Uỷ ban nhân dân xã Xích Thổ
Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình!

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN VỀ ĐỀ ÁN 06 CỦA CHÍNH PHỦ

Thứ tư, 29/06/2022

1. Về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của Đề án 06 

1.1. Về quan điểm chỉ đạo

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội. Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030. 

1.2. Mục tiêu tổng quát

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

2. Xác định tầm quan trọng, cần thiết của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Ngày 01/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng trong thời gian khẩn trương, quyết liệt chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa. Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung tâm. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (trong đó Công an thành phố đã triển khai 02 chiến dịch thu nhận 5.393.936 hồ sơ cấp CCCD) có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chip, mới đây, ngày 25/2/2022, Bộ Công an đã thực hiện cấp thêm tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD, điều này giúp gia tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử.

Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp

3. Tuyên truyền về định danh điện tử

3.1. Khi được cấp tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại những lợi ích cụ thể sau: 

a) Đối với công dân

- Tạo công cụ để người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả như thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…).

- Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo giúp các giao dịch được an toàn.

- Tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

- Tạo ra tiện ích giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy. 

- Xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử. 

b) Đối với Cơ quan, tổ chức

- Cơ quan, tổ chức được kết nối đến hệ thống định danh điện tử, sử dụng định danh điện tử đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin công dân và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp.

- Các cơ quan, tổ chức có thể giảm thiểu nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí lưu trữ và in ấn các loại giấy tờ khi người dân sử dụng định danh điện tử. 

- Cơ quan, tổ chức có thể thực hiện giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt giúp giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

 c) Đối với doanh nghiệp 

- Doanh nghiệp kết nối đến hệ thống định danh điện tử, sử dụng các dịch vụ định danh điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin công dân và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp khi được sự đồng ý của công dân.

- Định danh điện tử cung cấp cho doanh nghiệp một phương thức thanh toán đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ. 

3.2. Tuyên truyền định danh điện tử

a) Đối với công dân: cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất thẻ CCCD gắn chip hoặc quá hạn thẻ thì có thể thực hiện thủ tục Đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD gắn chip tại Cơ quan công an, chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà công dân muốn đăng ký tích hợp vào tài khoản Định danh điện tử để cung cấp cho cơ quan Công an.

 b) Đối với Cơ quan tổ chức: Thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.Thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, phục vụ xác thực, định danh và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, khai thác các dịch vụ định danh điện tử, kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu đảm bảo đúng mục đích, đúng yêu cầu, phòng chống lộ lọt dữ liệu.

 c) Đối với doanh nghiệp: Cần tham gia mạnh mẽtrong hoạt động cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện triển khai sử dụng các dịch vụ định danh điện tử trong các lĩnh vực của đời sống phục vụ người dân, đảm bảo việc kết nối đến hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia nhanh chóng, an toàn, bảo mật, hiệu quả. Cam kết bảo mật thông tin dữ liệu của công dân khi sử dụng dịch vụ định danh điện tử giải quyết các thủ tục cho người dân.

 d) Đối với Cơ quan quản lý

 - Thực hiện quản lý hành chính công trên môi trường điện tử thay thế môi trường truyền thống, giảm thiểu nguồn nhân lực, giảm phiền hà, giấy tờ, chi phí khi giải quyết các thủ tục hành chính.

 - Vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa thuận tiện trong công tác quản lý, thông tin luôn được cập nhật, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng.

- Từ công tác triển khai thực tế phân tích các tính năng được sử dụng nhiều, các kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc để phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, giúp điều hành phát triển kinh tế đất nước.

3.3. Lộ trình triển khai cấp tài khoản định danh điện tử

- Giai đoạn 1 (từ 25/02/2022 đến 31/03/2022) : Bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử khi công dân đăng ký làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân (Hệ thống và phần mềm đã sẵn sàng cho việc cấp tài khoản định danh điện tử cùng cấp Căn cước công dân).

- Giai đoạn 2 (từ 01/04/2022) : Bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có thẻ Căn cước công dân; từ 01/05/2022 cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam (C06 hoàn thành việc xây dựng phần mềm phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có thẻ Căn cước công dân, A08 hoàn thành việc xây dựng phân hệ phần mềm cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài, kết nối thành công với hệ thống định danh và xác thực điện tử của C06).

- Giai đoạn 3 (từ 15/07/2022) : Bắt đầu triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp khi nghị định về định danh và xác thực điện tử được ban hành và có hiệu lực.

3.4. Một số câu hỏi và trả lời có liên quan đến định danh điện tử

Câu 1: Tài khoản định danh điện tử là gì?

Trả lời: Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh:

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển.

