng, lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng bị giảm sút. Vì vậy, Đảng bộ luôn luôn xác định việc tuân thủ và giữ nghiêm các nguyên tắc trên là việc làm thường xuyên liên tục, dù bất kỳ thời điểm nào thì 5 nguyên tắc này vẫn luôn được giữ vị trí nhất định trong quá trình tổ chức và xây dựng Đảng bộ.

5. Mỗi bước đi lên của cách mạng và những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Xích Thổ đã đạt được trong 70 năm qua, trước hết là do sự giác ngộ sâu sắc về ý thức độc lập dân tộc, ý thức giai cấp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp có hiệu quả của Huyện ủy Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam; Huyện ủy Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; Huyện ủy Hoàng Long, tỉnh Hà Nam Ninh và Huyện ủy Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Xích Thổ, đặc biệt là sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, của các mẹ Việt Nam anh hùng đã không tiếc máu xương để Xích Thổ hôm nay có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ, bên cạnh những thành tựu, có lúc có nơi còn bộc lộ những thiếu sót hạn chế. Đặc biệt trong những năm gần đây, dưới tác động của cơ chế thị trường, một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm về phẩm chất đạo đức lối sống, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên nhân chính dẫn đến những biểu hiện trên là do nhận thức, tư duy chậm đổi mới của một số cán bộ đảng viên, nên chưa theo kịp tình hình trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, điều này ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến cá nhân cán bộ, đảng viên, giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng bộ.

Những truyền thống tốt đẹp và những mặt còn hạn chế của Đảng bộ, được Đảng bộ đúc kết thành những bài học sống động, quý báu cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ và các tổ chức chính trị xã hội trong sạch vững mạnh; đưa Xích Thổ tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

 

PHỤ LỤC

I. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CHI BỘ - ĐẢNG BỘ XÃ (1947 - 2016)

1. Đại hội lần thứ nhất: Tháng 3 năm 1947. Địa điểm tại Làng Thượng (nhà đồng chí Vũ Văn Xứng), nay là thôn Minh Long. Số đảng viên tham gia gồm 3 đồng chí. Đồng chí Phạm Phượng (Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy) trực tiếp làm Bí thư Chi bộ.

2. Đại hội lần thứ 2: Năm 1948, địa điểm tại làng Thượng Hòa (nhà ông Bùi Đình Mễ), nay là thôn Đại Hòa. Số đảng viên tham gia có 36 đồng chí, cấp ủy 3 đồng chí. Đồng chí Vũ Văn Xứng làm Bí thư Chi bộ.

3. Đại hội lần thứ 3: Ngày 3 tháng 12 năm 1949, địa điểm tại làng Mỹ Đức Nội (nhà ông Bùi Văn Vận) nay là thôn Đức Thành. Số đảng viên tham gia 109 đồng chí, cấp ủy 5 đồng chí. Đồng chí Vũ Văn Xứng làm Bí thư Chi bộ.

4. Đại hội lần thứ 4: Tháng 10 năm 1950, địa điểm tại làng Liêm Trung (nhà ông Đào Xuân Thứ) nay là thôn Trung Chính. Số đảng viên tham gia đại hội 126 đồng chí, cấp ủy 5 đồng chí, đồng chí Hoàng Hữu Thân làm Bí thư Chi bộ.

5. Đại hội lần thứ 5: Tháng 10 năm 1951, địa điểm tại nhà ông Bùi Đình Thới (nay thuộc thôn Hùng Sơn). Đồng chí Hoàng Kim Inh làm Bí thư Chi bộ.

6. Đại hội lần thứ 6: Năm 1952, địa điểm tại làng Thượng Hòa (nay là thôn Đại Hòa). Đồng chí Hoàng Kim Inh tiếp tục làm Bí thư Chi bộ.

7. Đại hội lần thứ 7: Tháng 12 năm 1953, địa điểm tại xóm Khánh Thiện (nhà nông dân[51]) nay thuộc thôn Đại Hòa. Đồng chí Hoàng Hữu Thân làm Bí thư Chi bộ.

8. Đại hội lần thứ 8: Năm 1954, địa điểm tại xóm Khánh Thiện (nhà nông dân) nay thuộc thôn Đại Hòa. Đồng chí Hoàng Hữu Thân làm Bí thư Chi bộ.

