Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHÙA LIÊM THƯỢNG XÃ XÍCH THỔ, HUYỆN NHO QUAN, TỈNH NINH BÌNH

Thứ năm, 25/11/2021

PHẦN I. TÊN GỌI DI TÍCH

Di tích có tên thường gọi là chùa Liêm Thượng, vì chùa do nhân dân thôn Liêm thượng xây dựng để thờ cúng Phật, nên địa phương lấy địa danh tên thôn đặt tên cho di tích.

Chùa có tên chữ là Phổ Hiền tự

Tên chùa được lấy theo tên của một vị Bồ Tát: Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa.

PHẦN II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

1. Địa điểm phân bố:

Chùa Liêm Thượng nằm về phía Đông Nam thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Xã Xích Thổ là xã miền núi nằm về phía Bắc huyện Nho Quan, cách trung tâm huỵện 13 km, với diện tích tự nhiên gần 2.102,78 ha. Xã Xích Thổ giáp xã Gia Hưng (Gia Viễn) về phía đông nam; giáp xã Gia Sơn  về phía Nam. giáp xã Gia Lâm  về phía tây nam; phía tây bắc, phía bắc, phía đông bắc giáp xã An Bình, Yên Bồng, Đồng tâm huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình ([1]).

Vùng đất có di tích từ xưa đến nay đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau:

Dưới thời Hùng Vương, thuộc bộ Giao Chỉ ([2]). Đời Tần vùng đất có di tích thuộc Tượng Quận (246 -207), thời Hán thuộc quận Giao Chỉ, thời Ngô Tấn thuộc Giao châu, thời hậu Lương (907- 960) thuộc huyện Trường Sơn, châu Trường. 

Thời cổ là đất của dân tộc ít người. Khi nước Đại Cồ Việt thống nhất mới là đất Trường Yên. Thời Lý (1010-1225) đổi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng. Đầu đời Trần (1226-1400) thuộc lộ Trường Yên, sau lại làm trấn Trường Yên. Về sau lại đổi ra trấn Thiên Quan, vốn là hợp nhất với Trường Yên. Đến Ngụy triều nhà Hồ chia phần đất lệch về phía tây nam làm lĩnh huyện (khối Xích Thổ-Xa Lai) của phủ châu Tuyên Hóa.

Khi thuộc Minh lấy đất Tuyên Hóa làm phủ Thiên Quan lệ thuộc vào châu Quảng Oai (Theo “Vũ Bị Chí” gọi là Thiên Quan, tức là châu Quảng Oai thuộc Hưng Hóa). Khi Lê hưng nghiệp thì đây (tức Nho Quan) làm phủ Thiên Quan lệ thuộc vào Thanh Hoa và quản lĩnh 3 huyện: Yên Hóa, Phụng Hóa, Lạc Yên. Đến khi Mạc chống nhà Lê, lấy đất làm Thanh Hoa ngoại trấn, đổi cho lệ thuộc vào Sơn Nam. Đời Lê Trung Hưng đổi cho lệ thuộc Thanh Hoa. Cuối đời Lê, thì cùng với Trường Yên ngoại trấn lệ thuộc Bắc Thành ([3]).

Huyện Yên Hóa nguyên là đất phủ Trường Yên; đời Lê Quang Thuận đặt làm huyện Ninh Hóa; sau Trung hưng, vì tránh huý (chữ Ninh là tên Lê Trang Tông 1533-1548) nên đổi tên là Yên Hóa ([4]).

Theo tên làng xã Việt Nam, đầu thế kỷ 19 thì di tích thuộc xã Xích Thổ, tổng Xích Thổ, huyện Yên Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa ([5]).            

Thiệu Trị năm thứ 4 (1844) thuộc thôn Liêm Thượng, xã Xích Thổ, huyện Yên Hóa,  tỉnh Ninh Bình ([6]).

Theo quyết định của thống sứ Bắc Kỳ ngày 27 tháng 8 năm 1921, cắt 3 tổng: Bất Một, Đề Cốc, Xích Thổ của huyện Yên Hóa nhập về huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Di tích thuộc Liêm Thượng, xã Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Theo Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, di tích thuộc thôn Liêm Thượng, xã Xích Thổ, tổng Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ([7]).

 Năm 1939 vùng đất có di tích thuộc thôn Liêm Thượng, xã Xích Thổ, tổng Xích Thổ, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hà Nam ([8]).

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 vùng đất có di tích thuộc thôn Liêm Thượng, xã Xích Thổ, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình.

