Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

Hình ảnh miền quê Xích Thổ qua một cuốn sách

Thứ sáu, 25/11/2022

Cựu chiến binh, Cử nhân - Lương y Nguyễn Hoán, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình là người con của quê hương Xích Thổ. Đã từng là người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên ông nhận thức sâu sắc giá trị về tình yêu quê hương, đất nước nói chung, về tình yêu nơi ông sinh ra, nuôi dưỡng ông khôn lớn trưởng thành nói riêng. Ông đã từng tâm sự "Với quê hương ai cũng mắc nợ trong lòng, món nợ không thành tên gọi mà đi suốt cuộc đời cũng không trả nổi". Điều suy nghĩ ấy làm ông luôn trăn trở là làm được việc gì đó có ích, đóng góp cho quê hương. Ông những mong viết được một cuốn sách về truyền thống quê hương, đó cũng là tâm niệm đã từ lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã...

Hình ảnh miền quê Xích Thổ qua một cuốn sách

Nhà văn hóa thôn Minh Hồng (Xích Thổ) được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Minh Quang

Mãi đến năm 2011, khi được nghỉ hưu ông mới có điều kiện và thời gian bắt tay vào thực hiện. ông đã dành hết thời gian và công sức cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Ông đã gặp gỡ các cán bộ cấp ủy, chính quyền và các bậc lão thành, đến từng thôn xóm, từng dòng họ, từng địa danh di tích lịch sử, văn hóa... đồng thời tập trung nghiên cứu qua các tài liệu sách vở xưa và nay về quê nhà. Sau nhiều năm miệt mài, gửi gắm tâm huyết, đầu năm 2018, ông đã hoàn thành cuốn sách. Cuốn sách "Xích Thổ - Đất và người" được Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản quý I năm 2018. Sách in khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 300 trang, in 700 bản. Trong sách còn có nhiều ảnh tư liệu và ảnh minh họa do ông thực hiện.

Xích Thổ thuộc miền đất cổ Nho Quan, nơi chung sống hòa thuận của đồng bào lương giáo của hai dân tộc Kinh - Mường, là một trong 10 xã có diện tích lớn nhất của tỉnh Ninh Bình. Xích Thổ nằm ở điểm chót phía Tây Bắc của tỉnh, có 99 ngọn đồi trùng điệp nối nhau, với dòng sông Bôi trong xanh tháng ngày in bóng trời mây tạo cho Xích Thổ có một cảnh quan vô cùng tươi đẹp và thơ mộng.

Trải qua nhiều thay đổi trong tiến trình lịch sử, sự tách nhập địa giới qua các thời đại phong kiến, năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông, Xích Thổ chính thức được thành lập, đến nay đã là 621 năm. Xích Thổ cũng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử, văn hóa... Cả xã hiện còn lưu được 33 sắc phong cho các di tích đền chùa, miếu mạo.

Xích Thổ là một vùng quê cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là vùng tự do, là con đường huyết mạch nối đồng bằng với miền Tây Bắc, Việt Bắc... Đó là con đường của bộ đội, cán bộ, dân công... ngày đêm rầm rập ngược đường 59 B tiến về Điện Biên Phủ... Xích Thổ còn là cứ địa của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân luyện tập và tỏa đi các mặt trận. Đồng thời Xích Thổ cũng là căn cứ của nhiều cơ quan Đảng, Chính phủ và cũng là nơi chở che cho một số nhà hoạt động cách mạng, chỉ đạo kháng chiến.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xích Thổ (và cả huyện Nho Quan) luôn là những địa điểm đóng quân huấn luyện đi B. Nhiều đồi cao, đồi thấp được xây dựng những trận địa pháo bắn máy bay Mỹ, như trận địa pháo trên đồi Sông (thôn Đại Hòa), đồi Ma (thôn Đức Thành), đồi Mả Quan (thôn Trung Chính)...