9. Đại hội lần thứ 9: Năm 1955, địa điểm tại Đình Liêm Thượng (nay thuộc thôn Đại Hòa). Đồng chí Nguyễn Văn Ninh làm Bí thư Chi bộ.

10. Đại hội lần thứ 10: Năm 1956, địa điểm tại làng Lạc Long. Đồng chí Nguyễn Văn Ninh làm Bí thư Chi bộ.

11. Đại hội lần thứ 11: Năm 1957, địa điểm tại làng Lạc Long. Đồng chí Nguyễn Văn Ninh làm Bí thư Chi bộ.

12. Đại hội lần thứ 12: Ngày 10 tháng 10 năm 1958, địa điểm tại trụ sở ủy ban Hành chính xã, cấp ủy 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Hữu Thân làm Bí thư Chi bộ.

13. Đại hội lần thứ 13: Tháng 10 năm 1959, địa điểm tại trụ sở ủy ban Hành chính xã, cấp ủy 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Hữu Thân được bầu lại làm Bí thư Chi bộ.

14. Đại hội lần thứ 14: Ngày 25 tháng 10 năm 1960, Đại hội chuyển từ Chi bộ xã Xích Thổ thành Đảng bộ xã Xích Thổ. Địa điểm tại trụ sở ủy ban Hành chính xã, cấp ủy 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Hữu Chuân làm bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

15. Đại hội lần thứ 15: Ngày 9 tháng 10 năm 1961. Địa điểm tại trụ sở ủy ban Hành chính xã, cấp ủy 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Hữu Chuân được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

16. Đại hội lần thứ 16: Ngày 31 tháng 10 năm 1963, Địa điểm tại hội trường HTX Liêm Chính, số đảng viên tham dự 172 đồng chí, số cấp ủy là 11. Đồng chí Đinh Quang Chinh làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

17. Đại hội lần thứ 17: Năm 1965, địa điểm tại hội trường HTX Hồng Quang, cấp ủy 13 đồng chí, đồng chí Bùi Văn Khoan làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

18. Đại hội lần thứ 18: năm 1967, địa điểm tại hội trường HTX Hồng Quang. Số cấp ủy là 13 đồng chí, đồng chí Đinh Văn Cảnh làm Bí thư BCH Đảng bộ.

19. Đại hội lần thứ 19: Năm 1970, địa điểm tại hội trường HTX Minh Long, cấp ủy 13 đồng chí, đồng chí Đinh Văn Cảnh được bầu lại làm Bí thư BCH Đảng bộ.

20. Đại hội lần thứ 20: Tháng 5 năm 1973, địa điểm tại hội trường khu lò thuốc lá Liên Minh, số cấp ủy 15 đồng chí. Đồng chí Đinh Văn Cảnh được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

21. Đại hội lần thứ 21: Năm 1976, địa điểm tại hội trường đơn vị bộ đội đóng ở Lạc Long, số cấp ủy 15 đồng chí. Đồng chí Đinh Văn Cảnh được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

22. Đại hội lần thứ 22: Năm 1979, địa điểm tại hội trường (mới) HTX Liêm Chính, số cấp ủy 15 đồng chí. Đồng chí Trịnh Thị Khuy làm Bí thư BCH Đảng bộ.

23. Đại hội lần thứ 23: Ngày 27 - 28 tháng 9 năm 1982, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 15 đồng chí, đồng chí Trịnh Thị Khuy được bầu lại làm Bí thư BCH Đảng bộ.

24. Đại hội lần thứ 24: Tháng 9 năm 1984, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 17 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ.

25. Đại hội lần thứ 25: Ngày 25 - 26/8/1986, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 17 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu lại làm Bí thư BCH Đảng bộ.

26. Đại hội lần thứ 26: Ngày 28-29/9/1988, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 15 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu lại làm Bí thư BCH Đảng bộ.

27. Đại hội lần thứ 27: Ngày 03-04/9/1991, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 15 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu lại làm Bí thư BCH Đảng bộ.

28. Đại hội lần thứ 28: Ngày 01 - 02 tháng 12 năm 1993, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 13 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

29. Đại hội lần thứ 29: Ngày 27-28 tháng 8 năm 1995, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số cấp ủy 15 đồng chí, đồng chí Bùi Kim Kỷ được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

30. Đại hội lần thứ 30: Ngày 18 - 19 tháng 9 năm 2000, địa điểm tại hội trường xã Xích Thổ, số đại biểu triệu tập dự đại hội 133 đồng chí, số cấp ủy 13 đồng chí, đồng chí Trần Trung Hậu được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.