Ngày 1 tháng 5 năm 1953, theo quyết định của Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu 3, xã Xích Thổ được cắt về  huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1976, hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1977, hợp nhất huyện Nho Quan với huyện Gia Viễn thành huyện Hoàng Long, di tích thuộc thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, di tích thuộc thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1994, huyện Hoàng Long đổi tên thành huyện Nho Quan như cũ, di tích thuộc thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho đến nay.

2. Đường đi đến di tích.

Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, du khách đi đến di tích với nhiều con đường khác nhau:

a. Đường bộ:

 Từ thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 1A (tuyến Ninh Bình-Hà Nội) 10 km, tới ngã ba Gián Khẩu, từ đây rẽ trái theo đường 477 (12B cũ) đi khoảng 16 km qua cầu Đế, rẽ phải theo đường 438 đi khoảng 8km, qua Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, du khách rẽ tay phải vào thôn Đại Hòa đi khoảng 200m là tới di tích.

Tuyến đường bộ trên là thuận lợi nhất, có thể đi bằng ô tô.

b. Đường thủy:

Từ bến đò Non Nước, trung tâm thành phố Ninh Bình, ngược dòng sông Đáy tới ngã ba Gián Khẩu, rẽ trái ngược sông Hoàng Long, qua cầu Đế theo sông Bôi qua giang phận xã Gia Tường, Gia Thuỷ, Gia Sơn, Xích Thổ khoảng 7km, tới bến đò Sụ thôn Quyết Thắng, lên bờ  đi bộ  khoảng 1 km vào thôn Đại Hòa là tới di tích. Hiện con đường này vẫn có phương tiện chở khách qua lại.             

PHẦN III. PHÂN LOẠI DI TÍCH

Chùa Liêm Thượng là nơi thờ Phật, tưởng niệm nhân vật lịch sử trong tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” của Việt Nam: Thánh Nguyễn, Thiên bồng Thiên tướng Đô nguyên soái , Quốc mẫu Hoàng bà Càn triệu Quốc gia Nam hải, Hắc trần Đại vương, Thiền sư Nguyễn Minh Không, Đốc Khánh công chúa, Đức ông Minh Đức tôn thần (Lang Mường Dầm), Linh lang Thượng đẳng thần. Tảo Hoa công chúa.

Trong di tích còn lưu lại nhiều mảng chạm khắc kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vào thời Nguyễn, tượng thờ, sắc phong, câu đối, đại tự...

Căn cứ theo quy định tại điều 11, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, chùa Liêm Thượng thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.

PHẦN IV. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

A. Nhân vật thờ cúng tại di tích.

Chùa Liêm Thượng ngoài thờ Phật, bên cạnh chùa còn có đền thờ thánh, đây là đặc điểm chung cho nhiều chùa ở miền bắc Việt Nam. Song điểm khác của di tích là ngoài việc thờ cúng này ở chùa còn thờ 8 vị thần khác.

Trước kia, 8 vị thần này được thờ ở 7 di tích xung quanh chùa, nằm trong tổng Xích Thổ gồm:

 Thiên bồng Thiên tướng Đô nguyên soái - đình Liêm Trung

Quốc mẫu Hoàng bà Càn triệu Quốc gia Nam Hải - đền Khả Luật, đình Liêm Trung

 Đương cảnh Thành hoàng Hắc trần - đền thượng Liêm Thượng

Linh lang Thượng đẳng thần- đình Trại ảnh.

Đốc Khánh công chúa - miếu hạ Liêm Thượng

Thiền sư Nguyễn Minh Không- đền chợ Lạc

Thành hoàng Minh Đức (Lang Mường Dầm) - Trại Thượng

Tảo Hoa công chúa - miếu chùa Liêm Thượng

Như vậy điểm khác của chùa với các di tích xung quanh là ngoài việc thờ Phật còn thờ chung cả các nhân vật ở những di tích khác. Các nhân vật được thờ cúng đều có mối quan hệ mật thiết với vùng đất có di tích.