Câu 2: Tài khoản định danh điện tử được sử dụng như thế nào?

Trả lời: Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.

Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn. 

Câu 3: Tài khoản định danh điện tử có những mức độ nào?

Trả lời: Mức độ của tài khoản định danh điện tử gồm:

- Mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng,…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng,…).

- Mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh 

Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...

Câu 4: Có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở đâu?

Trả lời: Tùy theo nhu cầu và điều kiện của công dân để lựa chọn một trong các hình thức sau:

- Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp (Tỉnh/ thành phố, Quận/ huyện, Phường xã) để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh điện tử Mức 2 (Công dân có thể sử dụng Ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia để thực hiện đặt lịch hẹn làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử trước khi đến Cơ quan công an).

- Thực hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 1 trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia.

Câu 5: Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?

Trả lời: Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh:

- Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.

- Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

 

- Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:

+ Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài).

+ Họ, tên đệm và tên.

+ Ngày, tháng năm sinh.

+ Giới tính.

+ Quốc tịch (đối với người nước ngoài).

+ Số điện thoại, email.

Câu 6: Cần thiết bị như thế nào để có thể sử dụng được tài khoản định danh điện tử?

Trả lời: Tính đến hiện tại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia yêu cầu thiết bị di động của công dân sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc IOS 9 trở lên. Ngoài ra khuyến khích nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên và đảm bảo kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng ứng dụng.

Câu 7: Có thể tải và cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) ở đâu và sử dụng như thế nào?

Trả lời: Ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia có thể được tải về thông qua kho ứng dụng Google play (CH play) đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và App Store đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS.

Câu 8: Tôi bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia thì tôi cần làm gì?

Trả lời: Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:

- Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.

- Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.

Câu 9: Tôi có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị cùng lúc không?

Trả lời: Theo quy định thì tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm nên công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm. 

Câu 10: Tôi cần chú ý điều gì nếu muốn sử dụng xác thực bằng vân tay/nhận dạng khuôn mặt cho ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID)?

Trả lời: Công dân cần nhập mật khẩu của tài khoản định danh điện tử vào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị, từ những lần sau công dân có thể sử dụng vân tay/ảnh mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng.Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, công dân sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay/ảnh mặt và mã passcode (chỉ công dân mới biết). Mật khẩu của tài khoản của công dân được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần).

Công dân cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay/ khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay/ khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và cần nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.

Câu 11: Các ứng dụng độc hại vô tình được cài trên điện thoại của tôi, thì dữ liệu cá nhân của tôi được hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có thể bị truy cập bất hợp pháp không?

Trả lời: Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.

Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.

Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.

 Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao thì công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

Câu 12: Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của tôi có được đảm bảo an toàn không?

Trả lời: Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Câu 13: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?

Trả lời: Có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia. Nổi bật trong đó là:

- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

 - Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

- Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Câu 14: Khi tôi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, tôi phải làm gì?

Trả lời: Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.

Câu 15: Tôi quên mật khẩu đăng nhập, tôi phải làm gì để có thể đặt lại được mật khẩu?

Trả lời: Trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia hỗ trợ công dân chức năng để thiết lập lại mật khẩu theo nhiều hình thức như qua SMS OTP, E-mail, Câu hỏi bảo mật. 

Câu 16: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử tôi thì tôi cần chú ý điều gì?

Trả lời: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình công dân cần chú ý:

- Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.

- Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.

- Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.

Câu 17: Hạn sử dụng của tài khoản đinh danh điện tử là bao nhiêu?

Trả lời: Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chip.

Câu 18: Các loại giấy tờ mà tôi cung cấp có cần lưu 1 bản tại cơ quan công an không? Nếu có thì bản đó có cần công chứng không?

Trả lời: Không. Từ hệ thống sẽ in phiếu đăng ký trong đó bao gồm các thông tin tích hợp để công dân ký chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin.

Câu 19: Lệ phí đăng ký định danh điện tử là bao nhiêu?

Trả lời: Miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử.

Câu 20: Một số điện thoại có thể sử dụng đăng ký định danh điện tử cho nhiều người được không?

Trả lời: Không. Một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số CCCD để xác thực OTP.

Câu 21: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại không?

 Trả lời: Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia sẽ thông báo yêu cầu công dân cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Câu 22: Tôi nhận được cuộc gọi “lạ” tự xưng cán bộ Công an yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,… để cấp tài khoản định danh điện tử. Tôi có nên thực hiện theo những yêu cầu trên không?

Trả lời: Không. Hiện nay, người dân có thể đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử qua Ứng dụng VNEID hoặc ra trực tiếp cơ quan Công an để thực hiện. Cán bộ Công an sẽ không gọi điện yêu cầu công dân cung cấp thêm thông tin cá nhân hay bất kỳ loại giấy tờ nào khác.

Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của công dân để giả mạo Cơ quan chức năng gọi điện cho người dân yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại,… Sau đó, những đối tượng này dung thông tin trên đăng nhập các ứng dụng Ngân hàng online, Momo, Zalopay… của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an đề nghị người dân chú ý bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an. Nếu nhận được những cuộc gọi như trên, đề nghị người dân gọi đến số Hotline 1900.0368 hoặc thông báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp kịp thời xử lý.

4. Tuyên truyền về thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng, không mất thời gian chờ đợi, tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại; tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính.

4.1. 25 dịch vụ công thiết yếu của Phụ lục 1 Đề án 06 coi đây là bước đột phá trong thực hiện Đề án 06, bao gồm: 

(1) Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; 

(2) Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân;

(3) Đăng ký thường trú;

(4) Đăng ký tạm trú;

(5) Khai báo tạm vắng;

(6) Thông báo lưu trú;

(7) Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy;

(8) Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); 

(9) Đăng ký khai sinh;

 (10) Đăng ký khai tử;

(11) Đăng ký kết hôn;

(12) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông;

 (13) Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu;

 (14) Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu;

(15) Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi;

(16) Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí; 

(17) Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;

(18) Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân;

(19) Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ);

(20) Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;

(21) Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng;

(22) Cấp phiếu lý lịch tư pháp;

(23) Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp;

(24) Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V) (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện);

(25) Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện).

4.2. Điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến

- Công dân phải được cấp số định danh cá nhân;

- Có thuê bao điện thoại di động chính chủ;

- Tài khoản ngân hàng (không bắt buộc);

- Sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Đối với công dân dưới 14 tuổi thì cấp định danh điện tử theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

* Trước mắt trong năm 2022, CAH tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu nêu trên, hiện Công an huyện đã ban hành Kế hoạch tiếp tục cấp CCCD gắn chip điện tử cho toàn bộ công dân trên địa bàn, kết hợp tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân để thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, đề nghị người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia làm CCCD gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử (trên ứng dụng VNEID) để giao dịch nhằm mang lại lợi ích cho công dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Công an huyện đề nghị công dân khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an để được cấp tài khoản định danh điện tử. Từ ngày 16/3/2022 Công an huyện Nho Quan đã tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, kết hợp với cấp CCCD tại Một cửa UBND huyện và tại các điểm lưu động tại Công an xã, thị trấn theo chỉ đạo của Bộ Công an. 

5. Tuyên truyền về thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng việc sử dụng CCCD gắn chip

Ngày 28/2/2022, Bộ Y Tế có Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, theo đó thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về CCCD.

Theo đó, Bộ Y Tế hướng dẫn triển khai tiếp đón, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Cơ sở khám chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

(2) Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp: 

- Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID;

- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh). 

6. Tuyên truyền về tinh thần tận tụy, sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện Dự án CSDLQG về DC; Dự án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD và Đề án 06

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh COVID-19, qua đó thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Công an, thật sự tạo dấu ấn cho người dân, xã hội. Nhìn lại dấu mốc này, trong gần 2 năm qua, có thể nói lực lượng CAND đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp CCCD. Đây là những công việc chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại; nhưng với sự quyết tâm của toàn lực lượng 02 dự án đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội.

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ chiến dịch này, từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng tình ủng hộ của người dân... Nhưng điều đáng nhớ nhất, đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, cống hiến của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Công an trên khắp mọi miền của cả nước không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư, cấp CCCD... Tất cả đều cùng nhau thống nhất nhận thức, hành động, coi đây là “trách nhiệm và danh dự” của lực lượng CAND, để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Bộ Công an cũng đã nhận được sự chung tay góp sức của người dân và các doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng để Bộ Công an hoàn thành xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Có thể nói, người dân trên khắp cả nước đã rất nhiệt tình tham gia cung cấp thông tin, tham gia làm CCCD không quản ngày đêm, ủng hộ giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như: VNPT, Tecapro, Gtel ICT... đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng bảo đảm theo đúng các tiêu chí nêu trên, sẵn sàng cao nhất phục vụ người dân và xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị và toàn thể CBCS nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu và cấp CCCD gắn chip trên địa bàn huyện, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì nhân dân phục vụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an các cấp với phương châm nhanh nhất, mạnh mẽ, hiệu quả và quyết liệt nhất. Quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn huyện.

 

                                                                                                           Nguồn UBND huyện Nho Quan

Thông tin truy cập

Truy cập: 190709

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 1547