31. Đại hội lần thứ 31: Ngày 19 - 20 tháng 8 năm 2005, địa điểm tại hội trường ủy ban nhân dân xã, số đại biểu triệu tập về dự đại hội 147, cấp ủy 15 đồng chí. Đồng chí Đỗ Văn Quyết làm Bí thư BCH Đảng bộ.

32. Đại hội lần thứ 32: Ngày 09 - 10 tháng 4 năm 2010, tại hội trường ủy ban nhân dân xã, số đại biểu triệu tập về dự đại hội 161, cấp ủy 19 đồng chí, đồng chí Đỗ Văn Quyết được bầu lại giữ chức Bí thư BCH Đảng bộ.

33. Đại hội lần thứ 33: Ngày 7 - 8 tháng 4 năm 2015, tại hội trường ủy ban nhân dân xã, về dự đại hội có 164 đại biểu, cấp ủy 15 đồng chí. Đồng chí Bùi Đắc Dương làm Bí thư BCH Đảng bộ.

 

II. DANH SÁCH BÍ THƯ CHI BỘ - ĐẢNG BỘ XÃ (TỪ NĂM 1947 ĐẾN NĂM 2016)

STT

Họ và tên

Thời gian làm bí thư

Ghi chú

1

Phạm Phượng

3/1947 - 6/1947

Chi bộ Xích Thổ

2

Vũ Văn Xứng

6/1947 - 9/1950

Chi bộ Xích Thổ

3

Hoàng Hữu Thân

10/1950 - 9/1951

Chi bộ Xích Thổ

1/1954 - 7/1955

Chi bộ Xích Thổ

3/1957 - 9/1960

Chi bộ Xích Thổ

4

Hoàng Kim Inh

10/1951 - 12/1953

Chi bộ Xích Thổ

5

Nguyễn Văn Ninh

8/1955 - 2/1957

Chi bộ Xích Thổ

6

Hoàng Hữu Chuân

10/1960 - 9/1963

Đảng bộ Xích Thổ

7

Đinh Quang Chinh

10/1963 - 8/1965

Đảng bộ Xích Thổ

8

Bùi Văn Khoan

9/1965 - 3/1967

Đảng bộ Xích Thổ

9

Đinh Văn Cảnh

4/1967 - 3/1977

Đảng bộ Xích Thổ

10

Trịnh Thị Khuy

4/1977 - 8/1984

Đảng bộ Xích Thổ

11

Bùi Kim Kỷ

9/1984 - 4/2000

Đảng bộ Xích Thổ

12

Trần Trung Hậu

5/2000 - 7/2005

Đảng bộ Xích Thổ

13

Đỗ Văn Quyết

8/2005 - 2/2014

Đảng bộ Xích Thổ

14

Bùi Đắc Dương

3/2015 đến nay (2016)

Đảng bộ Xích Thổ

 

 

 

III. DANH SÁCH CHỦ TỊCH ỦY BAN CÁCH MẠNG LÂM THỜI, ỦY BAN HÀNH CHÍNH, ỦY BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH, ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ XÍCH THỔ (TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY 2016)