Vì di tích là chùa nên thượng điện được dùng để thờ Phật, phía trước chùa là đền thờ 7 nhân vật

Bày trí các tượng Phật ở Thượng điện theo thứ tự từ trên xuống:

Hàng thứ nhất: Ba pho Tam thế

        Hàng thứ 2: Tượng Di đà Tam tôn 

Hàng thứ 3: Tượng Bồ Tát

Hàng thứ 4; Tòa Cửu Long ở giữa

Hàng thứ 5: Tượng Thánh Hiền và Đức Ông

    Hàng thứ 6: Tượng Chuẩn đề Bồ tát

        Hàng thứ 7: Tượng Quan Âm cai quản tứ phủ

       Khi tìm hiểu ý nghĩa và sự tích các bộ tượng, chúng ta nhận thấy sự bài trí tượng trong chùa Việt được quy định bởi triết mỹ Phật giáo, vừa thể hiện sự uy nghi của đạo Phật, tạo ra cái thiêng văn hóa, vừa có thái độ tâm tình, chia sẻ.  Trong không gian tĩnh lặng, trong khói hương, ánh nến, người Việt đến chùa để thức dậy tâm mình, tìm chỗ dựa cho thân tâm mệt mỏi, tỏ bày biết bao tâm tư vui buồn của kiếp người trong cõi thế mênh mang.

*Những nhân vật phối thờ tại chùa:

1. Linh Lang đại vương.

Linh Lang, nhân vật truyền thuyết mang đậm giá trị văn hóa lịch sử, là vị thành hoàng và “tối linh thượng đẳng phúc thần”. Sử sách không đề cập tới tên Linh Lang. Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9, quê ở Đồng Đoàn xã Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Linh Lang được sinh ra tại làng ở Thị Trại Thủ Lệ (Quận Ba Đình  ngày nay)

Nguồn tài liệu thần phả đền Thủ Lệ (Hà Nội) ghi ông là con vua Lý Thái Tông, tên Hoàng Lang và không rõ năm sinh. Cũng có nguồn thần phả khác cho rằng Hoàng Lang (Linh Lang) vốn là con của thủy cung, được lệnh lên giúp vua chống giặc. Sau khi chiến thắng quân Tống trở về, xét công trạng của ông nhà Vua ban phong Mỹ tự; truyền thuyết ghi ngài ném cây cờ lên trời, hễ cây bay đến đâu thì vua sẽ ban cho được thờ ở đó, cho nên có 269 làng trại trong cả nước xây đền miếu thờ cùng sắc phong Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần.

Do đó, có thể cho rằng: Linh Lang là một vị thần cổ, chủ về sông nước, đã có từ trước khi nhà Lý định đô ở Thăng Long. Hoằng Chân nên coi là một hóa thân của Thần trong việc chống giặc.

Xích Thổ thờ ngài làm thành hoàng bảo hộ về mặt tâm linh, trải qua các triều đại đều có sắc phong, thời Vĩnh Khánh (1729-1732) vua sắc phong tặng thêm mỹ tự cho Linh lang Thượng đẳng thần là Dực bảo Trung hưng đẳng thần

2. Quốc sư Nguyễn Minh Không.

Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn 1076, tại xã Đàm Xá, phủ Trường Yên (nay là làng Điềm Xá, xã Gia ThắngGia ViễnNinh Bình). Cha của thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Trường Yên. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn (nay là thôn Hán Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh GiangHải Dương)

Trong dân gian, Nguyễn Minh Không còn được coi là một vị  thánh  trong tứ bất tử  Việt Nam,  được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng. Sau khi lấy đồng từ nước Tống về, sư đến chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương đúc một tượng Phật Di đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, sư đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại sư đúc một quả đại hồng chuông. Tại Minh Đỉnh, sư đúc một cái vạc.

Năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh biến thành Cọp, ngồi xổm chộp người, cuồng loạn đáng sộ, triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:

Nước có Lý Thần Tông

triều đình muôn việc thông

Muốn chữa bệnh thiên hạ

Cầu được Nguyễn Minh Không

Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư. Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái đỉnh dầu lại mau” trong đó để 100 cái kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó. Sư lấy tay mò vào đảnh lấy 100 cây kim, găm vào thân vua, nói: “Quý là trời” Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ, vua tạ ơn sư 1000 cân vàng, 1000 khoảng ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.

Đến năm Đại Đinh thứ hai (1141) sư quy tịnh. Khi ông mất rồi, rất nhiều đền chùa được dựng lên để thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.”

3. Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương.