Nhân dân Xích Thổ đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của và xương máu cho đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài hàng trăm con em lên đường tòng quân đánh giặc, nhân dân Xích Thổ còn đóng góp 19.300 lượt người đi tham gia tải lương, tiếp đạn phục vụ chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, Xích Thổ có 1.347 người con nhập ngũ, có một số gia đình có tới bốn người con, năm người con ra trận. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, Xích Thổ có 152 liệt sỹ, 1 lão thành cách mạng và 10 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn xã được Nhà nước tặng 1.745 huân chương các loại, 669 gia đình được Chính phủ tặng bằng khen...

Xích Thổ còn có một niềm tự hào là quê hương của một liệt sỹ chưa một ngày mặc áo lính đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ biên giới Tổ quốc. Đó là nhà giáo, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết. Ngày 29/1/1996, xã Xích Thổ được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, bước vào công cuộc xây dựng CNXH, nhân dân Xích Thổ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi mới.

Là một vùng đồi núi, với hơn 2000 ha đất tự nhiên, trong đó chỉ có 800 ha đất nông nghiệp còn lại là diện tích núi đồi, thung sâu, sông, suối...Trong số đất nông nghiệp lại có tới 50% là đồng sâu "chiêm khê, mùa thối". Là một xã thuần nông, không có nghề phụ gì lớn, do đó đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Những khi mùa lũ nước sông Bôi đổ về, đồng ruộng bị ngập trắng, đường 59 B cũng bị lụt tràn, giao thông luôn bị ách tắc. Nhưng nhân dân Xích Thổ đã cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn quyết tâm bước vào công cuộc xây dựng đổi mới quê hương. Đến nay bộ mặt làng quê đã có nhiều đổi mới, nhà cửa khang trang, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Các phong trào thi đua như: xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phong trào tiếp thu khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, phong trào xây dựng gia đình, làng xóm văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến tài, phong trào giữ gìn an ninh trật tự, phong trào xây dựng nông thôn mới... cũng như phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị - xã hội luôn sôi nổi và đạt được nhiều thành tích cao. Đảng bộ, chính quyền luôn giữ vững là Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các trường THCS, Tiểu học, Mầm non luôn là trường tiên tiến xuất sắc. Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2007. Y tế xã luôn là đơn vị dẫn đầu huyện. Nhiều làng đã được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh... Ngày 7/12/2017 Xích Thổ được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong tập sách Xích Thổ - "Đất và người", ngoài việc nói về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, Nguyễn Hoán còn tập trung sưu tầm, khảo cứu về văn hóa làng xã từ những thời xa xưa cho đến ngày nay; về hình thái tự nhiên đất đai, đồng ruộng, đồi núi, thung sâu, hang động, sông ngòi một cách kỹ càng... đến các dòng họ, phong tục, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo, những câu chuyện kể dân gian và ngôn ngữ ở địa phương, những kinh nghiệm trong sản xuất, bản sắc dân tộc Kinh, Mường... ông sưu tầm ghi chép chi tiết, có hệ thống giúp người đọc dễ nhận thấy những nét đặc trưng của mảnh đất quê hương.

Có thể nhận thấy đây là một công trình sưu tầm, nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc. Viết Lịch sử Đảng bộ xã thì hầu như các xã trong tỉnh đều đã hoàn thành, còn viết một cuốn sách đầy đủ, toàn diện từ xưa đến nay về truyền thống một làng, xã khá đầy đủ như một cuốn Dư địa chí như "Xích Thổ - đất và người" chưa có nhiều. Và việc này thực cũng không phải là việc dễ dàng mà nó cần phải có một tình yêu quê hương tha thiết, chân thành, một sự kiên trì bền bỉ, tận tâm, tận lực mới làm được...

                                                                                                                                                                            Nguồn: Báo Ninh Bình

Thông tin truy cập

Truy cập: 190080

Trực tuyến: 56

Hôm nay: 918