STT

Họ và tên

Thời gian làm

chủ tịch

Ghi chú

1

Nguyễn Văn Tiếu

Tháng 8/1945

UBCM lâm thời

2

Bùi Đình Đôn

8/1945 - 3/1946

UBCM lâm thời

3

Bùi Đình Khể

4/1946 - 10/1947

ủy ban hành chính

4

Bùi Đình Xúc

11/1947 - 3/1950

UBKC hành chính

8/1951 - 2/1953

UBKC hành chính

5

Đinh Quang Lịnh

4/1950 - 7/1951

UBKC hành chính

6

Hoàng Kim Inh

3/1953 - 9/1953

UBKC hành chính

7

Nguyễn Văn Thú

10/1953 - 7/1955

ủy ban hành chính

4/1956 - 9/1961

ủy ban hành chính

8

Hoàng Văn Chịu

8/1955 - 3/1956

ủy ban hành chính

9

Nguyễn Ngọc Lai

10/1961 - 9/1963

ủy ban hành chính

10

Bùi Văn Khoan

10/1963 - 8/1965

ủy ban hành chính

11

Đinh Văn Cảnh

9/1965 - 3/1967

ủy ban hành chính

12

Trịnh Thị Khuy

4/1967 - 4/1973

ủy ban hành chính

13

Nguyễn Văn Thỉnh

5/1973 - 4/1982

ủy ban hành chính ủy ban nhân dân

14

Phạm Văn Định

5/1982 - 7/1991

ủy ban nhân dân

15

Trần Trung Hậu

8/1991 - 11/1999

ủy ban nhân dân

16

Nguyễn Đức Hiệp

12/1999 - 4/2006

ủy ban nhân dân

19

 Bùi Văn Vương

5/2006 - 4/2016

ủy ban nhân dân

20

Bùi Tuấn Vương

5/ 2016 đến nay

 ủy ban nhân dân

 

 

 

 

 

 

IV. DANH SÁCH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

STT

 

Họ và tên

 

Năm sinh

Địa chỉ thôn

Năm phong, truy tặng

1

Phạm Thị Nhiên

1914

Hồng Quang

1994

2

Hoàng Thị Uyên

1918

Trung Chính

1994

3

Nguyễn Thị Tý

1910

Minh Long

1994

4

Nguyễn Thị Bình

1919

Minh Long

1998

5

Nguyễn Thị Mơ

1911

Đức Thành

2005

6

Hoàng Thị Nhỡ

1910

Lạc Long

2014

7

Nguyễn Thị Viên

1904

Minh Long

2014

8

Hoàng Thị Mùi

1918

Minh Hồng

2014

9

Bùi Thị Khuy

1905

Hùng Sơn

2015

10

Nguyễn Thị Quyến

1895

Lạc Long

2015

V. DANH SÁCH LÃO THÀNH CÁCH MẠNG

STT

Họ và tên

Năm sinh

Địa chỉ thôn

Năm phong, truy tặng

1

Vũ Văn Xứng

1919

Minh Long

2015

 

 

VI. DANH SÁCH LIỆT SỸ

STT

Họ và tên

Năm sinh

Ngày
nhập ngũ

Ngày hy sinh

I.

Thời kỳ chống Pháp

  1.  

Trần Văn Vũ

1923

11/1946

25/11/1946

  1.  

Nguyễn Đình Ưa

1930

11/1946

11/1/1947

  1.  

Hoàng Văn Huề

1920

7/1947

22/2/1948

  1.  

Phạm Văn Khôi

1931

7/1946

27/3/1948

  1.  

Nguyễn Đình Vưỡng

1923

11/1946

11/8/1948

  1.  

Lương Văn Lự

1925

9/1947

14/41949

  1.  

Phạm Văn Rĩnh

1920

5/1949

10/1949

  1.  

Nguyễn Văn Thiềng

1924

9/1947

2/12/1949

  1.  

Nguyễn Văn Nhung

1922

7/1947

14/5/1950

  1.  

Bùi Đình Hộ

1922

1/1950

19/12/1950

  1.  

Nguyễn Văn Hơi

1924

1/1950

21/2/1951

  1.  

Bùi Đình Hàn

1924

1/1950

12/1951

  1.  

Đoàn Văn Sửu

1924

5/1949

17/2/1952

  1.  

Bùi Văn Chu

1924

4/1947

2/1952

  1.  

Nguyễn Đình Mấm

1923

12/1949

25/1/1953

  1.  

Nguyễn Đình Vinh

1928

10/1946

10/2/1953

  1.  

Trần Văn Ước

1921

2/1952

7/4/1953

  1.  

Bùi Đình Nhạn

1928

9/1953

19/10/1953

  1.  

Nguyễn Viết Điện

1923

10/1950

22/1/1954

  1.  

Nguyễn Văn Rần

1922

9/1945

18/3/1954

  1.  

Nguyễn Văn Cước

1924

10/1948

1/4/1954

  1.  

Nguyễn Hữu Vạn

1926

10/1951

7/5/1954

  1.  

Phạm Văn Chú

1925

7/1947

25/5/1954

  1.  

Hoàng Kim Rược

1920

5/1948

25/12/1954

  1.  

Quách Văn Tương

1919

12/1945

20/01/1949

  1.  

Quách Trọng Chúc

1930

8/1949

6/12/1954

II.

Thời kỳ chống Mỹ

  1.  

Lê Đình Trung

1941

2/1964

28/2/1965

  1.  

Nguyễn Trọng Thưởng

1937

4/1962

23/10/1965

  1.  