Việt Điện U Linh toàn biên có ghi: Thần họ Triệu, có 3 chị em, mẹ họ Dương. Đời Trần Nhân Tông năm đầu niên hiệu Thiệu Bảo, Trương Tư Phạm Tiến đánh quân nhà Tống ở Nhai Sơn, quân Tống đại bạn tan vỡ. Tả thừa tướng Lục Tú Phu bế vua là Bỉnh nhảy xuống biển chết. Quan quân nhà Tống ra biển hơn ngàn người. Mẹ con của thần có bốn người, đi thuyền phiêu dạt đến ngôi chùa ở sườn núi trên bờ biển. Nhà sư thương cấp cho lương thực để ăn, sau nhiều tháng đói khát cơ thể đã phục hồi, dung mạo rất đẹp. Nhà sư muốn tư thông. Mấy mẹ con từ chối rất nghiêm chỉnh. Nhà sư hối hận nhảy xuống biển chết. Bốn mẹ con khóc và nói rằng: “Mẹ con ta đã dựa vào sư mà sống. Nay sư đã vì mẹ con ta mà chết, còn có thể yên lòng làm sao được nữa?” Thế là cùng nhau nhảy xống biển chết, sau đó trôi đến Kiền Hải ở nước ta, nhan sắc như ngọc chẳng khác gì còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, đem chôn cất. Sau đó nhều lần thất linh ứng, bèn lập đền thờ. Hễ thuyền ra biển bị sóng to gió lớn nguy cấp thường được cứu giúp. Cửa biển các nơi lập đền thờ, không nơi nào không linh nghiệm.

Sử thời Trần ghi rằng: Năm Hưng Long thứ 11, Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua cửa Kiền Hải, đến đêm nằm mơ thấy thần nhân báo mộng nói rằng: “Thiếp là nương tử của Triệu Tống, bị giặc bức hại, mắc khốn trong gió bão. Đến nay đã được thượng đế sắc phong làm Hải thần từ lâu. Nay nguyện xin trợ lực cho nhà vua thành công giết giặc”. Khi tỉnh dạy nhà vua ra lệnh làm lễ cúng rồi khởi hành. Nước biển không có sóng cho đến thành Đồ Bàn, quân ta đại thắng. Khi trở về vua ra lệnh gia phong chức vị Quốc Gia Nam Hải Đại Kiền Thánh Vương, tặng các thứ làm đề thờ. Năm đầu niên hiệu Hồng Đức triều Lê, Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thuyền đến cửa Kiền Hải, nhà vua tới chùa thầm cầu xin. Gió nhẹ sóng dịu cho đến bờ cõi Chiêm Thành. Đến khi kéo quân về, thuyền của vua đã vượt quá Kiền Hải, bỗng nhiên gió đông làm cho thuyền quay lại, đến bên dưới ngôi đền. Vua bèn ra lệnh thăng trật, cho tu bổ thêm ngôi đền, nhân đó lại đặt tên chỗ thuyền quay lại là xã Đông Hồi.

Qua các triều đại đều có tặng phong, cả nước nhiều nơi có thờ. Theo Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên,  trong địa hạt tỉnh Ninh Bình có 39 xã thờ.

Sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời Lê Anh Tông; Quản giám bách thần tri điện Hồng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) đời Lê Ý Tông. Văn bản hiện lưu giữ ở thư viện Pháp kí hiệu Pari.SA.Ms.b.15, bản chép tay chữ Hán có xen chữ Nôm, không có mục lục hoặc tựa bạt. Tóm tắt nội dung thần tích như sau:

“Thời Nguyên Tống phân tranh, vua Trần Thái Tông nhìn lên trời thấy điềm lạ, biết được vận nước Nam Tống sẽ hết. Vào lúc nguy cấp, Dương Thái hậu, hai công chúa và một thị nữ cùng ngồi một chiếc thuyền nhỏ đi về phương Nam, phiêu dạt đến bờ biển Việt Nam, trú ngụ tại một ngôi chùa mấy tháng. Khi nghe tin Đế Bính và thần tướng hàng trăm người đã nhảy xuống biển, bèn lấy nghĩa sống vì việc nước chết vì quốc nạn mà nhảy xuống biển chết. Thi thể trôi về cửa Đại Kiền ở Hoan Châu, Tây Phương thiên sứ thác mộng cho cư dân địa phương, tuyên chiếu bốn người đã được sắc lệnh cho làm thần biển cửa biển Đại Kiền. Mọi người bèn ra bãi biển làm lễ mai táng và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ, viết thần hiệu là TỨ VỊ VƯƠNG BÀ, tuế thời phụng sự cầu đảo linh ứng”.

Ngày 18 tháng 6 niên hiệu Thiệu Trị  thứ 4(1844) nhà vua sắc phong: tặng thêm là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Tứ vị Thượng đẳng thần, vẫn chuẩn cho xã Xích Thổ huyện Yên Hóa phụng sự như cũ.