Nguyễn Đình Mầu

1943

4/1962

24/11/1965

  1.  

Lương Văn Vượng

1946

6/1965

12/1/1966

  1.  

Hoàng Văn Tý

1944

8/1964

21/2/1966

  1.  

Bùi Đình Tuyên

1944

2/1964

2/4/1966

  1.  

Bùi Đình Tấp

1937

4/1962

18/6/1966

  1.  

Nguyễn Cường Thịnh

1944

4/1962

25/2/1967

  1.  

Bùi Kim Lực

1942

4/1962

11/4/1967

  1.  

Bùi Kim Tuyên

1945

8/1964

7/7/1967

  1.  

Nguyễn Công Trứ

1945

10/1963

12/7/1967

  1.  

Nguyễn Đức Hạnh

1939

9/1965

7/9/1967

  1.  

Vũ Văn Nguyên

1945

1/1962

23/1/1968

  1.  

Đặng Văn Thông

1947

10/1966

25/1/1968

  1.  

Nguyễn Văn Dung

1949

5/1966

2/2/1968

  1.  

Hoàng Hữu Thản

1948

10/1966

24/2/1968

  1.  

Nguyễn Văn ích

1948

3/1967

26/2/1968

  1.  

Bùi Văn Vin

1940

4/1965

14/3/1968

  1.  

Bùi Xuân Thủy

1946

4/1965

23/3/1968

  1.  

Nguyễn Thế Bản

1942

5/1965

6/4/1968

  1.  

Hoàng Kim Hưng

1948

10/1966

29/6/1968

  1.  

Vũ Văn Tuyên

1938

6/1968

17/8/1968

  1.  

Đào Xuân Huệ

1936

7/1967

23/8/1968

  1.  

Đinh Quang Thiệm

1949

7/1967

5/10/1968

  1.  

Nguyễn Văn Khương

1949

9/1966

7/10/1968

  1.  

Nguyễn Văn Biên

1947

10/1966

9/11/1968

  1.  

Bùi Thanh Tình

1940

4/1963

2//21969

  1.  

Dương Văn Khuông

1948

7/1967

4/3/1969

  1.  

Phạm Hồng Chiến

1939

2/1964

7/3/1969

  1.  

Dương Văn Thơm

1949

2/1964

8/3/1969

  1.  

Bùi Đình Thanh

1944

7/1967

10/3/1969

  1.  

Nguyễn Đức Năng

1949

2/1968

28/3/1969

  1.  

Nguyễn Kim Đảng

1948

2/1966

5/4/1969

  1.  

Nguyễn Đình Lượng

1938

7/1967

19/5/1969

  1.  

Đinh Xuân Hệ

1950

4/1968

28/5/1969

  1.  

Lưu Công Chỉ

1950

9/1967

7/7/1969

  1.  

Bùi Đình Đào

1951

7/1968

7/8/1969

  1.  

Đinh Xuân Toàn

1945

3/1967

10/8/1969

  1.  

Đinh Quang Tuyên

1946

10/1966

17/9/1969

  1.  

Đinh Đắc Vượng

1946

6/1966

7/10/1969

  1.  

Hoàng Văn Như

1949

3/1967

13/11/1969

  1.  

Bùi Đức Đăng

1951

4/1968

10/12/1969

  1.  

Đào Xuân Du

1946

12/1967

18/12/1969

  1.  

Đinh Quang Lực

1948

2/1968

19/12/1969

  1.  

Đinh Xuân Lan

1935

2/1961

25/12/1969

  1.  

Bùi Đức Sắc

1936

7/1967

2/2/1970

  1.  

Bùi Văn Thịnh

1947

7/1968

24/3/1970

  1.  

Nguyễn Văn Quyến

1939

2/1960

16/3/1970

  1.  

Nguyễn Văn Huân

1945

9/1965

26/3/1970

  1.  

Bùi Đình Hồ

1939

4/1968

15/4/1970

  1.  

Hoàng Tiến Sỹ

1949

10/1966

29/4/1970

  1.  

Nguyễn Viết Mẫn

1948

2/1968

3/5/1970

  1.  

Nguyễn Văn Toản

1952

4/1968

4/5/1970

  1.  

Bùi Văn Sách

1951

4/1968

4/5/1970

  1.  

Hoàng Kim Thát

1949

9/1966

6/6/1970

  1.  

Nguyễn Văn Chung

1933

4/1968

3/9/1970

  1.  