4. Đương cảnh Thành hoàng Hắc Trần Đại vương (chưa rõ sự tích)

Theo đạo sắc Ngày 16 tháng 5 niên hiệu Cảnh hưng 44 (1783) có ghi: Sắc Đương cảnh Thành hoàng Hắc trần Linh thông Hiển ứng Phổ tế Hoằng hưu Tuy lộc Diễn phúc An dân Hộ quốc Định công Dực thiện Trợ thắng Hồng ân Hậu trạch Cảm ứng Uy linh Hùng nghị Uy nghiêm Nhân hậu Đoan trực Trung chính Túy tinh Hoằng đạt Thông duệ Anh mẫn Cương quả Hắc trần Đại vương, Phẩm hạnh tốt đẹp xứng đáng nêu gương tam cương ngũ thường, kiệt xuất trong trăm nghìn người, mở vận tốt đẹp, linh thiêng sáng tỏ, cùng trời đất làm những điều tốt đẹp, công lao to lớn, nay muốn tuyên cử để bao phong. Vì trẫm nối ngôi vương, tiến phong vương vị, tôn cư chính phủ, theo lễ có xét đăng trật, ưng gia phong mỹ tự một chữ mỹ tự, xứng đáng gia phong là Đương cảnh Thành hoàng Hắc trần Linh thông Hiển ứng Phổ tế Hoằng hưu Tuy lộc Diễn phúc An dân Hộ quốc Định công Dực thiện Trợ thắng Hồng ân Hậu trạch Cảm ứng Uy linh Hùng nghị Uy nghiêm Nhân hậu Đoan trực Trung chính Túy tinh Hoằng đạt Thông duệ Anh mẫn Cương quả Hùng liệt Hắc trần Đại vương. Cho nên có sắc phong.

Sắc cho thôn Liêm Thượng xã Xích Thổ huyện Yên Hóa tỉnh Ninh Bình, phụng thờ thần Đương cảnh Thành hoàng Hắc trần Đại vương

5. Thiên Bồng Thiên tướng Đô nguyên soái (chưa rõ sự tích)

Theo đạo sắc thời vua Lê Đế Duy Phương (1729-1732) và thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) có ghi: Sắc Thiên bồng Thiên tướng Đô nguyên soái Khuông phù Xã tắc Cương nghị Uy linh Chế trị Hàm ninh Dực vận Thế quốc Hiển khánh Bảo đức Hồng hưu Dương vũ Hùng dũng Tập phúc Hộ quốc Vệ dân Thông minh Nghị trí Trung chính Túy tinh Diên huống Địch triết Đại vương; ...Vì giúp trẫm ngự giá tuần hành thang ấp được thuận lợi, đặc chuẩn gia phong mỹ tự, xứng đáng tặng thêm là Thiên bồng Thiên tướng Đô nguyên soái Khuông phù Xã tắc Cương nghị Uy linh Chế trị Hàm ninh Dực vận Thế quốc Hiển khánh Bảo đức Hồng hưu Dương vũ Hùng dũng Tập phúc Hộ quốc Vệ dân Thông minh Nghị trí Trung chính Túy tinh Diên huống Địch triết Đại vương; Cho nên có sắc phong.

Sắc chỉ cho thôn Liêm Trung xã Xích Thổ huyện Yên Hóa tỉnh Ninh Bình, theo trước phụng thờ Hách liệt Uy Minh Cương chính Thuần chính Dực bảo Trung hưng Thiên bồng chi thần

6. Đốc Khánh công chúa (chưa rõ sự tích)

Theo đạo sắc ngày mồng 8 tháng 1 niên hiệu Duy Tân 5 (1911), sắc cho thôn Đồng Nòng huyện Yên Hóa tỉnh Ninh Bình, phụng thờ thần Đốc Khánh công chúa, tặng thêm là Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng chi thần, đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ.

 

           7. Thành hoàng Minh Đức (Lang Mường Dầm) (chưa rõ sự tích)

          Theo đạo sắc ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Sắc cho thôn Trại Thượng xã Xích Thổ huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, theo trước phụng sự thần nguyên tặng là Dực bảo Trung hưng Linh phù Đương cảnh Thành hoàng Minh Đức tôn thần, thần từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Đến nay,..., tặng thêm là Đôn ngưng tôn thần, đặc biệt chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự.

  8. Tảo Hoa công chúa (chưa rõ sự tích)

Trước năm 1960 tượng Tảo Hoa công chúa thờ tại miếu cạnh chùa, sau miếu hư hỏng địa phương đã rước tượng vào thờ trong chùa như ngày nay. Theo các cụ cao tuổi trong thôn cho biết: Thần là người thuộc dòng họ Nguyễn Viết, cha được triều đình Huế cử  ra vùng Xích Thổ  nhâm chức, 13 tuổi mất, có công trạng với triều Nguyễn, được sắc phong công chúa, mỹ  tự : Trung đẳng thần. Hiện vẫn còn sắc phong đời Khải Định năm thứ 2 (18/3/1917), lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Viết, thôn Đại Hòa.

B. Sự kiện liên quan tới di tích:

Theo truyền lại thì chùa được xây dựng vào thời Lý Thánh Tông (1056). Trải qua thời gian thờ cúng chùa đã được tu sửa nhiều lần: Thượng điện chùa tháng cuối mùa đông năm Canh Thìn (Bảo Đại thứ 15-1939) trùng tu.

Tiền đường được trùng tu ngày lành tháng tốt năm Bính Dần (1916)

Nay chùa Liêm Thượng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi họp bàn các công việc chung của nhân dân thôn Đại Hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp

Tháng 11 năm 1945 Ban bình dân học vụ xã Xích Thổ được thành lập, phong trào xóa nạn mù chữ được phát động, chùa là nơi tổ chức các lớp bình dân học chữ quốc ngữ.

Cuối năm 1946, nhà máy B5 (B xanh) sản xuất vũ khí của quân đội (quân khu 3) sơ tán về Xích Thổ, một phân xưởng đóng ở rừng và chùa Liêm Thượng.  

Cuối năm 1947 các cơ quan, đơn vị quân đội, công an về đóng tại xã, Ban liên lạc Quân khu tả ngạn đóng ở Liêm Thượng.

Trường quân chính Nguyễn Huệ (trường lục quân sơ cấp Nguyễn Huệ liên khu 3) mở 3 khóa huấn luyện quân sự, đào tạo trên 1000 cán bộ chỉ huy.

Trong kháng chiến chống Mỹ

Trong giai đoạn Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, máy bay Mỹ bỏ bom cầu Gián, với phương châm: Hỏa khí tập trung, hỏa lực phân tán, ba khẩu 105 của đơn vị bộ đội phòng không được chuyển đến Xích Thổ.

Nhân dân Xích Th đã có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do có thành tích đặc biệt xuất săc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 29 tháng 1 năm 1996, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân xã Xích Thổ được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định số 761 phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đảng bộ xã Xích Thổ cùng nhiều cá nhân được đảng và nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý:

01 huân chương kháng chiến

06 huân chương lao động

1.745 huân, huy chương các loại cho cá nhân

10 gia đình được tặng thưởng huân chương kháng chiến

96 gia điình được nhận “bảng vàng danh dự” “Bảng gia đình vẻ vang”

669 gia đình được nhận Bằng khen của chính phủ

154 gia đình liệt sỹ, thương binh. Trong đó có những gia đình tiễn đưa con thứ 4, thứ 5 ra trận. Có 4 gia đình tiễn người con duy nhất lên đường đã anh dũng hy sinh, 01 gia đình có 4 người con là liệt sỹ.

05 bà mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong 10 năm 1965-1975 (Xính Thổ) đã tiễn đưa 688 thanh niên vào bộ đội. Xích Thổ đạt danh hiệu 10 năm liên tục được Đảng, nhà nước tặng thưởng 2 huân chương chiến công hạng 2 và hạng 3. Toàn xã có 488 gia đình bộ đội, 458 quân nhân ở chiến trường B-C-K ([9]) .

PHẦN V. SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

Hàng năm tại di tích diễn ra các hoạt động sau:

Ngày mùng 1, 15 ÂL hàng tháng (ngày Sóc, vọng) làm lễ Vấn (theo nghĩa kính viếng)

Ngày 15 tháng tư lễ Phật đản

Ngày 15 tháng 7 lễ Vu lan

Ngày 10 tháng 10 lễ cơm mới

Ngày 24 tháng 6 âm lịch: Lễ Hạ điền.

Lễ hội chùa Liêm Thượng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 11 âm lịch hàng năm, gọi là lễ hội Kỳ yên Thượng điền. Lễ hội Kỳ yên Thượng điền là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền đất Bắc Bộ Việt Nam được tổ chức hàng năm. Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ Phật, thần, thánh tôn vinh và tạ ơn Phật, thần, tạ ơn đất trời đã ban cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

PHẦN VI. KHẢO TẢ DI TÍCH

1. Tổng thể:

Chùa được xây dựng thời Lý, cách đây khoảng nghìn năm, nằm trên diện tích  4.467 m2 ; quay theo hướng Đông ghé Nam, xa xa là sông Bôi uốn lượn, bên trái là khu dân cư, bên phải là đường thôn, liền ngay phía sau là đường thôn, dựa lưng vào dãy  núi …

2. Kiến trúc

 Chùa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (   )  gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Qua khoảng sân gạch, giới hạn phía trước của chùa chúng ta có thể quan sát kết cấu kiến trúc của tòa Tiền đường.