Đào Xuân Thất

1948

2/1968

28/9/1970

  1.  

Trịnh Văn Khỉnh

1947

9/1966

14/10/1970

  1.  

Quách Văn Bằng

1950

7/1967

20/10/1970

  1.  

Nguyễn Văn Kiển

1948

7/1967

4/11/1970

  1.  

Nguyễn Văn Oánh

1951

4/1970

6/2/1971

  1.  

Bùi Văn Đức

1952

4/1970

15/4/1971

  1.  

Đặng Văn Thanh

1949

2/1968

20/4/1971

  1.  

Hoàng Kim Đông

1945

4/1963

29/4/1971

  1.  

Đinh Quang Nhung

1950

2/1968

26/5/1971

  1.  

Bùi Hồng Đạt

1945

2/1964

2/6/1971

  1.  

Bùi Đình Tịnh

1950

4/1968

21/10/1971

  1.  

Nguyễn Đình Chính

1949

7/1967

13/11/1971

  1.  

Nguyễn Ngọc Phú

1950

8/1969

12/12/1971

  1.  

Bùi Văn Linh

1949

4/1968

8/3/1972

  1.  

Phạm Văn Hiền

1948

3/1967

10/4/1972

  1.  

Đào Xuân Từ

1947

7/1968

14/4/1972

  1.  

Nguyễn Văn Uông

1940

4/1963

15/4/1972

  1.  

Nguyễn Xuân Hồng

1953

9/1969

16/4/1972

  1.  

Bùi Đình Vang

1949

10/1968

23/4/1972

  1.  

Vũ tiến Dũng

1952

12/1970

1/5/1972

  1.  

Nguyễn Văn Biên

1940

9/1965

22/5/1972

  1.  

Phạm Hải Đăng

1952

6/1968

26/5/1972

  1.  

Đinh Công Hoan

1952

12/1969

12/6/1972

  1.  

Bùi Thanh Bình

1950

4/1970

14/6/1972

  1.  

Nguyễn Văn Sửu

1950

8/1969

7/8/1972

  1.  

Nguyễn Văn Hữu

1945

7/1967

19/8/1972

  1.  

Bùi Kim Đức

1953

8/1971

1/9/1972

  1.  

Nguyễn Văn Thảo

1935

2/1961

13/9/1972

  1.  

Nguyễn Thái Linh

1940

9/1971

16/9/1972

  1.  

Nguyễn Viết Xô

1953

5/1971

26/10/1972

  1.  

Hoàng Kim Tôn

1950

4/1968

11/11/1972

  1.  

Bùi Thanh Bình

1951

2/1968

24/11/1972

  1.  

Bùi Văn Ninh

1954

6/1972

26/1/1973

  1.  

Đặng Văn Kiệm

1943

2/1968

27/1/1973

  1.  

Nguyễn Văn Thắng

1954

6/1972

27/1/1973

  1.  

Bùi Đình Dân

1654

10/1972

3/1973

  1.  

Hoàng Kim Phiên

1948

8/1969

14/4/1973

  1.  

Bùi Xuân Xướng

1950

8/1969

3/5/1973

  1.  

Nguyễn Đình Uyến

1944

9/1965

21/6/1973

  1.  

Hoàng Văn Sâm

1951

9/1972

6/12/1973

  1.  

Nguyễn Văn Việt

1954

9/1972

15/12/1973

  1.  

Nguyễn Văn Lô

1947

7/1967

17/3/1971

  1.  

Dương Văn Nhì

1954

8/1972

30/5/1974

  1.  

Bùi Đình Quynh

1948

9/1966

12/6/1974

  1.  

Trần Quốc ái

1950

5/1972

5/8/1974

  1.  

Hoàng Văn Phả

1946

4/1968

13/11/1974

  1.  

Lã Khắc Việt

1949

8/1971

18/3/1975

III.

Thời kỳ xây dựng & bảo vệ Tổ quốc

  1.  

Nguyễn Hải Huệ

1956

10/1974

13/11/1977

  1.  

Hà Văn Cộng

1958

6/1977

12/1977

  1.  

Nguyễn Văn Dũng

1959

6/1977

12/2/1978

  1.  

Hoàng Cao Thể

1957

10/1976

20/5/1978

  1.  

Hoàng Kim Vượng

1956

4/1974

20/11/1978

  1.  