Tiền đường gồm 5 gian nhà ngang (8m x 6,1m) phần mái lợp bằng ngói vảy, nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu đốc xây bít, tường đốc đắp vữa đề chữ Thiên Hương 1054 - 2000.; phần thân nhà là hàng cột để thông phong. Có kết cấu khung nhà gỗ cổ truyền, gồm 6 vì kèo gỗ tứ thiết, mỗi vì kèo có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân, chân cột được kê trên chân tảng đá vuông đường kính 60cm x 60 cm. Hai vì kèo đốc kiến trúc theo kiểu thượng giường, hạ mê. 4 vì kèo giữa kiến trúc theo kiểu thượng giường, hạ bẩy, các đầu bẩy chạm bong hình rồng chầu, với kỹ thuật chạm trổ công phu, các con rồng mềm mại, sống động lạ thường.

Vật liệu kiến thiết Tiền đường: Vôi vữa, gạch ngói, gỗ tứ thiết.

Tiền đường bày trí ban thờ quốc mẫu vua bà, Đốc Khánh công chúa, Tảo Hoa công chúa gian bên hữu. Linh Lang thượng đẳng thần, Hắc Trần đại vương, thành hoàng Minh Đức, đức thánh Nguyễn, Thiên Bồng Thiên tướng thờ gian bên tả. Trên hoành treo bức đại tự đề: “Thái tử Lý triều điện”.

     Qua khoảng sân rộng 2,6m là tới Thượng điện, gồm 3 gian nhà dọc (7,85m x 5,1m) có lối kiến trúc tiền đao, hậu đốc, phần mái lợp ngói vẩy. Hai bên đốc xây vòm, đặt nhang án thờ gia tiên các cửa họ và thờ hậu. Qua bậc tam cấp làm bằng đá xanh là phần hiên của tòa Thượng điện rộng o,7m.  Ngăn cách phần hiên với không gian thờ cúng bên trong là hệ thống cửa quay bức bàn đặt trên ngưỡng cửa gỗ. Gian ngoài kiến trúc vì kèo kẻ chuyền, giường chóp, nơi đây xây nhang án thờ tượng Chuẩn đề Bồ tát và tượng Quan Âm cai quản tứ phủ. Hai gian trong xây bệ thờ Phật.

         Không gian nơi thờ cúng được kiến tạo hài hòa giữa hệ thống tường bao và khung nhà gỗ, trong đó gian giữa có bức đại tự trang trí theo kiểu đường triện, lá giắt. Câu đối gỗ và các ban thờ, ngai thờ, bài vị được sơn son thếp vàng với hệ thống bát hương, đồ thờ tự, làm nên vẻ tôn nghiêm cho di tích.

 

 

PHẦN VII. SƠ ĐỒ PHÂN BỐ HIỆN VẬT

  2. Chú thích: (A Tiền đường, B thượng điện)

B. Thượng điện.

   1.2.3 Tượng Tam Thế

4. Tượng Di đà Tam tôn 

5. Tượng Bồ Tát

6. Tòa Cửu Long  

7, 8. Tượng Thánh Hiền và Đức Ông

9. Bát hương

10. Hòm sắc

11,12,13,14,15 tượng nơi khác gửi

16. Đồ thờ

17. Bát hương

18,19. tượng nơi khác gửi

20. Đồ thờ

21. Bát hương

22. Tượng Chuẩn đề Bồ tát

23. Bát hương

24. Tượng Quan Âm cai quản tứ phủ

25. Bát hương

26. Đại tự: Phúc Khánh tự

    27. Hai đối câu đôi gỗ.

A Tiền đường.

1. Ngai thờ Tứ vị Thánh nương

2. Bài vị

3. Ngai thờ Tứ vị Thánh nương

4. Bài vị

5. Ngai thờ Tứ vị Thánh nương

6. Bài vị

7. Ngai thờ Tứ vị Thánh nương

8. Bài vị

9. Bát hương.

10. Đồ thờ

11. Tượng Tảo Hoa công chúa

12. Bát hương

13. Tượng thành hoàng Minh Đức (Lang Mường Dầm)

14. Tượng Đương cảnh Thành hoàng Hắc trần Đại vương

15. Tượng Quốc sư Nguyễn Minh Không

16. Bát hương

17. Bát hương

18. Bát hương

19. Đại tự: “Thái tử Lý triều điện”.

20. Bát kích

21. Bát biểu.

22. 33 đạo sắc.

PHẦN VIII. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

Từ lâu chùa Liêm Thượng đã trở thành niềm tự hào của dân làng Liêm Thượng nói riêng và của người dân việt nói chung, chùa là nơi thờ cúng Phật và tưởng niệm các nhân vật lịch sử có liên quan mật thiết tới vùng đất có di tích.

Chùa thờ là một công trình kiến trúc cổ, nhìn chung tổng thể  kiến trúc cũng như bày trí đồ thờ khoa học và trang nghiêm, có giá trị cao về thẩm mỹ, hài hòa trong từng bố cục công trình. chùa thờ còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự  quý như nhang án, câu đối, sắc phong, tượng thờ, đồ thờ...Qua di tích ta có thể rút ra được một số kinh nghiệm về việc bảo lưu, giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc; giáo dục cho con cháu mai sau kế tiếp về truyền thống của cha ông, góp phần ổn định xã hội, phát triển quê hương đất nước.

PHÂN IX. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

  Là một công trình kiến trúc cổ, có tính nguyên gốc, các hoa văn chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, bày trí khoa học đúng với nét văn hóa truyền thống dân tộc

Các hạng mục công trình như: Phần Rui mè, cột kèo, sân vườn luôn được củng cố tôn tạo đảm bảo đúng nguyên dáng của di tích. Thông qua phong cách kiến trúc gỗ cho ta hiểu về lịch sử, xã hội của từng giai đoạn, đồng thời góp phần vào việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của người Việt.

Được sự  quan tâm của Đảng uỷ, UBND xã Xích Thổ, ban khánh tiết di tích chùa Liêm Thượng đã đựơc thành lập năm 2009, do bà  Bùi Thi Hương làm trưởng ban. Ban có nhiệm vụ sưu tầm các tư liệu lịch sử, truyền thuyết về các nhân vật thờ, trông coi, tu sửa, bảo quản, từng bước phục hồi lại những hạng mục đã  hư  hỏng, chống xuống cấp cho di tích. Năm 2012 chính quyền xã Xích Thổ giao cho nhà sư Thích nữ viên Hiền quản lý.

Về mặt pháp lý, chùa đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nhân dân trong thôn luôn hướng về cội nguồn, dù gần hay ở xa quê, đều đóng góp công đức, tiền của để tu sửa tôn tạo, chùa đã trải qua 03 lần tu sửa lớn vào các năm: 1916, 1939, 2000 chính vì vậy chùa luôn được bảo vệ tốt.

PHẦN X. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

Việc quản lý, bảo tồn và  phát huy tác dụng của di tích phải đảm bảo các quy định của luật Di sản, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và  các văn bản có  liên quan.

Để giữ gìn và phát huy những gía trị đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian chúng ta cần nghiên cứu thêm về mối quan hệ giữa mảnh đất với các nhân vật thờ cúng trong di tích. Kế thừa có chọn lọc những phong tục tập quán, những hình thức văn hóa tín ngưỡng truyền thống đảm bảo được tính tiên tiến và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Bổ sung lại hệ thống đồ thờ trong di tích.

Qua di tÝch chóng ta cã thÓ thÊy bµi häc quý nhÊt lµ lßng d©n, ë ®©u lßng d©n thuËn, chÝnh quyÒn quan t©m th× khã kh¨n ®Õn mÊy di tÝch vÉn ®­îc b¶o qu¶n tèt.

Xuất phát từ những giá trị và ảnh hưởng của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân, cùng các cấp chính quyền tại địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận chùa Liêm Thượng, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 567/QĐ - UBND ngày 20/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

          (Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Chùa Liêm Thượng, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

Chùa Liêm Thượng được xây dựng vào những năm 1050, trải qua thời gian dài nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, bị chiến tranh tàn phá, thiên tai khắc nghiệt, kiến trúc bị hư hỏng nặng, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân xã Xích thổ và được sự chấp thuận của UBND tỉnh Ninh Bình cuối 2019 và đến   giữa năm 2020  Chùa Liêm Thượng đã hoàn thành việc trùng tu tôn tạo và đi vào sử dụng. Đáp ứng sinh hoạt đời sống tâm linh của nhân dân.  

 

 

 

Thông tin truy cập

Truy cập: 190703

Trực tuyến: 11

Hôm nay: 1541