Bùi Văn Thân

1956

3/1975

12/12/1978

  1.  

Đinh Quang Thuấn

1957

6/1977

15/12/1978

  1.  

Đoàn Thế Phương

1958

10/1976

12/1978

  1.  

Nguyễn Văn Doanh

1961

8/1978

1/1/1979

  1.  

Bùi Nguyên Khiết

1943

 

17/2/1979

  1.  

Đặng Văn Thái

1961

8/1978

28/1/1979

  1.  

Hoàng Hữu Tự

1957

10/1976

4/2/1979

  1.  

Dương Văn Vân

1957

11/1978

3/3/1979

  1.  

Nguyễn Văn Khoa

1959

8/1978

18/3/1979

  1.  

Nguyễn Đức Đạt

1960

8/1978

18/3/1979

  1.  

Quách Văn Hồng

1960

8/1978

21/11/1979

  1.  

Nguyễn Văn Lực

1959

8/1978

15/3/1980

  1.  

Lã Khắc Môn

1939

3/1958

8/1980

  1.  

Nguyễn Ngọc Khôi

1958

8/1978

19/11/1980

  1.  

Bùi Ngọc Hợi

1959

8/1978

19/11/1982

  1.  

Nguyễn Văn Hoan

1964

3/1983

12/7/1984

  1.  

Hoàng Văn Chiến

1942

1/1971

6/10/1987

  1.  

Hoàng Kim Nhật

1958

6/1977

9/1997

 

MỤC LỤC

Trang

Lời nói đầu........................................................................

CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN XÃ XÍCH THỔ    

CHƯƠNG II: ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945............................................................................

CHƯƠNG III: THAM GIA KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN, XÂY DỰNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ NHÂN DÂN CHI BỘ ĐẢNG THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1945 - 1954)....

I. . Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân (1945 - 1946)............................................................................

II. Chi bộ Đảng thành lập, lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1950)........................................................................................

III. ổn định đời sống, đóng góp sức người, sức của đảm bảo kháng chiến thắng lợi (1951 - 1954)........................................................................................

CHƯƠNG IV: CHI BỘ - ĐẢNG BỘ XÃ XÍCH THỔ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIÀNH THẮNG LỢI (1954 - 1975)..............................................................................................

I. . Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 - 1975)........................................................................................

II. Thực hiện công cuộc cải tạo XHCN, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa (1958 - 1960)........................................................................................

III. .. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)   

IV. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến (1965 - 1975)         

CHƯƠNG V: ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976 - 2000)........................................................................

I. . Củng cố quan hệ sản xuất, từng bước xây dựng quê hương (1976 - 1986)

II. Thanh niên Xích Thổ tiếp tục lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ Quốc........................................................................................

III. Thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn (1986 - 2000)........................................................................................

CHƯƠNG VI: TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN, ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

I. . Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới (2001 - 2016)        

II. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công nhiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới (2001 - 2016)........

Phụ lục...............................................................................

I... Danh sách các kỳ đại hội................................................

II.. Danh sách các đồng chí bí thư Chi bộ, Đảng bộ............

III. Danh sách các vị Chủ tịch UBCMLT, UBHC, UBKCHC, UBND xã   

IV. .......................................... Danh sách BMVN anh hùng   

V. Danh sách Lão thành CM................................................

VI. Danh sách các anh hùng liệt sỹ......................................

 

LỊCH SỬ

ĐẢNG BỘ XÃ XÍCH THỔ

1947 - 2016

 

 

Chịu trách nhiệm xuất bản

Giám đốc, Tổng biên tập

Đại tá NGUYỄN HỒNG THÁI

 

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập

Thượng tá BÙI ANH TUẤN

 

 

Biên tập:                  ĐINH ĐỨC LONG

Trình bày:     NGUYỄN CÔNG HƯNG

Bìa:               NGUYỄN HUY HOÀNG

Sửa in:                                ĐỨC LONG

 

 

 

In 20.000 cuốn khổ 14,5x20,5cm, tại Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ, địa chỉ 175 Nguyễn Thái Học,
Ba Đình, Hà Nội. Số xác nhận đăng ký xuất bản:
2101-2015/CXBIPH/7-451/CAND.
Quyết định số 1340/QĐXB-NXBCAND, ngày 07/8/2015. In xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2015.

 

 
Thông tin truy cập

Truy cập: 220960

Trực tuyến: 23

Hôm nay: 625